Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 29/05/2023 01:13 GMT+7

Vun đắp tình đồng chí trong thời kỳ mới

Biên phòng - Đầu năm 2022, khi phát biểu với các cơ quan thông tấn báo chí, ông Hùng Ba, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đã bày tỏ rằng, dưới sự định hướng chiến lược của lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng Cộng sản, năm qua, quan hệ Trung Quốc - Việt Nam giữ vững đà phát triển tốt đẹp, các lĩnh vực giao lưu hợp tác đạt được bước tiến lớn.

Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc chủ trì Lễ đón Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6, năm 2021. Ảnh: CTV

Cũng nhận định về mối quan hệ này, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc được xây đắp qua nhiều thế hệ luôn là mục tiêu hướng tới của hai nước.

Thâm tình khó quên

Nhìn lại những năm đầu thế kỷ XX, khi Việt Nam và Trung Quốc còn nằm dưới sự thống trị áp bức của chủ nghĩa thực dân, nhiều nhà cách mạng Việt Nam, trong đó có lãnh tụ Hồ Chí Minh đã cùng với những người cộng sản Trung Quốc thiết lập mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng lực lượng cách mạng và tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc ở mỗi nước. Quá trình hoạt động của nhiều nhà cách mạng Việt Nam trên địa bàn đất nước Trung Quốc đã có sự hợp tác chặt chẽ, sự giúp đỡ nhiệt tình và hiệu quả của Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc.

Là một trong số những thanh niên yêu nước được cử sang học tập tại Trường Sĩ quan quân sự Hoàng Phố từ năm 1941, sau này trở về tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và chiến đấu giải phóng quê hương, Đại tá Hoàng Long Xuyên, nguyên Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang Khu tự trị Việt Bắc cho biết: “Những ngày học tập tại Trung Quốc, dù điều kiện còn rất khó khăn, nhưng các thầy và các bạn Trung Quốc rất quan tâm đến các học viên Việt Nam. Tôi cùng nhiều đồng chí khác đã được học tập, rèn luyện những yếu lĩnh quân sự quan trọng, lý luận cách mạng sâu sắc để chuyển hóa từ lòng yêu nước đơn thuần thành ý thức hệ cao hơn về dân tộc, tự do và độc lập, tự chủ”.

Năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của quân dân Việt Nam bước vào giai đoạn cam go, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chưa ra đời, nhưng khi Đảng Cộng sản Trung Quốc cần hỗ trợ, Việt Nam đã giúp lương thực, thực phẩm và súng đạn cho biên khu Điền Quế (Vân Nam-Quảng Tây), phối hợp với Quân giải phóng Trung Quốc mở rộng khu giải phóng biên khu Việt Quế (Quảng Đông-Quảng Tây). Trong 3 trung đoàn sang giúp bạn năm ấy, Đại tá Hoàng Long Xuyên đã chiến đấu quả cảm, anh dũng với vai trò là Phó Tư lệnh Mặt trận Tả Giang - Long Châu. Cảm kích trước sự giúp đỡ của Việt Nam, trong buổi tiếp đại diện Đảng và Chính phủ Việt Nam năm 1950, đồng chí Chu Ân Lai xúc động nói: “Trong lúc Việt Nam vừa nghèo, vừa phải gian khổ kháng chiến, lẽ ra phải được Trung Quốc giúp đỡ, thế mà các đồng chí đã hết lòng giúp đỡ Trung Quốc”.

Tiếp đó, kể từ ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (18-1-1950), Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Trung Quốc đã dành mọi khả năng có thể để giúp đỡ Việt Nam kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thành công. Theo thống kê, Việt Nam đã tiếp nhận của Trung Quốc hàng vạn tấn hàng viện trợ gồm quân trang, súng đạn, hàng quân giới, quân y và lương thực, thực phẩm để phục vụ chiến đấu lâu dài. Nước bạn cũng đã cử nhiều đoàn cố vấn quân sự và chính trị sang Việt Nam để trực tiếp làm cố vấn trong một số chiến dịch của QĐND Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc đã nhận đào tạo ngắn hạn và dài hạn hàng nghìn học viên Việt Nam tại các cơ sở đào tạo của Trung Quốc, tạo nguồn nhân lực trên nhiều lĩnh vực cho nước ta. Sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước trong suốt những năm tháng đấu tranh gian khổ, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc luôn là tài sản quý giá cần được gìn giữ, phát huy trong giai đoạn cách mạng mới.

Phát huy mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

72 năm qua, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã trải qua nhiều thử thách, thăng trầm, song, về tổng thể vẫn duy trì đà phát triển tích cực và hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chảy chính. Trong giai đoạn hiện nay, cả hai nước đều bước vào thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa, Đảng, Nhà nước Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam, sẵn sàng cùng Việt Nam củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, tăng cường giao lưu và hiểu biết lẫn nhau, mở ra thời kỳ mới cho quan hệ hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.

Kể từ năm 2008 đến nay, lãnh đạo chủ chốt của hai Đảng, hai Nhà nước thường xuyên có những chuyến công du nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ này. Qua đó, trao đổi sâu rộng về nhiều vấn đề, nhiều mối quan tâm chung và thúc đẩy có hiệu quả hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, bảo vệ lợi ích chung chiến lược của Trung Quốc và Việt Nam. Đặc biệt là vấn đề xây dựng nhận thức sâu sắc và trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, xây dựng đất nước, kiên định với lý tưởng chủ nghĩa xã hội.

Với những tiền đề quan trọng đó, không khó lý giải vì sao kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng cao nhất. Trung Quốc cũng là quốc gia có số vốn đầu tư nhiều nhất tại nước ta với các lĩnh vực như bất động sản, tài chính và hạ tầng cơ sở giao thông. Đồng thời, Việt Nam là đối tác lớn thứ 6 của Trung Quốc. Hai nước cũng tích cực phối hợp và ủng hộ nhau trong các vấn đề đa phương, kiên trì thực hiện chủ nghĩa đa phương, kiên định giữ vững lập trường coi các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc là nền tảng cơ bản của quan hệ quốc tế, kiên quyết bảo vệ công bằng và chính nghĩa quốc tế cũng như lợi ích của các quốc gia đang phát triển. Nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hai nước đã hợp tác kiểm soát tốt đại dịch, tạo điều kiện để phát triển thương mại năm sau cao hơn năm trước.

Hoạt động đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân giữa hai nước cũng đạt được nhiều bước tiến quan trọng, thực sự đi vào chiều sâu, đa dạng và hiệu quả trong những năm gần đây. Một trong những hoạt động ý nghĩa đó là Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc được tổ chức từ năm 2014 với các nội dung hợp tác ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, có tính lan tỏa, trở thành một trong những hoạt động biểu tượng và rất có ý nghĩa đối với hợp tác quốc phòng song phương, góp phần tăng cường quan hệ Ðối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, phù hợp nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước.

Đặng Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO