Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:16 GMT+7

Vực dậy niềm tin vào đối thoại

Biên phòng - Mới đây, đặc phái viên về vấn đề hạt nhân của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức đàm phán 3 bên tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Đáng chú ý, đặc phái viên của 3 nước ưu tiên tập trung vào giải pháp nối lại đối thoại với Triều Tiên để giải quyết tình trạng leo thang căng thẳng.

(Từ trái qua phải) Đặc phái viên Mỹ Sung Kim, đặc phái viên Nhật BảnTakehiro Funakoshi, đặc phái viên Hàn Quốc Noh Kyu-duk Noh. Ảnh: Reuters

Triều Tiên thời gian gần đây liên tục thực hiện các vụ phóng tên lửa, tạo nên nhiều lo ngại với Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Cuộc đàm phán giữa đặc phái viên của 3 nước này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm tên lửa hành trình tầm xa thế hệ mới vào cuối tuần trước.

Theo hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), loại tên lửa mới được nghiên cứu trong 2 năm và được coi là thành công sau khi thử nghiệm vào ngày 11 và 12-9. Tên lửa đã bay 1.500km trong 2 giờ và bắn trúng các mục tiêu. Chính quyền Triều Tiên ca ngợi loại tên lửa này là vũ khí chiến lược, mang ý nghĩa to lớn để tăng cường sức mạnh quân sự.

Các nhà quan sát Triều Tiên cho biết, bước sang năm 2021, chính quyền Triều Tiên cam kết củng cố năng lực quân sự, bao gồm khả năng răn đe hạt nhân trước áp lực trừng phạt từ phương Tây. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng công bố loạt vũ khí hiện đại bậc nhất thế giới, bao gồm tên lửa liên lục địa tầm xa, tầu ngầm hạt nhân, vệ tinh do thám và vũ khí hạt nhân chiến thuật. Vào tháng 3 vừa qua, Triều Tiên cũng phóng thử nghiệm 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

Tuy nhiên, những tham vọng mà Triều Tiên công bố đầu năm nay được giới quan sát đánh giá là khó đạt được như mong muốn, bởi mối đe dọa từ dịch bệnh và nền kinh tế bị suy yếu do đóng cửa biên giới để phòng, chống dịch Covid-19. Điều này đã khiến chính quyền Triều Tiên phải dành nhiều nguồn lực tập trung đối phó với dịch Covid-19 cũng như các tác động kinh tế - xã hội bị kéo theo.

Cuộc đàm phán Mỹ - Hàn - Nhật ở cấp đặc phái viên vừa qua thảo luận về việc hỗ trợ nhân đạo và hàng loạt biện pháp khác với mục tiêu khuyến khích Triều Tiên quay trở lại đối thoại. Theo giới quan sát, viện trợ nhân đạo đang là điều rất hữu ích với Triều Tiên, bởi nước này đang “vật lộn” với hàng loạt khó khăn kinh tế do đóng cửa biên giới. Trước cuộc đàm phán ba bên này, Hàn Quốc và Mỹ đã thảo luận riêng về vấn đề hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên trong lĩnh vực thiết yếu liên quan tới y tế, vệ sinh và nước sạch.

Đặc phái viên Mỹ Sung Kim cho biết, Mỹ tiếp tục kêu gọi Triều Tiên trở lại đối thoại. Mặt khác, đặc phái viên Sung Kim khẳng định, những động thái thử tên lửa của Triều Tiên, cũng như diễn biến phức tạp gần đây ở khu vực đã đề cao tầm quan trọng sự hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia đồng minh. Ông Kim Sung nhấn mạnh, Mỹ không có ý thù địch và hy vọng nhận được phản hồi tích cực từ Triều Tiên đối với những đề nghị của Mỹ. Song hành với đó, Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ tất cả nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về vấn đề Triều Tiên.

Triều Tiên luôn là vấn đề có tầm quan trọng rất lớn với Mỹ và cũng là nỗi lo hàng đầu của hai nước đồng minh thân cận là Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong giai đoạn 2016-2020, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đẩy mạnh tiến trình đàm phán với Triều Tiên, mang tới niềm kỳ vọng rất lớn về an ninh khu vực cho cộng đồng quốc tế, nổi bật nhất là 2 hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên liên tiếp trong hơn nửa năm từ mùa hè năm 2018. Song, sau hội nghị thượng đỉnhvào đầu năm 2019, tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên lại rơi vào bế tắc.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden từ cuối tháng 1-2021 đến nay đang trải qua nhiều vấn đề khác khiến vấn đề Triều Tiên chưa có những tín hiệu tích cực. Thay vào đó, quan hệ Mỹ - Triều Tiên xuất hiện nhiều diễn biến tiêu cực làm giảm triển vọng đàm phán. Giới chuyên gia chính trị quốc tế chỉ ra rằng, dù chính quyền Tổng thống Biden hiện chưa có ý sẵn sàng nhượng bộ Triều Tiên nhưng chắc chắn rằng, sẽ có sự thay đổi trong cách tiếp cận nếu các bên vực dậy niềm tin vào đối thoại.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO