Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:49 GMT+7

Hỏi – đáp về dịch bệnh Covid-19:

Virus Covid-19 lây nhiễm vào con người như thế nào?

Biên phòng - Virus Covid-19 sử dụng protein S làm "móc câu" để gắn vào thụ thể của nó trên bề mặt màng tế bào niêm mạc đường hô hấp của vật chủ, qua đó virus xâm nhập và nhân lên gây bệnh cho cơ thể.

virus-corona-covid-19-gay-hai-cho-co-the-nhu-the-nao-hai-la-phoi-bi-tan-pha
Nhãn

1. Virus Covid-19 tồn tại bao lâu trong môi trường tự nhiên?

Trong môi trường tự nhiên, virus chỉ tồn tại nguyên dạng và không nhân lên, do vậy, thời gian sống của virus trong môi trường tự nhiên là thời gian tồn tại của một thế hệ virus. Thời gian này là bao lâu sẽ phụ thuộc vào bản chất của virus và các điều kiện tự nhiên. Thông thường, ở nhiệt độ lạnh virus sẽ tồn tại lâu hơn, nhất là nhiệt độ lạnh âm sâu; các yếu tố khác như độ ẩm, chất liệu bề mặt (đất, gỗ, sắt...) cũng ảnh hưởng đến thời gian tồn tại của virus; đặc biệt ánh sáng mặt trời có tác dụng tiêu diệt virus rất hiệu quả.

Đã có một số nghiên cứu cho thấy Covid-19 có thể sống được đến vài ngày, thậm chí đến 9 ngày trong môi trường tự nhiên. Vì thế, các biện pháp vệ sinh môi trường có vai trò hết sức quan trọng trong việc triệt tiêu nguồn tác nhân gây bệnh có trong môi trường. Không nên chủ quan cho rằng virus đã bị tiêu diệt bởi các yếu tố từ môi trường. Mặt khác, môi trường sống thông thoáng, có ánh nắng mặt trời cũng có ý nghĩa rất tốt làm giảm bớt các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus Covid-19 trong môi trường.

2. Virus Covid-19 lây nhiễm vào con người như thế nào?

Mỗi loại virus có các cấu trúc đặc trưng trên bề mặt hoạt động như những "móc câu" để virus bám vào các cấu trúc phù hợp với loại móc câu ấy (được gọi là thụ thể - receptor) trên bề mặt tế bào chủ để virus chui vào bên trong tế bào. Tế bào nào có cấu trúc giúp các "móc câu" của virus "móc" vào được sẽ là tế bào "nhạy cảm" với virus và bị virus nhiễm vào.

Virus Covid-19 sử dụng protein S làm "móc câu" để gắn vào thụ thể của nó trên bề mặt màng tế bào niêm mạc đường hô hấp của vật chủ, qua đó virus xâm nhập và nhân lên gây bệnh cho cơ thể.

Do các tế bào của đường hô hấp là đích tấn công của virus Covid-19 (trong đó các tế bào niêm mạc ở mũi, họng được cho là cửa ngõ đầu tiên để virus Covid-19 xâm nhập vào cơ thể) nên thường xuyên uống nước ấm, không để họng bị khô là một biện pháp được khuyến cáo để bảo vệ họng, giảm bớt khả năng tấn công của virus vào các tế bào niêm mạc họng.

3. Tôi đang ở nơi được gọi là "vùng dịch" thì có phải là tôi đã bị nhiễm Covid-19 rồi không?

Không hoàn toàn như vậy. Sống trong "vùng dịch" hay "vùng có dịch" là sống ở nơi có dịch đang lưu hành, tức là có người bị bệnh và tác nhân gây bệnh đang ở khu vực đó, chứ không phải mọi người trong khu vực đó đều là người đã nhiễm Covid-19. Chỉ khi đã có xét nghiệm khẳng định nhiễm virus gây bệnh Covid-19 mới coi là người bị nhiễm bệnh. Đây cũng là lý do làm nảy sinh nguy cơ kỳ thị có liên quan đến địa danh nơi có dịch - điều đã được WHO lưu tâm khi đặt tên các loại bệnh dịch mới.

(Còn nữa)

BBT
 

Bình luận

ZALO