Biên phòng - Nghệ nhân ưu tú Trương Thị Phượng, bậc cao niên ưu tú của loại hình nghệ thuật dân gian “Hát nhà tơ - hát múa cửa đình” năm nay đã 87 tuổi. Khi chúng tôi ghé thăm bà tại nhà riêng ở xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, bà vẫn minh mẫn, tâm hồn thơ thới yêu thích ca hát và kiên nhẫn truyền dạy cho lớp trẻ môn nghệ thuật “khó nhằn” này.
Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2015. Cũng thời điểm này, bà Trương Thị Phượng với nhiều đóng góp tích cực được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình đã tồn tại hàng nghìn năm cùng với sự biến thiên, phát triển của cộng đồng cư dân các làng xã, đặc biệt là vùng biển đảo Quảng Ninh. Vì vậy, những nghệ nhân như bà Phượng là vốn quý chứa đựng hồ sơ văn hóa không chỉ một loại hình nghệ thuật dân gian mà là đời sống tinh thần công chúng gần cả nghìn năm lưu giữ di sản.
Hát múa cửa đình được xem như một biến thể, một sự ly khai tách ra trên cơ sở bảo tồn hồn cốt của các làn điệu ca trù Việt Nam. Như vậy, rõ ràng, trong lịch sử đã có những vùng dân cư di chuyển, mang theo thói quen sinh hoạt văn hóa và thực hành nó ở một dạng thể biến đổi khác. Khi nghệ nhân Trương Thị Phượng cất lên vài câu hát nhà tơ, ta có thể cảm nhận rõ ràng tiết tấu âm hưởng của ca trù, nhưng lại rền vang, cung kính như một bài hát tế. Đó chính là nét đặc sắc của hát nhà tơ khiến loại hình nghệ thuật dân gian này có giá trị và cần được bảo tồn mãi mãi.
Bà Phượng nói: “Tôi biết hát nhà tơ từ năm 12 tuổi, đến nay đã hơn 70 năm gắn bó với nó. Các chị em dạy tôi hát ngày đó bây giờ đã không còn nữa. Học hát không khó gì, khó là duy trì được, không chán, không bỏ. Nhiều người cũng biết hát như tôi nhưng chưa luyện để hát hay, được vào cửa đình hát thì đã bỏ hát rồi”. Năm 13 tuổi, bà Phượng được chọn vào đội hát ngoài đình (hồi đó là đình Hà Vực của Vân Đồn) và sau này là người phát triển nhiều lời hát, vận dụng cả lời mới vào giai điệu và trở thành đại diện tiêu biểu của đội hát am hiểu nhiều cách hát, nhiều giọng hát. Bà Phượng thừa hưởng vốn văn hóa dân gian hội tụ trong một gia đình truyền thống bao gồm các chị gái, chị chồng, mẹ chồng, mẹ đẻ đều biết hát nhà tơ và truyền dạy tự nhiên.
Tuy có tới cả đời người ngấm vào trí não những câu hát nhà tơ, nhưng bà Trương Thị Phượng có quãng thời gian gián đoạn không được sinh hoạt thực hành hát nhà tơ vì mai một văn hóa với nhiều lý do. Những năm gần đây, văn hóa dân gian được đặc biệt chú ý, tái hồi, phục dựng, những nghệ nhân như bà Phượng có dịp được hát trở lại, đặc biệt là được truyền dạy và hồi tưởng, chuẩn bị số vốn nghệ thuật của mình truyền lại cho con cháu.
Câu lạc bộ Hát nhà tơ - hát múa cửa đình của Vân Đồn và một vài địa phương khác có tồn tại loại hình văn nghệ dân gian này cũng gom góp lưu giữ lại dựa trên hạt nhân là những nghệ nhân như bà Phượng. Mặc dù hiện nay, bà Phượng đã cao tuổi, tai nghe không rõ, bệnh yếu và giọng không còn vang rền như trước đây, nhưng Câu lạc bộ Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình ở xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn vẫn sinh hoạt đều đặn hàng tuần dưới sự truyền dạy của bà.
Điều ấm áp ở câu lạc bộ này là các thiếu nhi trong lớp học đều rất tự hào được nghệ nhân truyền dạy. Lớp trẻ chưa hiểu hết được ý nghĩa thâm sâu của nghệ thuật dân gian có pha trộn hàm lượng học thuật âm nhạc này, song rất hào hứng được học vì đơn giản chúng được truyền cảm hứng từ bà Phượng. Khi bà hát dường như vẫn còn ở đó tâm hồn thánh thiện, trầm ấm của cô thiếu nữ vùng biển ngày nào. Khi dạy, bà không chỉ hát mẫu, mà còn giảng giải ý nghĩa lời hát, lắng nghe và sửa giọng cho các cháu. Các con của bà nói: “Mẹ tôi nằm viện mới được về nhà, chế độ ăn uống thuốc thang vẫn theo chỉ dẫn bác sĩ. Nhưng khi nghe nói là được đi dạy hát thì bà phấn khởi chuẩn bị đi ngay. Nếu không có tình yêu quá lớn với ca hát thì không có tinh thần ấy”.
Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình thường diễn xướng vào những hôm mở cửa đình. Thường chầu hát xếp vào sau chầu tế, gồm các các bài kính cầu thần thánh, ca ngợi công đức các vị anh hùng dân tộc, các vị thần bảo hộ cho nhân dân. Mỗi giọng hát được gọi bằng giọng vọng, giọng huỳnh, giọng giai, giọng phú, giọng thả, giọng nhị thập tứ hiếu... đều có các bài hát tương ứng. Khác với ca trù, hát nhà tơ coi trọng múa, vì thế, loại hình này có thuật ngữ đầy đủ là “Hát nhà tơ - hát múa cửa đình” với không gian diễn xướng rộng mở hơn, đặc tính tín ngưỡng rõ ràng hơn. Khi hát nhà tơ vì phải cung kính thờ phụng nên đội hát đứng xung quanh đội múa dâng đèn, dâng hoa, dâng hương. Các nhạc cụ đi cùng như trống, xênh, phách, đàn đáy... đều kết hợp nhuần nhuyễn để cùng tạo nên không khí tưng bừng của buổi chầu lễ. Lời hát nhà tơ cổ là lời chào thánh thần, ca ngợi lòng trung quân, ái quốc, ái mộ lòng thủy chung, đạo lý.
Từ ca trù biến thể, hát nhà tơ chỉ còn vận dụng giai điệu, lược bỏ hẳn xúc cảm riêng tư, tình tứ, giao duyên của ca trù nơi thị thành để phù hợp hơn với đời sống cộng đồng. Với vùng biển, đảo Quảng Ninh, hát nhà tơ đã là cầu nối để nhiều dân tộc anh em cùng sinh hoạt văn hóa dưới một thiết chế làng xã chung. Hiện nay, ở những nơi có nhiều thành phần dân tộc cư trú, có nhiều cư dân thuộc các dân tộc khác nhau biết hát nhà tơ và yêu thích hát múa cửa đình. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để có thể duy trì, phát triển và gìn giữ nghệ thuật dân ca - dân vũ hát nhà tơ lâu dài về sau.
Ở làng biển Vân Đồn, các anh hùng hào kiệt có công giữ đất, giữ làng thường được thờ phụng ở đình như thành hoàng làng. Vùng ven biển Quảng Ninh hiện nay còn bảo tồn được rất nhiều ngôi đình kiến trúc đồ sộ, đặc sắc về kiến trúc và văn hóa như đình Trà Cổ, Quan Lạn, Phong Cốc, Đầm Hà... Tuy nhiên, chính những ngôi đình này cũng không còn giữ được nguyên vẹn không gian văn hóa mà đang bị xâm lấn bởi đô thị hóa. Vì vậy, cùng với nhiều loại hình văn hóa dân gian khác, Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình cần được bảo tồn ở mức cao hơn trước nguy cơ mai một dần đi khi những nghệ nhân ưu tú không còn nữa.
Thúy Hằng