Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 11:44 GMT+7

Vỡ òa hạnh phúc trong ngày trở về

Biên phòng - “Nhờ các chú BĐBP con tôi mới được trở về đoàn tụ với gia đình. Tôi viết thư này để bày tỏ lòng biết ơn và gửi lời cảm hơn sâu sắc tới các chú BĐBP đã cứu giúp gia đình tôi”. Đó là tâm tư của người bố Lèo Văn Thu, dân tộc Thái, ở bản Huổi Cạ, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La trong bức thư gửi về báo Biên phòng sau khi đón nhận con trai bị lừa bán sang Campuchia đoàn tụ với gia đình, nhờ sự giúp đỡ của các đơn vị BĐBP.

Đồn Biên phòng Nậm Lạnh phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận cháu Chung (thứ 3 từ phải sang) sau khi được giải cứu khỏi cơ sở kinh doanh tại Campuchia. Ảnh: Văn Quang

Ký ức kinh hoàng

Đã trở về đoàn tụ cùng gia đình, nhưng chàng trai Lèo Văn Chung vẫn còn ám ảnh, giật mình vì những ngày sống trong kinh hoàng tại một cơ sở kinh doanh ở Campuchia. Chung năm nay mới 19 tuổi, là con trai cả trong gia đình có 2 anh em. Vì gia cảnh quá nghèo khó, học hết lớp 9 Chung phải nghỉ học đi làm thuê phụ giúp gia đình. Trước đây, Chung chỉ đi làm thuê trong xã, trong huyện. Lần này, có người giới thiệu làm việc tại Hải Phòng, Chung đồng ý ngay. Trên đường đi, cậu gặp một người bạn, người này rủ xuống Hà Nội làm việc. Tin lời bạn, Chung đi theo. Khi đã xuống tới Hà Nội, người bạn lại tỉ tê vào phía Nam với mức lương rất cao. Chưa “va chạm” xã hội nhiều, chàng trai người dân tộc Thái quanh năm quen với công việc ruộng nương nặng nhọc “dứt áo” ra đi khi nghe bạn bảo rằng công việc rất nhẹ nhàng mà lại được trả lương hậu hĩnh. Người bạn sau đó đưa Chung lên máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh. “Vào tới nơi, có xe ô tô đón, đưa cháu đi. Cháu không biết là đi đâu cả” - Chung kể lại với cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, BĐBP Sơn La.

Chỉ đến khi bị đưa sang Campuchia, Chung mới lờ mờ nhận ra điều gì đó không ổn. Lúc Chung nhận ra mình bị lừa thì đã muộn, cậu bị cưỡng ép làm việc ngày đêm, ngay cả khi có dấu hiệu kiệt sức vẫn phải làm, đồng thời bị đánh đập nếu không làm xong việc. Không chỉ bị đánh đập, Chung còn bị đe dọa, khủng bố về tinh thần, nếu làm việc không tốt sẽ bị bán đi công ty khác. Khi chung bày tỏ muốn trở về, người quản lý Chung yêu cầu người nhà phải nộp tiền chuộc.

“Bọn chúng gọi điện khủng bố, yêu cầu gia đình tôi nộp tiền chuộc con. Vợ chồng tôi nghe tin con mà như ngồi trên đống lửa, mất ăn mất ngủ vì lo lắng cho con trai. Kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, không thể lấy đâu ra số tiền lớn để chuộc con. Chúng tôi lo sợ sẽ không bao giờ gặp được con” - anh Lèo Văn Thu, bố của Chung chia sẻ.

Khi được yêu cầu nộp 70 triệu đồng để chuộc con, anh Thu như chết đứng vì không biết lấy đâu ra số tiền đó. Anh thương lượng, xin các đối tượng hạ xuống mức 50 triệu đồng. Vợ chồng anh lo lắng, vay mượn người thân được 30 triệu. Nhưng ngay sau khi chuyển cho đối tượng số tiền này thì hắn ta cắt đứt liên lạc. Gia đình tôi đứng ngồi không yên, hoang mang vì bị mất tiền mà vẫn chưa chuộc được con. Một thời gian sau, Chung lấy trộm được điện thoại liên lạc về với gia đình. Lúc đó, anh Thu mới lại có hy vọng tìm lại con.

Cũng giống như Chung, Lường Thành Đạt, 18 tuổi, ở bản Nà Lừa, xã Mường Và tin vào những lời dụ dỗ của người lạ và bị bán sang Campuchia. Đạt nhớ lại: “Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cháu đã lên mạng tìm việc làm. Họ giới thiệu cho cháu một công việc tại thành phố Hồ Chí Minh với lời hứa làm việc nhẹ nhưng lương cao. Không ngờ sau đó, cháu bị bán sang Campuchia. Ở đây họ bắt cháu làm ngày làm đêm. Họ đánh vào bụng, chích điện vào người cháu”.

Các đối tượng xấu còn bắt Đạt gọi điện về gia đình, bảo bố mẹ gửi tiền chuộc. Đạt bảo bây giờ vẫn ám ảnh, sợ hãi mỗi khi nhớ lại thời gian ở Campuchia. “Cháu nghĩ là mình sẽ chết, sẽ không thể về với gia đình được nữa. Thời gian sống ở Campuchia thật khủng khiếp”- Đạt chia sẻ, gương mặt vẫn hằn rõ vẻ lo sợ, hoang mang.

Như được sinh ra lần nữa

Sau khi trấn tĩnh lại, anh Thu đã trình báo với Đồn Biên phòng Nậm Lạnh nhờ giúp đỡ tìm con. “Các chú bộ đội đã tới tận nhà tôi động viên, an ủi vợ chồng tôi và hỏi rất kỹ những thông tin về con tôi.” - Anh Thu kể.

Đại úy Vũ Mạnh Hùng, Trinh sát viên Đồn Biên phòng Nậm Lạnh cho biết, sau khi nhận được đơn cầu cứu của gia đình cháu Chung và Đạt, đơn vị đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ xác minh, điều tra, hướng dẫn nạn nhân cách tự bảo vệ mình trong thời gian chờ được giải cứu.

Sau một thời gian xác minh, phối hợp điều tra, đầu tháng 9/2022, BĐBP Sơn La phối hợp với các đơn vị BĐBP phía Nam và các cơ quan chức năng đã giửi cứu được cháu Chung. “Chúng tôi mong nhớ con từng ngày. Chúng tôi nhận được tin từ các anh Biên phòng là đã giải cứu được con trai trong niềm vui mừng không nói được lên lời. Tôi cứ nghĩ đó chỉ là giấc mơ”.- Anh Thu chia sẻ.

Thư cảm ơn BĐBP của cháu Chung và Đạt. Ảnh: Bích Nguyên

Trước đó, vào đầu tháng 8/2022, cháu Lường Thành Đạt cũng được giải cứu thành công. Trong bức thư cảm ơn gửi tới các chú BĐBP, Đạt viết: “Các chú BĐBP đã giải cứu cháu và đưa cháu về với gia đình. Cháu như được sống lại một lần nữa, như được sinh ra thêm một lần nữa. Được đoàn tụ với bố mẹ và gia đình, tinh thần và sức khỏe cháu hiện giờ đã tốt hơn. Cháu viết thư này bày tỏ lòng cảm ơn tới các chú BĐBP đã giúp đỡ đưa cháu về với gia đình. Cháu hứa sẽ ở nhà chịu khó làm nương, chăn nuôi giúp bố mẹ. Cháu sẽ kể với các bạn cháu về bọn lừa đảo này để các bạn không bị lừa như cháu”.

Tăng cường tuyên truyền để người dân không bị lừa

Đến nay, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh đã tiếp nhận và giải cứu thành công 6 công dân bị lừa bán sang Campuchia. Qua nắm tình hình địa bàn và điều tra các vụ việc bị lừa bán do công dân trình báo, Đại úy Vũ Mạnh Hùng đánh giá: “Phần lớn bà con đều cả tin cộng với trình độ nhận thức hạn chế nên rất dễ bị lừa gạt, dụ dỗ. Trong khi đó, các đối tượng xấu thực hiện nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi để lừa đảo người dân. Đối tượng xấu có cả một bộ máy với nhiều chân rết, điều hành từ xa, lên lịch trình sẵn để đưa nạn nhân vào “tròng”. Có nạn nhân trình báo với chúng tôi rằng được bạn bè rủ đi ăn uống, ngày hôm sau đã thấy mình ở đất Campuchia rồi.

Thời gian qua, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh đã tiếp nhận đơn trình báo và giải cứu thành công 6 công dân đều ở độ tuổi rất trẻ, bị lừa bán với “mồi câu” “việc nhẹ lương cao” như cháu Lò Thị Linh và Vì Thị Nhật mới 14 tuổi.

Hai cháu Linh và Nhật (thứ 2,3 từ trái sang) được Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, BĐBP Sơn La phối hợp với các đơn vị BĐBP phía Nam giải cứu khi vừa bị các đối tượng xấu đưa vào thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Văn Quang

Để nâng cao cảnh giác cho người dân, đấu tranh với tội phạm buôn người, bên cạnh việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ xác minh, sàng lọc, rà soát, nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý đối tượng có dấu hiệu tội phạm, Đồn Biên phòng Nậm Lạnh đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Đinh Văn Quang, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nậm Lạnh cho biết: “Chúng tôi đã cử cán bộ tới từng thôn, bản, phối hợp với trưởng bản, bí thư tuyên truyền tới bà con nhân dân những thủ đoạn, hình thức lừa đảo mà các đối tượng tội phạm thường xuyên sử dụng. Đồng thời, tham mưu cho chính quyền các xã trong địa bàn và Huyện ủy huyện Sốp Cộp tổ chức các đợt tuyên truyền lồng ghép tại cơ sở để bà con nhận rõ các dấu hiệu, thủ đoạn mua bán người của các đối tượng tội phạm”.

Trung tá Đinh Văn Quang cho biết thêm: “Thực tế, không ít học sinh bỏ học, bị dụ dỗ, lừa gạt đi làm "việc nhẹ, lương cao". Để hạn chế tình trạng này, chúng tôi đã và đang phối hợp với nhà trường tuyên truyền các dấu hiệu nhận biết tội phạm mua bán người cho học sinh. Thông qua các buổi học này, học sinh sẽ nắm được những dấu hiệu cơ bản để tự phòng tránh bị lừa gạt, dụ dỗ”.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO