Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:20 GMT+7

Vực dậy kinh doanh vận tải

Biên phòng - Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất Chính phủ kéo dài thời hạn giảm phí đường bộ cho xe kinh doanh vận tải thêm 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mức giảm phí đường bộ là 10% đối với xe vận tải hàng hóa, 30% đối với xe vận tải hành khách.

Giảm phí đường bộ cho phương tiện kinh doanh vận tải giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và người kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Ảnh: Internet

Việc giảm phí đường bộ cho phương tiện kinh doanh vận tải vào thời điểm này được nhiều nhà quản lý cho rằng hết sức cần thiết, giúp tháo gỡ ít nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp và người kinh doanh. Hiện, phí sử dụng đường bộ phải đóng đối với các doanh nghiệp vận tải chia làm 8 mức, từ 130.000 đồng đến cao nhất 1.430.000 đồng/tháng. Đối chiếu mức giảm phí đường bộ, 1 phương tiện vận tải hành khách dưới 9 chỗ sẽ giảm được hơn 230 nghìn đồng/6 tháng.

Song nếu nhìn vào thực trạng các doanh nghiệp vận tải hiện nay, thì số tiền được miễn giảm trên không thấm vào đâu so với những chi phí thường xuyên của doanh nghiệp. Bởi, sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết các doanh nghiệp vận tải chỉ khai thác cầm chừng được 30% tổng số phương tiện doanh nghiệp sở hữu, số còn lại phải nằm bãi. Trong khi doanh thu chỉ đạt chưa tới 20% đối với xe vận chuyển hành khách và khoảng 70-80% đối với vận tải hàng hóa.

Theo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực, buộc phải hoạt động cầm chừng, hoặc thu hẹp quy mô, không còn đủ sức để hỗ trợ người lao động. Cùng với đó, giá xăng dầu cao, thiếu nguồn hàng, vắng khách, khiến lao động không có thu nhập, nhiều người bỏ việc.

Mặt khác, có đến 90% doanh nghiệp kinh doanh vận tải vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện và tổ chức hoạt động vận tải. Đối với doanh nghiệp này, tiền lãi suất cùng với hàng chục loại chi phí phát sinh trên đường mới thực sự là điều đáng lo ngại nên việc giảm phí đường bộ không giúp ích được nhiều cho việc vực dậy hoạt động vận tải.

Thêm vào đó, thủ tục dừng nộp phí sử dụng đường bộ cho đến khi hoạt động kinh doanh vận tải trở lại còn nhiều phiền hà, nên nhiều doanh nghiệp không tiến hành các thủ tục tạm dừng hoạt động phương tiện, chấp nhận đóng phí cho các phương tiện đang nằm bãi.

Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp vận tải kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đề xuất miễn phí đường bộ cho phương tiện kinh doanh vận tải để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh doanh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì Nhà nước phải bỏ tiền ra trợ giúp cho doanh nghiệp vận tải tồn tại, nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng thông qua các chính sách giảm thuế, phí như thuế bảo vệ môi trường thu qua xăng dầu, phí sử dụng dịch vụ đường bộ... Đơn cử, giá nhiên liệu tăng cao trong thời gian qua gây nhiều khó khăn cho kinh doanh vận tải vì chi phí nhiên liệu hiện chiếm khoảng 35-40% cơ cấu giá thành vận tải. Doanh nghiệp vận tải buộc phải điều chỉnh, đưa ra giá cước mới phù hợp với đầu vào. Điều này sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách.

Về lâu dài, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có gói kích cầu mạnh tay hơn, hỗ trợ tổng thể hơn để vực dậy doanh nghiệp vận tải. Bởi, rất ít doanh nghiệp vận tải tiếp cận được những gói hỗ trợ của Chính phủ ban hành trong thời gian qua, do điều kiện được nhận hỗ trợ và vay vốn ưu đãi khá ngặt nghèo như chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp bị dừng hoạt động từ 30 ngày trở lên, doanh nghiệp không có nợ xấu tại thời điểm đề nghị vay vốn...

Ngoài ra, trong điều kiện ngân sách khó khăn, bên cạnh chính sách của Nhà nước, bản thân doanh nghiệp vận tải cũng cần tự đổi mới để cứu mình, liên kết sáp nhập để tăng tiềm lực, chịu sự sàng lọc khắt khe và tất yếu của thị trường. Từ đó, tìm hướng đi mới cho kinh doanh vận tải để tồn tại khi nhu cầu đi lại, phương thức đi lại của người dân ngày càng có nhiều thay đổi trong và sau dịch bệnh.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO