Biên phòng - Đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức, huyện Kỳ Sơn đã xác định rõ, lấy xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh làm nhiệm vụ hàng đầu. Trên cơ sở đó, địa phương này đã đưa ra các giải pháp mang tính đột phá, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế đã diễn ra trong thời gian dài. Nhờ đó, tính chiến đấu của các tổ chức, cơ sở Đảng tại các xã, thị trấn dần được nâng lên, cán bộ, đảng viên bám địa bàn, đưa ra các giải pháp phục vụ nhân dân.
Bài 2: Tạo đột phá từ hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh
Tăng cường cán bộ huyện về xã
Trên cơ sở nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, phân tích rõ nguyên nhân, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đưa ra những giải pháp mang tính đột phá để xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Một trong những giải pháp đầu tiên được đưa ra, đó là tăng cường cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn quản lý về giữ các chức vụ chủ chốt tại một số xã vùng sâu, vùng xa, địa phương có tổ chức cơ sở Đảng hoạt động còn nhiều hạn chế. Thời điểm đưa ra thực hiện, chưa có quy định cụ thể nào của cấp trên nhưng Huyện ủy Kỳ Sơn vẫn vừa làm thí điểm, vừa rút kinh nghiệm.
Cuối năm 2015, đồng chí Và Bá Cải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kỳ Sơn là một trong những cán bộ cấp huyện đầu tiên được Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn điều động tăng cường về giữ chức vụ Bí thư Đảng bộ xã Bắc Lý - địa phương thuộc diện nghèo nhất huyện và bộ máy chính quyền hoạt động còn trì trệ. Xác định rõ trách nhiệm, với vị thế của cán bộ cấp trên được cử về và vai trò Bí thư Đảng ủy xã Bắc Lý, đồng chí Và Bá Cải gương mẫu, tập trung thay đổi tác phong công vụ, bồi dưỡng trình độ cho cán bộ, công chức xã. Sau 3 năm về cơ sở, đồng chí Và Bá Cải đã xóa bỏ được tình trạng “công sở vắng cán bộ” tại xã Bắc Lý, phần lớn cán bộ, đảng viên có ý thức, trách nhiệm, bám địa bàn nắm bắt tình hình, nguyện vọng của nhân dân.
Đến tháng 3/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã ra Nghị quyết số 02-NQ/TU về luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ, lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết là cơ sở để Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn tiếp tục thực hiện chủ trương “đưa” cán bộ huyện về xã. Tháng 6/2018, đồng chí Thò Bá Rê, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Kỳ Sơn được điều động, tăng cường về làm Bí thư Đảng ủy xã Nậm Càn. Trước đó, do để xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép trên địa bàn, một số cán bộ ở xã Nậm Càn bị xử lý kỷ luật, phần nào tác động đến niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ lãnh đạo cấp cơ sở. Trên cương vị mới, đồng chí Thò Bá Rê luôn tâm niệm, mình gần dân để nghe dân nói và nói dân hiểu thì mọi việc sẽ thành công.
Nhờ sự quyết tâm cao, gương mẫu, đi đầu của Bí thư Đảng ủy Thò Bá Rê và lãnh đạo xã trong việc kiên trì bám cơ sở để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nậm Càn đã giảm hẳn tình trạng di dịch cư tự do, chặt phá rừng trái phép. Khi hệ thống chính trị được củng cố, đội ngũ cán bộ đã được kiện toàn, phong trào thi đua ở Nậm Càn ổn định, đi vào nền nếp. Tháng 10/2020, đồng chí Thò Bá Rê được điều chuyển về huyện và được bầu làm Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho đến nay.
“Tăng cường cán bộ huyện về xã có tác dụng “kép”, vừa củng cố được hệ thống chính trị cơ sở, vừa giúp cán bộ trải qua thực tế. Hiện nay, chúng tôi vẫn duy trì 3 cán bộ huyện gồm: đồng chí Vi Văn Minh, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường đang tăng cường làm Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý; đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường làm Bí thư Đảng ủy xã Phà Đánh và đồng chí Vũ Thị Huyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kỳ Sơn tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tà Cạ” - đồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết.
Tạo luồng sinh khí mới
Cùng với chủ trương tăng cường cán bộ huyện về xã, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn quyết tâm thực hiện cuộc các mạng về công tác cán bộ tại các xã, thị trấn. Theo đó, Huyện ủy Kỳ Sơn yêu cầu đảng ủy các xã kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, thiếu tinh thần học tập, vươn lên. Cùng với đó, chú trọng bồi dưỡng, trẻ hóa cán bộ chủ chốt người địa phương đã qua đào tạo cơ bản.
Tính đến nay, huyện Kỳ Sơn có trên 95% cán bộ chủ chốt tại xã, thị trấn (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND) là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong số đó có đến 60% người dưới 40 tuổi. Điển hình như đồng chí Pịt Thị Hà, sinh năm 1986, Huyện ủy viên, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Na Loi; đồng chí Hoa Văn Môn, sinh năm 1988, Bí thư Đảng ủy xã Mường Típ… Đồng chí Xã Văn Lương, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Kỳ Sơn khẳng định: “Đội ngũ cán bộ chủ chốt là những người trẻ tại các địa phương được đào tạo bài bản, với tinh thần dám nghĩ, dám làm đang thực sự tạo luồng sinh khí mới, góp phần làm thay đổi bộ mặt của các địa bàn khó khăn”.

Huyện ủy Kỳ Sơn cũng đang thực hiện nghiêm túc chủ trương luân chuyển cán bộ chủ chốt giữa các xã, thị trấn, với quyết tâm phá vỡ tư tưởng cục bộ, mất đoàn kết giữa các dòng họ, dân tộc. Trước đây, tại xã Na Ngoi xảy ra trường hợp dân kiện cán bộ, cán bộ kiện nhau…, kéo theo đó là cán bộ xã thiếu gần gũi với nhân dân, “bỏ trống công sở”… Tháng 3/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn đã quyết định điều động đồng chí Vừ Bá Lỳ, Bí thư Đảng ủy xã Huồi Tụ về làm Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi với quyết tâm thay đổi tình hình tại đây.
Ngay sau khi nhận công tác ở địa bàn mới, đồng chí Vừ Bá Lỳ đã cho thành lập tổ chấm công cán bộ, công chức xã và chỉ một thời gian ngắn, kỷ cương đã được lập lại, không còn tình trạng cán bộ đi muộn về sớm, giải quyết việc riêng trong giờ hành chính. Tiếp đó, Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi phát động phong trào đổi mới phong cách làm việc của cán bộ, công chức với tinh thần gần dân và phục vụ nhân dân.
Dưới sự chủ trì, gương mẫu của đồng chí Vừ Bá Lỳ, cán bộ, công chức xã Na Ngoi tích cực tham gia vào quá trình hỗ trợ nhân dân xóa nhà tạm bợ, phát triển kinh tế, xã hội. Đến nay, chính quyền xã Na Ngoi đã giúp 22 hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xây dựng được nhà mới. Bên cạnh đó, 4 đồng chí Thường trực Đảng ủy xã Na Ngoi cũng đặt chỉ tiêu giúp 2 hộ dân; khối UBND giúp đỡ 2 hộ dân và khối đoàn thể giúp đỡ 2 hộ dân thoát nghèo; mỗi chi bộ phải giúp ít nhất 1 hộ thoát nghèo. Tinh thần đoàn kết thống nhất, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chính là động lực quan trọng đưa nghị quyết của Đảng, các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội vào cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở xã Na Ngoi xuống dưới 45%, thấp hơn nhiều so với bình quân của toàn huyện Kỳ Sơn (59,3%).
Bài 3: Vững tin vào sự nghiệp đổi mới
Viết Lam