Biên phòng - Công ty bảo hiểm Bảo Việt tại Quảng Ngãi vừa chi trả hơn 2 tỷ đồng cho vụ tàu cá QNg 90789 TS của ông Trần Tiến Dũng ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị chìm trên biển cùng với 14 ngư dân mất tích. Thế nhưng, thân nhân của chủ tàu mới nhận được số tiền nhỏ giọt.

Trong chiếc tủ kính đặt ở phòng khách của ngôi nhà bà Lê Thị Mai, ở thôn Châu Thuận Nông, xã Bình Châu đặt đầy ốc biển và san hô. Đó là những kỷ vật quý giá của chồng, con bà Mai sau mỗi phiên biển mang về. Trên bàn thờ là di ảnh của ông Trần Tiến Dũng, chồng bà Mai và 2 người con đã ám khói hương.
Con trai Trần Văn Trung đang cặm cụi với cuốn vở tiếng Hàn Quốc. Anh cho biết, cha và 2 anh trai mất tích đã 3 năm, Trung phải nghỉ học và đang thi tuyển lao động hợp tác ở Hàn Quốc để kiếm tiền chăm lo cho gia đình và giúp mẹ trả nợ. Tàu chìm, cha và 2 anh không trở về, gia đình vẫn còn khoản nợ hơn 100 triệu đồng từ việc đóng tàu.
Bà Mai suy sụp khi nhắc đến tai nạn quá kinh hoàng, một sự mất mát không thể nào bù đắp được. Đó là vào sáng ngày 10-10-2013, gia đình nhận được tin, tàu cá do chồng bà làm thuyền trưởng đang trên đường về nhà và ở khu vực gần quần đảo Trường Sa. Chiếc tàu mới đóng và hạ thủy đi phiên đầu tiên. Tàu được trang bị động cơ tàu thủy Yanmar nhập khẩu nên người thân của các ngư dân đều yên tâm, vì tàu vận hành khá an toàn.
Vậy nhưng, con tàu sau đó đã mất tích bí ẩn trên biển. Cùng thời điểm đó, trên Biển Đông đang hình thành một cơn bão lớn. Gia đình của các ngư dân trong đất liền đứng ngồi không yên vì mất liên lạc. Con tàu này chạy không cùng tọa độ với một số tàu cá khác, nên các tàu trên biển đều không biết tàu QNg 90789 TS đã bị nạn như thế nào.
Ông Trần Tiến Dũng có 2 người con trai là Trần Văn Tiến, năm đó 25 tuổi và Trần Văn Lên, 21 tuổi. Cả 3 cha con không trở về để lại nỗi đau không gì có thể bù đắp cho những người thân mỏi mòn trông đợi.
Con tàu trị giá gần 3 tỷ đồng mới hạ thủy và đi phiên biển đầu tiên thì bị mất tích. Bà Mai cho biết, khi đóng tàu thì chủ nậu chung 2 phần, gia đình bỏ 1 phần. Nhưng tính ra thì 1 phần đó đều là của vay mượn của bà con và mượn của chính chủ nậu. Thông thường, tàu được chủ nậu đầu tư thì khi đánh bắt hải sản về sẽ bán lại cho chủ nậu để cấn trừ dần nợ.
Mất người thân, mất tài sản, bà Mai không biết làm gì để trả hết nợ. Hy vọng cuối cùng chỉ biết trông chờ vào Bảo hiểm chi trả. Nhưng gia đình đã phải chờ một thời gian khá dài, sau khi xác minh các nạn nhân mất tích và có giấy chứng tử, cơ quan Bảo hiểm Bảo Việt mới chính thức khép hồ sơ và chi trả hơn 2 tỷ đồng, bao gồm bảo hiểm cá nhân cho gia đình các thuyền viên bị nạn, mỗi người 10 triệu đồng, còn lại trả cho thân nhân chủ tàu cá.
Bà Mai cho biết, chuyện tiền nong, bảo hiểm thì chủ nậu đứng ra lo liệu. "Họ nhận được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Vì gia đình mượn chủ nậu, nhưng mới đi phiên đầu, chưa có hiệu quả kinh tế gì cả, vì vậy, nếu nhận được tiền thì đưa cho chủ nậu và họ trả lại bao nhiêu thì phụ thuộc vào họ" - bà Mai bộc bạch.
Sau khi chủ nậu nhận tiền bảo hiểm gần 2 tỷ đồng và đã cấn trừ vào số tiền vay mượn, sau đó họ gửi lại cho bà Mai 150 triệu đồng để trang trải một số đầu mối nợ nhỏ. Bà Mai thanh toán các khoản chi phí đóng tàu thì vẫn còn nợ lại 100 triệu đồng. Bà Mai cho biết: "Có người nói mình phải đi đòi bớt tiền bảo hiểm lại, nhưng mà mình mượn tiền của họ, làm ăn chưa được phiên nào đã mất tích nên hiện giờ chưa biết xử lý ra sao?".
Lê Văn Chương