Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 01:07 GMT+7

Vinh dự và trọng trách

Biên phòng - Khóa họp thứ 73 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tiến hành bầu 5 ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ mà Việt Nam là một trong các ứng cử viên với tư cách là đại diện duy nhất cho nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương. 10 năm sau lần thử sức đầu tiên, Việt Nam một lần nữa trở thành thành viên cơ quan uy tín và quyền lực nhất của LHQ với nhiệm kỳ hai năm (2020-2021), bắt đầu từ ngày 1-1-2020. Vinh dự đấy, nhưng trọng trách cũng nhiều, nhất là khi bức tranh toàn cảnh thế giới cho thấy LHQ có rất nhiều việc phải giải quyết.

vqkj_26
Việt Nam từng là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Ảnh: UN

Thách thức cho ủy viên mới

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh an ninh thế giới, có thể thấy, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, dòng chảy chính và lợi ích chung của các nước. Tuy nhiên, thế giới vẫn phải đối mặt với những thách thức an ninh, những vấn đề phức tạp nảy sinh bởi mâu thuẫn, tham vọng và sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là các nước lớn. Có thể nói, gần như tháng nào HĐBA LHQ cũng phải đặt lên bàn nghị sự các cuộc khủng hoảng như tình hình bạo lực ở châu Phi (chẳng hạn ở Cộng hòa Trung Phi, Mali, Congo), rồi cuộc chiến chưa có hồi kết giữa Israel và Palestine, sự gia tăng căng thẳng giữa Iran và Mỹ, chiến sự kéo dài ở Syria và Yemen, tình hình căng thẳng trên Biển Đông... Thực tế đó đòi hỏi HĐBA và các nước thành viên phải rất nỗ lực trong vai trò mà thế giới trao gửi.

Đối với các ủy viên không thường trực mới, có rất nhiều thách thức đòi hỏi họ phải nỗ lực để vượt qua và hoàn thành nhiệm kỳ. Đầu tiên là khả năng thích ứng với tình hình mới. Bối cảnh chính trị toàn cầu hiện nay cho thấy có sự chia rẽ rõ rệt giữa các nước ủy viên thường trực của HĐBA, khiến cho cơ quan này khó đưa ra nhiều quyết định có ý nghĩa. Trong khi đó, một số vấn đề hiện nay thực sự rất khó giải quyết trên bàn nghị sự của HĐBA, ví dụ như những cuộc xung đột kéo dài mà hệ lụy là những vi phạm luật pháp quốc tế về vấn đề nhân đạo, đẩy người dân vào cảnh khổ cực. Điều đó đòi hỏi mỗi nước ủy viên không thường trực mới phải có sự chuẩn bị tốt để nắm bắt, cập nhật và có hướng giải quyết các vấn đề xảy ra trên thực địa, ở từng thời điểm khác nhau.

Thách thức thứ hai là xây dựng và cập nhật các chương trình hành động rõ ràng, tập trung vào hai vấn đề chính là an ninh và hòa bình. Cần có chiến dịch truyền thông để vận động cả ở trong và ngoài tổ chức.

Thách thức thứ ba là khả năng phối hợp với các ủy viên khác, cả thường trực và không thường trực, nhằm đạt hiệu quả mong muốn. Thông thường, các nước ủy viên thường trực khó đồng thuận với nhau về nhiều vấn đề. Các nước ủy viên không thường trực cũng vậy. Đó là chưa kể đến khó khăn nữa, đó là sự phối kết hợp giữa các nước không thường trực và thường trực. Kỹ năng thỏa hiệp là cần thiết, từ đó mới có sự đồng thuận và khiến hoạt động của HĐBA gia tănghiệu quả.

Thứ tư là khả năng cải thiện cách thức, kỹ năng làm việc. Đó có thể là việc ứng dụng các công nghệ mới trong thời buổi cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Đó có thể là việc chủ động công khai, minh bạch các thông tin, kế hoạch để bảo vệ quyền lợi cho tất cả các nước đã tín nhiệm bỏ phiếu bầu cho mình, cho khu vực và các tổ chức khu vực mà mình tham gia, từ đó mới có thể vận động được sự ủng hộ của các nước khác không phải là thành viên của HĐBA trong những vấn đề quan trọng. Biết lắng nghe cũng được coi là một kỹ năng mà các nước không chỉ là ủy viên không thường trực cần nâng cao.

Thứ năm là xác định đúng vai trò, vị trí của mình. Các nước ủy viên không thường trực HĐBA cần giữ được vai trò trung lập, đứng ở vị trí trung gian hòa giải các nước, để trong mọi căng thẳng, tranh cãi, bên nào cũng nhìn thấy được những khía cạnh tích cực của vấn đề. Điều quan trọng là cố gắng tìm cách kết nối để các bên trao đổi quan điểm và tìm được tiếng nói chung. Đây chính là sức mạnh ngoại giao và là biện pháp hiệu quả nhất để hóa giải mọi xung đột.

Việt Nam - thành viên có trách nhiệm

Việt Nam từng là ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Với tư duy mới về đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” sang “chủ động và tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực cùng các quốc gia trong khu vực và quốc tế xây dựng và thực hiện các cơ chế hợp tác, tham gia các diễn đàn đa phương; Tổ chức thành công Hội nghị APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai...

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 16 nước, Đối tác toàn diện với 11 nước, trong đó có tất cả các nước P5 và hầu hết các nước chủ chốt trong trong khu vực và trên thế giới. Ở khía cạnh ngoại giao kinh tế, đến nay, đã có trên 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tham gia hết sức tích cực vào việc đàm phán cũng như ký kết, phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 16 FTA song phương và đa phương. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam, mà còn thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong việc hình thành hệ thống thương mại quốc tế. 

Trong khuôn khổ hoạt động của LHQ, Việt Nam đóng góp tích cực, hiệu quả cho hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, thực thi tốt sứ mệnh duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Đó là một trong những cơ sở để Việt Nam tin tưởng đủ sức đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Theo Thứ trưởng, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý, Việt Nam có khoảng 6 tháng để chuẩn bị, bởi theo dự kiến, Việt Nam sẽ giữ chức Chủ tịch HĐBA ngay trong tháng 1-2020. Việc phải làm đầu tiên hiện nay là kiện toàn bộ máy tổ chức ở phái đoàn Việt Nam tại LHQ cũng như bộ máy ngoại giao ở Thủ đô Hà Nội để làm sao cả hai đầu có các kênh phối hợp chặt chẽ, có sự phân cấp trong từng vấn đề bởi các diễn biến ở HĐBA rất nhanh và cần phải ra các quyết định đúng thời điểm, kịp thời. Việc thứ hai là việc chuẩn bị các ý tưởng về các vấn đề Việt Nam sẽ theo đuổi, sẽ quan tâm để làm sao cũng trúng với những vấn đề thế giới quan tâm, đồng thời cũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của HĐBA. Hiện, Việt Nam cũng đã nghiên cứu, tập trung tìm hiểu, nhưng còn phải chuẩn bị rất nhiều để có thể làm đúng, làm trúng những vấn đề đó.

Kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trong những năm qua, vị thế của Việt Nam đã không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Việc Việt Nam được bầu vào HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 một lần nữa khẳng định điều đó. Với những đóng góp của Việt Nam tại LHQ trong nhiệm kỳ lần đầu, cũng như vai trò, vị thế của Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể tin tưởng ở mức cao hơn, kỳ vọng cao hơn về hoạt động của Việt Nam trong vai trò ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ tới.

Hồng Ngọc

Bình luận

ZALO