Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:08 GMT+7

“Visa” hút vốn FDI

Biên phòng - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 8 tháng năm 2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, bằng 97,9% so với cùng kỳ năm 2020...

Nhiều chuyên gia kinh tế lạc quan khi vốn đầu tư điều chỉnh đã tăng trở lại sau chuỗi giảm liên tục kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 4-2021. Mặc dù, số dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2020 (1.135 dự án), nhưng tổng vốn đăng ký đạt gần 11,33 tỷ USD, tăng 16,3%.

Mặt khác, việc suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD), trong khi số lượng các dự án quy mô lớn (trên 50 triệu USD) vẫn duy trì tăng mạnh trong 8 tháng năm 2021. Điều này thể hiện trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang dẫn đầu về thu hút đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,3 tỷ USD, chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đặt niềm tin vào triển vọng đầu tư tại Việt Nam khi Long An, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ vẫn nằm trong top đầu thu hút vốn đầu tư trong bối cảnh đại dịch hoành hành dữ dội tại các tỉnh, thành phố phía Nam suốt hơn tháng qua. Trong đó, Long An có dự án điện lớn lên tới 3,1 tỷ USD.

Ngay cả khi kinh tế thế giới và Việt Nam bị tác động rất tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu hút FDI vẫn duy trì kết quả khả quan, phản ánh niềm tin của giới đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như một điểm đến an toàn và hấp dẫn.

Điểm tích cực trong bức tranh kinh tế khu vực suy giảm nghiêm trọng là nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam tiếp tục phục hồi và duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao hành động nhanh chóng, hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 của Việt Nam.

Thực tế, vẫn có tới 80% doanh nghiệp châu Âu duy trì hoặc gia tăng đầu tư vào Việt Nam bất chấp cú sốc Covid-19. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đang gặt hái thành công ở Việt Nam. Điều này cho thấy triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn ở mức tích cực.

Lũy kế đến ngày 20-8-2021, đã có gần 360 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam. Đây được xem là kết quả khả quan trong bối cảnh hoạt động đầu tư thế giới rất trầm lắng, đưa Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất trên thế giới.

Tuy vậy, để tận dụng được những cơ hội vàng hút vốn từ nhà đầu tư ngoại, các chuyên gia quốc tế cho rằng, Việt Nam cần chủ động vượt qua các thách thức để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao. Đặc biệt, việc khống chế được dịch tốt sẽ là visa để Việt Nam đón “đại bàng” tới đầu tư không chỉ cho năm 2021, mà cả giai đoạn 2021-2025.

Kinh nghiệm từ các “điểm sáng” thu hút đầu tư cho thấy, ba yếu tố tiên quyết để hấp dẫn nhà đầu tư ngoại là nguồn nhân lực, đất đai và khoa học công nghệ. Các địa phương phải chủ động quy hoạch các khu công nghiệp, hệ sinh thái công nghệ, đặc biệt là cơ sở hạ tầng: cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hệ thống kho bãi... sẵn sàng đón nhận các dự án FDI. Cùng với đó, khẩn trương cơ cấu nguồn lao động, ưu tiên chương trình phát triển nguồn nhân công lành nghề, có kỹ năng chuyên sâu đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp FDI.

Hiện nay, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp và khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động.

Bên cạnh các giải pháp kích thích và hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine để đạt được tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Từ đó, tạo cơ sở quan trọng đưa nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường để phục hồi và tăng trưởng.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO