Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:55 GMT+7

Vợ chồng tình báo kiên trung ở Bến Hải

Biên phòng - “Năm 1962, tôi vượt sông Bến Hải ra Vĩnh Linh (Quảng Trị) huấn luyện nghiệp vụ tình báo. Về bờ Nam, tôi làm trưởng nhóm tình báo đến năm 1972, với mật danh K2 của Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) Vĩnh Linh”.

Vợ chồng ông Lê Viết Trinh ở bờ Nam sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Hải Luận

Đó là lời kể của ông Lê Viết Trinh (sinh năm 1932), xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, đã gắn bó với “nghề” tình báo ở khu vực giới tuyến quân sự sông Bến Hải, nơi chia cắt hai miền đất nước từ Hiệp định Genève năm 1954. “Phái đoàn của Mỹ ra bờ Nam sông Bến Hải khảo sát để chuẩn bị xây dựng hàng rào điện tử McNamara, nhóm K2 chúng tôi đã lấy được thông tin và chuyển ra bờ Bắc trước 6 tháng” - ông Trinh nói.

Hoạt động tình báo sâu trong lòng địch

Ông Trinh ở bờ Nam sông Bến Hải thuộc chính quyền Việt Nam cộng hòa, năm 1956, ông đã vượt sông Bến Hải ra bờ Bắc, vào Khu ủy Vĩnh Linh để kết nạp vào Đảng. Sau đó, ông quay về bờ Nam, sau khi trở thành đảng viên chính thức, ông được cử làm Bí thư Chi bộ thôn Bạch Lộc, xã Xuân Mỵ, huyện Gio Linh. Năm 1962, ông mới sang làm tình báo.

Nhóm tình báo của ông Trinh hoạt động ở bờ Nam sông Bến Hải gồm 5 người: Ông Lê Minh Định (anh trai ông Trinh) giữ chức vụ trưởng đoàn dân vệ quận Trung Lương; ông Hoàng Văn Hựu, làm bộ phận truyền tin; ông Trần Mai nắm tình hình ác ôn; ông Hoàng Văn Viện, liên lạc giúp việc cho quận trưởng. Ồng Trinh ví von: “Anh Viện làm liên lạc cho quận trưởng, hoạt động tình báo sâu trong lòng địch, giống như con tốt trong bàn cờ tướng, có khi nhoằng một cái chiếu tướng hết đường chạy thoát. Anh trực tiếp gặp được các tướng lĩnh và phái đoàn của Mỹ khi ra làm việc ở bờ Nam, vì anh làm liên lạc vào pha trà, rót nước, đi lại tự do, không ai để ý gì cả. Những thông tin anh nghe được đều chuyển hóa thành tin mật gửi ra bờ Bắc”.

Nhiệm vụ của ông Trinh là tổ chức hoạt động và nhận thông tin từ những người trong mạng lưới, tìm cách chuyển tin cho các trinh sát Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh. Theo quy định tuyệt mật với nhau, một tháng sẽ có 10 ngày liên lạc bằng hộp thư trên bờ và cả dưới sông. Chẳng hạn, có một người làm sáo đơm tôm ở bờ Nam sông Bến Hải, được ông Trinh cảm hóa, là địa điểm để mật thư. “Theo quy ước, cơn say (cọc cắm) thứ 19 từ bờ Bắc vào, ở dưới nước sẽ có mật thư, ông đơm tôm có nhiệm vụ canh giữ mật thư và phát tín hiệu an toàn với trinh sát bờ Bắc đến lấy mật thư. Các thông tin hướng dẫn nghiệp vụ từ trinh sát Công an nhân dân vũ trang cũng để ở đó, tôi trực tiếp đến nhận” - ông Trinh giải thích.

Ngoài ra, nhóm tình báo ở bờ Nam phải “dọn đường” trước cho các trinh sát Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh vượt sông vào bờ Nam hoạt động. Ông Trinh kể: “Buổi chiều, tôi mang áo trắng, coi như tình hình ở bờ Nam an toàn, tối hôm đó, trinh sát vượt sông qua. Nếu tôi mặc áo đen thì không an toàn, tối đó, trinh sát không được vượt sông qua. Trên tay tôi lúc nào cũng có cái nò đơm tôm, chẳng ai nghĩ tôi làm tình báo, dọc bờ sông không có nhà dân ở, toàn lùm cây, tôi hay thổi phồng chuyện ma quỷ, rắn độc, trăn lớn hay xuất hiện. Nghe vậy, ban đêm không có ai dám ra bờ sông”.

Đêm 12/12/1965, được sự chỉ điểm, dẫn đường của nhóm tình báo K2, đội trinh sát Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh do ông Hồ Sĩ Chất trực tiếp đảm nhiệm, đột nhập vào Dốc Miếu, bắt sống tên Trần Sùng, toán trưởng mạng lưới tình báo Bắc Ải Vân khét tiếng của Mỹ. Toán này chuyên phá hoại cầu cống, công trình bờ Bắc sông Bến Hải.

Bảo vệ mạng lưới mật

Bà Trần Thị Thiểu (sinh năm 1937) - vợ ông Trinh cũng là một tình báo viên dày dạn kinh nghiệm, hoạt động ở bờ Nam sông Bến Hải. “Năm 1959, cảnh sát ngụy bắt mệ (bà) có đầy đủ các loại mật thư chuyển qua bờ Bắc, mệ không khai nhận, bọn nó tra tấn mệ đủ các loại cực hình, mệ thề có chết cũng không phản bội cách mạng, để bảo vệ mạng lưới tình báo. Đến năm 1961, mệ ra tù, bắt liên lạc hoạt động tình báo trở lại” - bà Thiểu nhớ như in.

Ông Trinh kể chuyện hoạt động tình báo trong lòng địch. Ảnh: Hải Luận

Nhiệm vụ của bà Thiểu là chuyển thư - thông tin từ bờ Bắc vào các cơ sở ở bờ Nam; nhận thông tin từ mạng lưới chuyển ra bờ Bắc. Năm 1963, bà Thiểu bị cảnh sát ngụy bắt lần thứ 2. Bà Thiểu kể: “Có một ông trong mạng lưới làm chức vụ huyện ủy viên Gio Linh mà phản bội cách mạng, đi làm “chỉ điểm” cho địch.

Ông ta nói với mệ: “Chị có thông tin, thư gì cứ mang đến nhà em, nếu em không có ở nhà thì đưa cho vợ em, nhà không có ai, chị để trên mái nhà bếp”. Mệ nghĩ ông làm huyện ủy viên, nên tin ông hết, cứ làm theo lời ông căn dặn như rứa. Khi cảnh sát bắt mệ đưa vào đồn và mang ra số thư mệ chuyển. Mệ kiên quyết không nhận. Thằng chỉ huy đồn quát to: “Con mẹ này lần trước cũng ngoan cố, lần này cũng ngoan cố. Bây giờ phải ra đòn tra tấn nặng…”.

Thế là bà Thiểu chịu mọi đòn tra tấn dã man nhất, kể cả dùng những thủ đoạn để triệt hạ thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Tất cả bà Thiểu cắn răng chịu đựng, không khai một lời.

Ông Trinh và bà Thiểu yêu nhau, thời gian bà Thiểu ở tù, ông Trinh vẫn hoạt động tình báo (bà Thiểu không biết ông Trinh làm tình báo) và chờ đợi đến ngày bà Thiểu ra tù. Năm 1966, bà Thiểu ra tù, ông Trinh gặp lại người yêu và tổ chức đám cưới. “Ngày cưới vợ chồng tôi, có mời ông thôn trưởng đến dự, ông này được xếp vào diện ác ôn. Ai ngờ có nhóm người du kích núp sau mấy bụi chuối, nhảy ra bắn chết ông thôn trưởng. Cảnh sát ngụy cho rằng, vợ tôi giả làm đám cưới để bắn ông thôn trưởng, nên bắt vợ tôi ngay ngày cưới. Tôi viết đơn kiện, nhưng không được” - ông Trinh kể.

Đại tá Nguyễn Thanh Hà, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị nhớ lại mạng lưới tình báo K2: “Thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, trinh sát Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh có câu nói nằm lòng “ngày Bắc, đêm Nam”, ban ngày ở bờ Bắc, ban đêm hoạt động ở bờ Nam. Rồi nhiều lần tấn công các đồn địch, đánh tình báo CIA của Mỹ… Tất cả đều nhờ vào mạng lưới hoạt động của K2, họ là những người trung kiên, theo bám hoạt động cho đến ngày giải phóng Quảng Trị. Cháu nội của anh Trinh, chị Thiểu hiện nay là sĩ quan cấp tá đang công tác ở BĐBP Quảng Trị”.

Hải Luận

Bình luận

ZALO