Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:12 GMT+7

Vinh quang chiến dịch mang tên Người - Hồ Chí Minh

Biên phòng - Cùng với chiến thắng Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là một trong những chiến công vĩ đại nhất của dân tộc ta. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng đã cắm một cột mốc chói lọi trong quá trình đi lên của lịch sử, tô đậm truyền thống anh dũng kiên cường, bất khuất của dân tộc ta trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.

57fv_5a
Xe tăng của Quân giải phóng tiến vào bên trong sân của Dinh Độc Lập, đánh dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh phi nghĩa chia cắt dân tộc Việt Nam suốt 20 năm. Ảnh: Tư liệu

Sau Hiệp định Paris, tình hình chiến trường miền Nam có nhiều chuyển biến tích cực, thế và lực quân Giải phóng đã mạnh lên rất nhiều. Chính quyền ngụy quyền Sài Gòn giai đoạn 1973-1974, tuy Mỹ đã rút quân nhưng vẫn tiếp tục viện trợ vũ khí, phương tiện quân sự hiện đại cho chúng. Mỹ để lại 250.000 tấn vũ khí, bom đạn và 102 máy bay. Từ tháng 1-1973 đến tháng 12-1974, Mỹ cung cấp thêm 694 máy bay, 580 xe tăng, 520 xe bọc thép, 800 khẩu pháo các loại, 204 tàu xuồng chiến, 1.550.000 tấn bom đạn và 2.530.000 tấn xăng dầu. Nhờ lượng vũ khí dồi dào, ngụy quyền Sài Gòn tăng cường kiểm soát vùng chiếm đóng. Theo thống kê của quân Giải phóng, trong thời gian từ tháng 1-1973 đến ngày 31-11-1974, Việt Nam Cộng hòa mở 58.082 cuộc càn quét, ném hơn 17 vạn quả bom, bắn hơn 6 triệu quả đạn pháo, giết và làm bị thương hơn 26.500 dân thường, buộc 1,6 triệu người di dời vào trong 333 khu tập trung dân, trong đó có 163 khu mới thiết lập sau ngày ký Hiệp định Paris (1-1973).

Trước tình đó, tháng 4-1974, Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có Nghị quyết 21 yêu cầu các cơ quan tập trung xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Cuối tháng 8-1974, Trung ương Cục miền Nam báo cáo Kế hoạch tác chiến mùa khô 1974-1975 với dự kiến giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976. Kế hoạch này đã được bổ sung và được báo cáo tại Hội nghị giữa Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ngày 30-9-1974. Trên cơ sở phân tích tình hình, Hội nghị cho rằng, thời cơ giải phóng miền Nam đã đến và cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân năm 1975 được xác định. Thị xã Buôn Ma Thuột được chọn là mục tiêu tiến công mở màn chiến dịch. 

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, ngày 10-3-1975, quân ta nổ súng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột.  Ngày 11-3-1975, Buôn Ma Thuột hoàn toàn giải phóng. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân khỏi Tây Nguyên. Ngay sau khi Tây Nguyên được giải phóng, chớp thời cơ, thừa thắng xốc tới, từ ngày 21 đến 26-3-1975, ta tiến công và giải phóng Thừa Thiên Huế. Từ ngày 26 đến 29-3, ta tiến công giải phóng Đà Nẵng và tiếp đó là các tỉnh duyên hải miền Trung.

Sau thắng lợi dồn dập tại chiến trường miền Trung, “thời cơ nối tiếp thời cơ”, “chiến dịch mở ra chiến dịch”. Hội nghị Bộ Chính trị ngày 31-3-1975 xác định: "Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân dân ta đã bắt đầu". Ngày 1-4-1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn bắt đầu theo tư tưởng chỉ đạo "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" với tinh thần "Một ngày bằng 20 năm". Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ Chỉ huy chiến dịch đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là "Chiến dịch Hồ Chí Minh". Với khí thế cả nước hành quân ra trận, hậu phương lớn miền Bắc dốc toàn lực cho tiền tuyến, nửa miền Nam vừa được giải phóng cũng góp sức vào chuẩn bị giải phóng phần còn lại.

Với khí thế chiến thắng như trào dâng thác đổ, ngày 9-4-1975, quân ta tiến công địch ở Xuân Lộc. Ngày 16-4-1975, ta đập tan tuyến phòng thủ từ xa của địch ở Phan Rang. Trước tình thế đó, ngày 18-4-1975, Tổng thống Mỹ G.Pho ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Việt Nam. Ngày 21-4-1975, ta giải phóng Xuân Lộc - “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn. Ngày  23-4-1975, sau hai ngày Xuân Lộc giải phóng, Nguyễn Văn Thiệu từ chức và cũng trong ngày đó, Mỹ tuyên bố “Chấm dứt mọi sự dính líu đối với chính quyền Sài Gòn”.

Đúng 17 giờ, ngày 26-4-1975, cuộc Tổng tiến công đánh chiếm Sài Gòn bắt đầu, với 5 cánh quân. Ngày 28-4-1975, lúc 17 giờ 40 phút, phi đội máy bay của Nguyễn Thành Trung (một phi công nằm vùng) đã bắn hỏa tiễn vào sân bay Tân Sơn Nhất và ném bom Dinh Độc Lập, đầu não của chính quyền Sài Gòn. Hơn 3 ngày nổ súng tiến công vào các vị trí then chốt của địch từ năm hướng, vào lúc 11 giờ 30 phút, ngày 30-4-1975, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện và ra lệnh cho quân ngụy đầu hàng.  Lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam - Việt Nam tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, báo hiệu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.

 43 năm đã qua, song tầm vóc, ý nghĩa lịch sử vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh mãi mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi của lòng yêu nước, của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là khí phách hiên ngang của một dân tộc anh hùng được soi sáng bởi chân lý thời đại Hồ Chí Minh. Và cao đẹp hơn, đó là chiến thắng của bản lĩnh, trí tuệ, cốt cách và tâm hồn của một dân tộc có bề dày lịch sử hơn 4.000 năm dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ  kính yêu.  

 Đánh giá thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV, tháng 12-1976, Đảng ta khẳng định: "Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử của dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX”. Trải qua 21 năm chiến đấu, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Đại tá, PGS, TS Vũ Đăng Hiến

Bình luận

ZALO