Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 06:17 GMT+7

Voi Tây Nguyên - huyền thoại đang tắt

Biên phòng - "Chị mua lông đuôi voi không? Nếu chị mua, tôi sẽ trực tiếp nhổ lông đuôi voi dưới sự giám sát của chị" - Đề nghị của một nhân viên bảo vệ khu du lịch Buôn Đôn khiến tôi ngỡ ngàng. Ngoài kia xa chưa đầy một tầm mắt, mặt sông Sê Rê Pốk khô cạn và nắng gay gắt, những con voi buồn bã chở khách trên lưng đang tiến về bến để thay loạt khách mới.

2nli_20a-1.JPG
Voi làm du lịch tại Buôn Đôn, Đắk Lắk.
 
Số phận voi nhà

Tôi đến khu du lịch Buôn Đôn, Đắk Lắk vào lúc có tin về con voi tên là Na Liêng của một doanh nghiệp làm du lịch tại xã Krong Na vừa chết vì lao lực. Thế nhưng, khu du lịch người vẫn đông như nêm giữa cái nắng khô gay gắt đang ở mức đỉnh điểm.

Tôi để ý thấy tay bảo vệ lần lượt ghé tai từng vị khách du lịch, chắc có lẽ cùng một lối tiếp thị lông đuôi voi như đã nói với tôi. Ai trong số những vị khách kia có thỏa thuận với kẻ buôn bán môi giới mặt hàng này? Tò mò, khi con voi đầu tiên về tới bến, tôi nhìn ngay xuống đuôi của nó. Cụt ngủn! Người quản tượng chỉ độ 16 tuổi nói với tôi rằng, con voi này đã bị chặt khúc đuôi từ lâu.

Để phòng chống việc trộm đuôi voi và ngà voi, những chủ voi thường tự cưa ngà voi và chặt đuôi voi để trộm không nhòm ngó đến chúng. Đuôi voi chỉ chặt được một lần, bởi lông đuôi voi không mọc ra được, còn ngà voi thì cứ mỗi năm, các chủ voi lại cưa bớt đi một lần. Mỗi lần cưa cũng được một khúc do ngà voi có thể mọc dài ra. Không ở nơi nào, những cơ thể sống lại bị bức hiếp một cách thô bạo theo cách nuôi dưỡng "dùng dần" như vậy!

Phải nói ngay rằng, hầu hết các sản phẩm du lịch đang bán ở các khu du lịch tại Tây Nguyên hiện nay đều dùng vật liệu giả để làm ra trang sức y hệt từ lông đuôi voi, ngà voi, xương ống chân voi. Như vậy, có thể chắc chắn, những mánh lới buôn bán những sản phẩm liên quan đến voi đều là giả để lừa những người từ xa đến. Tuy nhiên, dù phần lớn sản phẩm là giả, nhưng sự công khai buôn bán những thứ đồ giả đó đã mặc nhiên kích cầu tiêu dùng hàng thật, khiến những con voi luôn ở phía trước nòng súng.

Voi nhà đang bị săn bắn - đó là sự thật đau lòng về số phận những con voi làm du lịch ít ỏi còn sót lại ở Đắk Lắk hiện nay. Trớ trêu là Ban quản lý các khu du lịch không thể giữ an toàn cho voi. Khi những con voi bị cưa ngà, chặt đuôi, bị hành hạ thì họ cho rằng, khó điều tra vì nhiều lý do, trong khi nhân viên làm việc trong khu du lịch lại tiếp thị công khai những sản phẩm này.

Cậu bé nài voi còn trẻ hơn con voi gần 20 tuổi của gia đình mình nói với tôi rằng, cậu ấy có thể cho tôi đi chui một cuốc cưỡi voi qua sông, không đăng ký mua vé qua Ban quản lý với giá chỉ bằng 2/3 giá ghi trong vé. Cậu cho biết, Ban quản lý ăn chia theo tỷ lệ 2/3 và gia đình cậu chỉ được hơn 100 ngàn đồng cho một lượt voi đưa người lội sông đi ngắm Sê Rê Pốk một vòng gần 1 tiếng đồng hồ trong tiết trời nóng như hun.

Con voi của cậu có một cái tên Ê Đê, dịch ra tiếng phổ thông là "cưng" với nghĩa được nuông chiều, nhưng số phận con voi đực này chẳng khác gì nô lệ. Đuôi của nó bị chặt "từ lúc nào không nhớ" - nài voi nói thế. Ngà voi mỗi năm cưa một lần bán đi làm trang sức. Trên bả vai con voi này, những sợi dây chão chằng ghế ngồi cho khách du lịch xiết riết thành sẹo. Quản tượng thường rất yêu những con voi của mình. Ai cũng hiểu tác hại của việc khai thác quá mức, nhưng du lịch càng phát triển thì nhu cầu của tour du lịch này càng tăng, trong khi đàn voi ngày càng ít đi.

Một trong những nhu cầu tối thiểu của voi là có cuộc sống hoang dã bản năng và giao phối bí mật. Ma Muol - một quản tượng đang chăm sóc voi du lịch tại khu du lịch Hồ Lắk, Đắk Lắk cho biết, việc thuần phục voi rừng trước đây thì có thể làm được, bây giờ thì đừng mơ điều đó! Thỉnh thoảng cũng có vài con voi non bị bắt lén lút, nhưng không đáng kể.

Hiện nay, vùng này có khoảng 20 con voi làm du lịch. Rừng bị tàn phá, cho nên voi hết đất sống, cả vùng tịnh không thấy bóng voi nữa. Còn voi nhà thì không cho đẻ, mùa sinh sản đến cả người cả voi đều khổ! Buôn Đôn và Lắk là hai địa danh nhiều voi nhất Tây Nguyên và hiện cả đàn voi đều đang là công cụ du lịch.

Ngoài ra, voi còn phải thồ gỗ qua sông hoặc chuyên chở vật liệu xây dựng. Số lượng voi ít đi do voi già, bệnh, trong khi đàn voi không thể sinh sản thêm. Đàn voi du lịch hiện nay già, yếu, hơn nữa lại làm việc nặng nhọc quá sức nên mất khả năng sinh sản. Một già làng ở Buôn Đôn cho hay, voi là loài chỉ giao phối trong rừng già và ở những nơi chỉ có voi biết. Khi bị thuần dưỡng, voi mất khả năng này và già yếu rất nhanh.

j6rv_20b-1.JPG
Khu mộ của một vua voi.
 
Hào quang đã tắt

Một vị tướng biên phòng đã từng trải qua những năm tháng nằm vùng để ổn định an ninh chính trị địa bàn Tây Nguyên sau giải phóng, từng kể với tôi về những đêm vui bất tận ở Buôn Đôn mỗi khi bắt và thuần phục được voi rừng. Lúc đó, quân và dân cùng tổ chức liên hoan, cồng chiêng và dân vũ. Sự hào sảng của những đêm bập bùng trong ánh lửa, hơi rượu nồng và niềm tự hào, khí chất anh hùng không chịu khuất phục của người Tây Nguyên thể hiện cả ở trong sự kì công, khéo léo và dũng mãnh của những tráng sĩ thuần voi.

Năm 1980, đàn voi của Đắk Lắk có khoảng hơn 500 con và trải qua hơn 3 thập kỉ, con số này chỉ còn độ 50 con, hiện tại đều sử dụng để làm du lịch. Và đau lòng hơn nữa là, dù người ta đến Tây Nguyên vẫn có thể nhìn thấy voi, song hào quang về hình ảnh biểu tượng của Tây Nguyên không còn nữa. Không có một con voi nào được nguyên vẹn, bởi con bị chặt đuôi, con thì bị cưa ngà. Chúng hoàn toàn mất bản năng hoang dã, uể oải và sợ hãi, dần bị thoái hóa giống. Các chuyên gia nghiên cứu nhận định rằng, voi hoang dã ở Tây Nguyên vốn hiền lành đang thực sự nổi điên vì mất rừng và môi trường sống bị thu hẹp. Voi nhà thì đang kiệt sức chết dần, chẳng bao lâu nữa, Tây Nguyên sẽ không còn voi.

Lễ hội cà phê Tây Nguyên diễn ra vào tháng 3 vừa qua đánh dấu sự trình làng của một thương hiệu cà phê do một doanh nghiệp xây dựng, đó là cà phê voi. Việc sản xuất loại cà phê được quảng cáo với giá cả và chất lượng thượng hạng này đang mới ở mức làm quen với thị trường. Điều đáng nói là hình ảnh voi Tây Nguyên một lần nữa lại được sử dụng với mục đích thương mại, trong khi gần như hoạt động du lịch và thương mại đang khai thác hình ảnh voi mà không có một động thái nào bảo tồn, giữ gìn.

Trước đây, ngôi làng Nhơn Hòa, huyện Chư Sê của Gia Lai cũng có nhiều voi nhà do những gia đình đồng bào dân tộc ở đây nuôi dưỡng để thồ, kéo và làm du lịch. Hiện nay, ở đây không còn con voi nào và không ai còn tìm thấy bóng dáng của đời sống voi bên cạnh người. Bên những ngôi mộ của những vua voi Tây Nguyên thường có đặt nhiều tượng voi ở bốn góc.

Số phận voi và người dường như hòa chập làm một trong ý thức hệ Tây Nguyên. Các khoảng tường bê tông in bóng tượng voi nhà mồ là hình ảnh cuối cùng tôi nhìn thấy khi rời Buôn Đôn. Cũng như cảm giác bàn tay mình hứng được giọt nước mắt của voi, khi tôi đứng quá gần chúng giữa giờ nghỉ của những chuyến du hành bên sông Sê Rê Pốk. Do phản ứng cay mắt của tuyến lệ trên những thân voi to lớn trước con người quá nhỏ - nài voi nói và tôi đã tin như vậy.

Chứ không phải chính những con voi đang khóc cho thân phận của mình.
Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO