Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 11:16 GMT+7

Vùng biên A Lưới vươn mình mạnh mẽ

Biên phòng - Chương trình 135 (CT 135) và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo ra những con đường bê tông phẳng lỳ trên đại ngàn Trường Sơn. Đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) ở 12 xã vùng biên giới huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có thể thong dong trên xe từ nhà ra đến trung tâm huyện, điều này trước đây, đồng bào có nằm mơ cũng không thể thấy được.

Lãnh đạo địa phương và các ban, ngành, đoàn thể tham quan mô hình nuôi cá tầm tại xã Hồng Kim. Ảnh: Tiêu Dao

Đường giao thông vào tận bản

A Lưới là huyện biên giới có đông đồng bào DTTS sinh sống như Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Bru-Vân Kiều… Từ nguồn vốn CT 135 và nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đồng bào DTTS ở 12 xã biên giới của huyện A Lưới phấn khởi vì đã có những con đường mới. Không chỉ thay đổi diện mạo, những tuyến đường đã làm cho hàng hóa được lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nơi đây.

Nhớ về những năm tháng trước đây, anh Sang, Trưởng thôn Âr Bả Nhâm, xã Nhâm kể lại: “Thời ấy, đường liên xã chỉ là lối mòn. Thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi đi học phải cuốc bộ. Do bùn lầy, số lần té ngã không đếm xuể, nhiều khi tới trường thì sách vở bị lấm bẩn, không còn dùng được”.

Từ năm 2000, khi dự án đầu tư đường giao thông nông thôn của CT 135 mở ra, tiếp đó là dự án từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (năm 2010), con đường đất, đường cấp phối từ thôn Âr Bả Nhâm ra trung tâm xã được thay thế bằng đường bê tông. Đồng bào các DTTS sống ở vùng biên không còn sợ bị cô lập mỗi mùa mưa bão. Từ chỗ học sinh đến trường ít, đến nay gần như toàn bộ trẻ mầm non đã được đi học.

Với người dân xã Đông Sơn, con đường dù được đầu tư sau, nhưng không muộn. Đường nông thôn chỉ rộng 2,5-3,5m, nhưng với người dân, sự thay đổi này được ví như cuộc cách mạng. Đường nối 2 thôn Loah Tavai và Tru Chaih được bê tông hóa vượt qua những khe suối. Dù đến nay chưa hoàn thành 100% nhưng bà con có thể đi lại, thoát khỏi cảnh cực khổ vì đường nhỏ, vào mùa mưa lại lầy lội.

Địa hình ở A Lưới chủ yếu đồi núi, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Với phương châm làm đường “cuốn chiếu”, kinh phí từ các chương trình, dự án về được UBND huyện tính toán, phân bổ hợp lý. Bên cạnh đó, bà con DTTS đã tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất làm giảm chi phí làm đường. Riêng nguồn vốn của CT 135, các xã được đầu tư 25,5km đường giao thông nông thôn, 9,8km đường nội đồng.

Bên cạnh đó, nguồn từ các dự án, nhất là Dự án LRAMP đã đầu tư 8 cầu cứng, 2 cầu treo, 11,2km đường giao thông nông thôn. Cùng với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhiều tuyến đường lần lượt được cứng hóa. Đến nay, đã có đến 98,2% số tuyến giao thông ở các bản làng trên địa bàn huyện vùng biên A Lưới được cứng hóa. Riêng tỉnh lộ 20 được đầu tư mở rộng với chiều dài 5km đi qua trung tâm xã Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Thái đã làm thay đổi diện mạo của huyện vùng biên.

Đời sống nhân dân không ngừng nâng lên

Những con đường giao thông nông thôn, đường nội đồng được đầu tư xây dựng mở ra cơ hội cho nông dân trong việc phát triển kinh tế-xã hội. Đời sống của đồng bào DTTS theo đó cũng ngày càng nâng lên.

Dọc các xã biên giới ở A Lưới, mô hình trồng chuối lùn và đặc sản địa phương ngày càng nhiều. Đường thông thoáng khiến mọi hoạt động trở nên thuận lợi, nhất là hoạt động giao thương đã được tăng lên. Những sản phẩm của người DTTS dễ dàng bán, không bị ép giá vì đường khó đi nữa.

Nhiều chính sách hỗ trợ vật nuôi cho đồng bào DTTS mang hiệu quả cao. Ảnh: Tiêu Dao

Ông Hồ Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy so sánh, bây giờ không chỉ ô tô vào tận bản, mà xe tải của thương lái cũng có thể vào gần rừng để thu hoạch keo tràm cho người dân. Năng suất thu hoạch nhanh gấp 3-4 lần trước đây.

Từ những con đường được thông về tận bản, A Lưới đã hình thành nhiều vùng trồng trọt và chăn nuôi theo hướng hàng hóa như vùng cao su chuyên canh, vùng trồng chuối hàng hóa, gạo đặc sản Ra Dư và chăn nuôi bò… Đặc biệt, mô hình nuôi cá tầm tại xã Hồng Kim bước đầu mang lại hiệu quả, lãi ròng mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.

Những con đường mới được mở ra, xe ô tô đi vào tận bản, ngoài thúc đẩy phát triển kinh tế, còn góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân được tăng lên, nhận thức có nhiều thay đổi. Bà con không còn sống du canh, du cư, phát, đốt, cốt, trỉa..., thay vào đó là lối sống định canh, định cư gắn với xây dựng NTM.

Từ một huyện nghèo vùng biên, A Lưới đã trở mình vươn lên mạnh mẽ. Đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm sâu.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Phan Ngọc Thọ khẳng định, cấp ủy, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị ở A Lưới nói riêng và toàn tỉnh nói chung phải xác định tinh thần, các hộ nghèo có sức lao động phải nhất quyết thoát nghèo. Đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất giữa các dòng họ, bản làng để thoát nghèo bền vững.

Cơ chế, chính sách, nguồn lực đã có, vấn đề ở đây là cách thực hiện và làm sao để thay đổi nhận thức của người dân trong giảm nghèo bền vững. “Đội ngũ già làng, người có uy tín, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố của huyện A Lưới, của toàn tỉnh sẽ luôn là nhịp cầu giữa ý Đảng và lòng dân; tạo nên sự đoàn kết, sức mạnh, thay đổi nhận thức của bà con để vượt qua mọi khó khăn, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh Phan Ngọc Thọ kỳ vọng.

Ông Hồ Văn Hạnh, dân tộc Pa Cô, một già làng, người có uy tín ở huyện A Lưới chia sẻ: “Không chỉ tuyên truyền, chúng tôi còn phải làm sao để thay đổi nhận thức của bà con trong giảm nghèo bền vững. Chúng tôi phải làm cho bà con thấy, bà con tin, bà con làm theo chính bằng công việc cụ thể, thiết thực của mình trong cuộc sống”.

Tiêu Dao

Bình luận

ZALO