Biên phòng - Cầm trên tay chiếc răng voi rừng Tây Nguyên, tôi ngạc nhiên, vì nó không khác gì viên đá rừng khộp mà không hay biết nó là thứ vẫn được người ta săn tìm. Đây là một trong những di vật của một con voi rừng, hiện nằm trong hộp ống tre, trên bàn thờ gia tiên của một người thuần voi đã mất nghề từ lâu. Có phải voi rừng Tây Nguyên bây giờ chỉ còn trong tưởng niệm?
Chiếc hộp bí mật của người săn voi
Tôi không nhớ mình đã phải thuyết phục thế nào, ông Ma Tiêng mới mang cái hộp ống tre gia bảo đó ra cho tôi xem và kèm theo một câu chuyện thuần voi Tây Nguyên đã thành kí ức. Ma Tiêng hiện ở buôn Đrang Phốk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, địa danh gắn với huyền thoại voi rừng Tây Nguyên và quá khứ oanh liệt một thời của truyền thống săn và thuần dưỡng voi rừng của người dân tộc M,nông trên cao nguyên. Ma Tiêng tên thật là YJul Koal. Ông có con trai trưởng là Tiêng nên gọi là Ma Tiêng, có nghĩa là cha của Tiêng.
Ma Tiêng độc thân, sống một mình trong căn nhà rợp bóng cây cùng ao cá đơn độc giữa cánh đồng lúa nước đang trổ cờ ở Đrang Phốk. Ông có lẽ là một trong những nhân chứng sống hiếm hoi của thời săn voi rừng còn lại. Ngoài hiên nhà ông, cuộn dây thừng khổng lồ màu đen bóng được treo bằng cáp lên xà nhà. Đây là bộ thừng săn voi đặc trưng của các thợ săn voi ngày xưa, là công cụ buộc phải có nếu muốn theo nghề săn con thú lớn nhất của đại ngàn này. Chúng được bện bằng da trâu và có các kích cỡ khác nhau. Phải 4 con trâu rừng mới đủ da bện một sợi đó. Có sợi dây để tung ra siết lấy cổ voi rừng, có sợi để buộc vòi voi, buộc chân trước, tùy từng cuộc săn và sự thành thạo của các thợ săn. “Giờ treo đó chơi chơi thôi” – Ma Tiêng nói.
Ma Tiêng sinh năm 1953, năm nay đã 65 tuổi. Tuổi đó mà vẫn cường tráng với thân thể cao lớn, trọng lượng trên 80kg, nước da đỏ au và cặp mắt xếch chứa cả sự hoang dã của núi rừng. Một điều ngậm ngùi là Ma Tiêng chấp nhận sự cô độc của tuổi già, không ở cùng các con cháu, dù ông có 6 người con trai. Một mình ông chăm bẵm khu vườn cây xanh và cuộc sống thầm lặng điền viên.
Ma Tiêng cất tiếng nói xa xăm: “Vợ tôi hắn hay say rượu lắm, dữ lắm, mắng chửi tui miết, không chịu nổi, tui sống một mình cho khỏe”. Bây giờ 2 ông bà sống 2 nơi. Người đàn ông M,nông bỏ vợ đồng nghĩa với việc bỏ lại tất cả tài sản và con cái, ra đi tay trắng. Đó là luật làng. Tôi đùa: “Ông giỏi thuần voi rừng mà, có voi nhà đó không thuần nổi sao?”. Ma Tiêng cười thay câu trả lời. Người dân tộc M,nông ở Tây Nguyên vẫn còn giữ ý thức về chế độ mẫu hệ rất sâu sắc. Người phụ nữ chủ gia đình có ảnh hưởng và quyết định số phận của nhiều người trong dòng tộc, dù họ có là những tráng sĩ thuần voi dũng mãnh đi nữa.
Con voi rừng cuối cùng mà Ma Tiêng bắt được, được đặt tên là Yp Liêng. Đó là con voi đực mà ông yêu nhất, đã chết. Ma Tiêng bị chấn động sau cái chết của con voi khôn và cho đến giờ cũng chỉ nhớ mãi con voi đó. Cả đời Ma Tiêng bắt được 10 con voi, tính cả Yp Liêng là 11. Một con số quá nhỏ bé so với Ma Y Bay, ông ta bắt được 97 con voi rừng. Tôi hỏi ông: “Ma Y Bay là ai?”. “Đó là cha tôi, ông đã mất. Chiếc răng voi gia bảo này và mấy thứ ngà voi non kia cũng là của ổng”.
Ma Tiêng trút những thứ ở trong chiếc hộp ống tre ra ngoài, trong đó có một cuộn thừng nhỏ chi chít các nút thắt. Mỗi nút thắt đó được thắt khi ông Ma Y Bay bắt được một con voi rừng. 97 con voi khuất phục trước ông, con số còn nhiều hơn số 89 tuổi thọ của ông Ma Y Bay. Cuộn thừng có những nút thắt khéo léo và tròn trịa, mòn dấu tay. Hẳn chủ nhân của nó đã đếm nhiều lần, khát vọng thuần phục thú lớn, tâm hồn ưa mạo hiểm và ước muốn duy trì cuộc sống vui thú, đề cao sức mạnh cộng đồng được thể hiện cả ở đó.
Ma Tiêng được theo cha vào rừng trong các cuộc săn voi từ khi 18 tuổi. Ông tỏ ra là một người con trai can đảm và nhạy bén hơn cả trong số 3 người con trai của cha. Ngày xưa, mỗi con voi săn được bán cho người ta làm sức kéo, để chuyên chở với giá cũng chỉ nhỉnh hơn giá một con trâu rừng mà thôi. Ma Tiêng đến 30 tuổi mới tự tổ chức cuộc săn và bắt được con voi rừng đầu tiên. Ở Buôn Đôn, phải bắt được nhiều voi rừng như Ma Y Bay, như Ama Kong thì mới được xưng tụng là “vua voi”. Ma Tiêng chưa đạt “phẩm hàm” ấy thì đàn voi rừng đã vãn và việc cấm săn bắt được thi hành.
Chỉ còn trong kí ức
Tôi hỏi, “bây giờ nếu được phép, ông có thể bắt được voi rừng không?”. Ma Tiêng nói: “Có. Bắt được voi không khó bằng thuần dưỡng nó”. Những con voi thân xác lớn, nhưng một khi đã bị thuần dưỡng thì chúng ít khi nổi loạn. Đã thành voi nhà thường chẳng phải trói buộc gì, chúng cũng không sổng mất. Nài voi hay đặt cái vòng dây thừng xung quanh chỗ voi đứng. Voi cứ nhúc nhắc ra khỏi vòng dây là bị đâm vào đầu bằng cái chĩa nhọn quấn thừng da trâu. Chúng kinh sợ những cú đâm như thế từ lúc bị bắt ở rừng. Kinh sợ tiếng reo hò và cuộc vây ráp của đoàn người, tiếng hú của voi nhà và những vòng dây da trâu, voi rừng cứ mất dần đến mất hẳn bản năng hoang dã, trở thành những con vật to lớn bên cạnh để giúp người.

Nhưng những thợ săn voi như Ma Tiêng hiện nay ở Buôn Đôn không còn nhiều. Di vật của voi được thần thánh hóa một phần do văn hóa, do truyền thống thờ totem – vật tổ của dân tộc có truyền thống thuần voi. Với người M,nông, voi là biểu tượng của phúc lành, linh thiêng và bảo hộ cho cuộc sống của họ, một biểu tượng hoàn toàn mang tính tinh thần.
Trải qua sự khập khiễng của những tiếp nhận, những di vật của voi được săn tìm nhằm để sở hữu như bùa may mắn, khiến đàn voi suy giảm, bị săn bắn ráo riết một thời. Điều đó để lại sự tiếc nuối đối với những thợ săn voi như Ma Tiêng. Ông kể cho tôi nghe rất nhiều thuật săn voi, cúng tế, kiêng cữ và quy tắc của những cuộc săn. Nhưng bây giờ, xét cho cùng, những điều đó chỉ còn là ký ức xưa cũ, không còn tồn tại trong cộng đồng. Họ bỏ dần những nghi lễ nhập buôn cho voi, cúng rừng, bởi vì kể cả voi nhà cũng ít dần đi ở Buôn Đôn.
Đrang Phốk, xã Krông Ana cách Buôn Đôn, địa danh du lịch gắn với hình ảnh voi bên sông Sêrêpốk khoảng hơn hai chục cây số đường chim bay. Nhưng Đrang Phốk lại nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Yok Đôn và là một buôn nghèo với gần 100 hộ dân, nương rẫy ít, xung quanh toàn rừng đặc dụng bị cấm. Cuộc sống của người dân bị bó hẹp trong các quy định cấm rừng và rừng thì ngày càng nghèo kiệt.
Người lái xe đưa tôi ra khỏi Đrang Phốk vào lúc chiều tà, con đường rừng càng thêm hoang vu ảm đạm. Anh ta nói, vài năm trước, con đường này đầy dấu chân voi hoang. Có lúc gặp bầy voi hoang phải dừng xe chờ mãi, chúng bỏ đi mới đi qua được. Không phải ngẫu nhiên, Đrang Phốk là cụm dân cư được BĐBP Đắk Lắk chọn để đỡ đầu. Bộ đội xây tháp trữ nước, khai phá ruộng lúa nước và khám chữa phòng bệnh cho bà con. Không ai còn bị đàn voi rừng làm phiền nữa.
Trương Thúy Hằng