Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:16 GMT+7

Vĩnh biệt “Người con làng Thạch Đà”

Biên phòng - Bộ phim tài liệu nhựa “Người con làng Thạch Đà” khắc họa hình ảnh Đại tướng Phùng Quang Thanh, do Điện ảnh Quân đội nhân dân thực hiện đã mang đến cho người xem một góc nhìn mới về vị tướng đã kinh qua trận mạc nhưng rất đỗi bình dị, gần gũi với đồng chí, đồng đội, nhân dân và bà con làng Thạch Đà-quê hương của người dũng sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tướng Phùng Quang Thanh.

Đại tướng Phùng Quang Thanh và lãnh đạo Bộ Quốc phòng Trung Quốc chứng kiến buổi tuần tra song phương giữa Tiểu đoàn BĐBP Nam Khê, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc và Đồn Biên phòng Bản Lầu, BĐBP Lào Cai - Hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 2 (năm 2015). Ảnh: Hoàng Anh

Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là người con làng Thạch Đà, Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay là Hà Nội). Tuổi thơ của ông được học dưới mái trường mang tên người anh hùng Phạm Hồng Thái. Ngày 23-7-1967, chàng trai trẻ Phùng Quang Thanh từ ngôi làng nhỏ này lên đường nhập ngũ và trở thành vị tướng trận mạc lừng lẫy của QĐND Việt Nam.

Vào dịp khánh thành Nghĩa trang liệt sĩ xã Thạch Đà, bên Đài Liệt sĩ, Đại tướng Phùng Quang Thanh xúc động nghẹn ngào thắp nén nhang tưởng niệm các liệt sĩ Thạch Đà đã hy sinh trong kháng chiến, trong đó có Liệt sĩ Phùng Quang Sức, là cha của ông. Là con liệt sĩ, và bản thân ông là thương binh hạng ¾, Đại tướng Phùng Quang Thanh ghi bên lòng trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa, sống trọn vẹn nghĩa tình, biết ơn sự hy sinh của bao thế hệ, của đồng đội và cả sự ủng hộ, chăm lo của gia đình, của người vợ tần tảo Trần Thị Lộc để ông có thể dành cả cuộc đời sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Trận đánh đồi Không Tên trên chiến trường Quảng Trị, Nam Lào mùa xuân năm 1971 là trận đánh lớn trong đời quân ngũ của người lính mang tên Phùng Quang Thanh biên chế Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Để bảo vệ cứ điểm Bản Đông, căn cứ trung tâm chỉ huy chiến dịch, Quân lực Việt Nam cộng hòa đổ quân chiếm các điểm cao. Thượng sĩ Phùng Quang Thanh chỉ huy, chốt giữ điểm cao trên đồi bị thương rất nặng. Đồng đội của ông đã chứng kiến thời khắc chiến đấu kiên cường của ông, khi được băng bó lại vết thương, ông đã trở lại vị trí chiến đấu, tiếp tục chỉ huy trung đội giữ trận địa. Thượng sĩ Phùng Quang Thanh giắt quanh mình 17 quả lựu đạn xông lên chỉ huy trung đội chiến đấu. Giữ được đồi Không Tên, Trung đội 9 đã tạo điều kiện cho Trung đoàn 64 tấn công các điểm cao, bắt sống chỉ huy và cả Lữ đoàn dù của địch.

Với hành động quả cảm, kiên cường trong trận đánh ác liệt này, năm 1971, Trung đội trưởng Phùng Quang Thanh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi ông mới 22 tuổi. Cuối năm 1971, ông về học Trường Sĩ quan Lục quân, ra trường được đề bạt Tiểu đoàn phó, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320. Đồng chí được theo học tại Học viện Lục quân, nơi đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu cấp binh chủng hợp thành, cấp sư đoàn và đào tạo các nhà nghiên cứu khoa học quân sự cho toàn quân.

Đồng chí Phùng Quang Thanh được bổ nhiệm Trung đoàn trưởng, rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn Bộ binh 390, Quân đoàn 1, đơn vị dự bị cơ động chiến lược của Bộ Quốc phòng trong bối cảnh đất nước vừa có hòa bình, vừa phải chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Trong chuyến công tác tại BĐBP tỉnh Khánh Hòa (năm 2012), Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã đi thăm nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ, kiểm tra bếp ăn của đơn vị. Ảnh: Hải Luận

Đồng chí Phùng Quang Thanh về Sư đoàn 321 và được cử đi học tại Học viện Quân sự Voroshilov (Liên Xô) năm 1989. Đây là bước chuẩn bị quan trọng của Đảng và Quân đội tạo điều kiện cho ông thực hiện trọng trách mới. Về nước, ông xây dựng đơn vị điểm là Sư đoàn 321 với truyền thống “Thành đồng biên giới” đi lên chính quy, từng bước hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng. Để thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ quá độ, Đảng bộ Quân đội xác định xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ trọng tâm thời kỳ này.

Năm 1993, Đồng chí Phùng Quang Thanh được điều về Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu giữ chức Phó Cục trưởng, được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 1994 và giữ chức Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu năm 1995. Năm 1997, đồng chí được thăng quân hàm Trung tướng và đươc giao nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 1. Đây cũng là địa bàn chiến lược, có đường biên giới hiểm trở, phức tạp, cũng là cái nôi cách mạng từ thuở ban đầu dựng nền dân chủ cộng hòa. Tư lệnh, Trung tướng Phùng Quang Thanh chỉ đạo thực hiện thế trận lòng dân, vận động nhân dân bảo vệ biên giới, đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, xây dựng tình hữu nghị hai nước Việt - Trung.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, đồng chí Phùng Quang Thanh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Sau đó, được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ông đã chủ trì những cuộc diễn tập phòng thủ khu vực, kiểm tra công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Biên cương lãnh thổ, chủ quyền của đất nước luôn nằm trong suy nghĩ và ý thức trách nhiệm của Tổng Tham mưu trưởng Phùng Quang Thanh. Ông cùng với các cơ quan của Bộ Quốc phòng, các địa phương dọc biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia, từng bước thực hiện thi công các tuyến đường tuần tra biên giới.

Thời kỳ này, đồng chí Phùng Quang Thanh cũng chủ trương phối hợp, đoàn kết, thống nhất, nêu cao ý thức trách nhiệm của lực lượng vũ trang trong tình hình mới. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đã cùng nhau xây dựng lực lượng, đào tạo lực lượng, bố trí thế trận, phối hợp tác chiến giữa các binh chủng trên các lĩnh vực đều đạt hiệu quả cao.

Năm 2003, đồng chí Phùng Quang Thanh được phong quân hàm Thượng tướng và là Tổng Tham mưu trưởng trong tình hình thế giới biến động. Với Việt Nam, bọn phản động thực hiện chiến dịch chuyển lửa về quê nhà. Tháng 7-2003, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8, khóa IX đã thông qua Nghị quyết về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tháng 6-2006, đồng chí được Chủ tịch nước bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và trao quân hàm Đại tướng năm 2007. Trong suốt thời gian đảm nhiệm chức vụ cao nhất Bộ Quốc phòng, đồng chí đã cùng tập thể Quân ủy Trung ương, lãnh đạo các quân binh chủng, quân khu, quân đoàn dốc toàn tâm, toàn lực đổi mới, sáng tạo và chỉ đạo toàn quân thực hiện nghị quyết Trung ương VIII với nhiều nhiệm vụ nặng nề.

Để đáp ứng phương án tác chiến hiện đại, Đồng chí Phùng Quang Thanh cùng Quân ủy Trung ương đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước hiện đại hóa Quân đội, trang bị máy bay, tàu ngầm, radar, khí tài thế hệ mới. Công nghiệp Quốc phòng đã phát triển vượt bậc, khởi sắc, đóng thành công tàu tên lửa, tàu pháo, tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển, sản xuất làm chủ công nghệ thuốc phóng, thuốc nổ, bảo đảm tự chủ sản xuất đạn dược vũ trí trang bị trên dây chuyền hiện đại tầm cỡ thế giới.

Xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh là luận điểm quân sự quan trọng của Đảng ta trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Với quân khu, các đơn vị đóng quân ở vùng chiến lược, trọng tâm xây dựng lực lượng vũ trang cùng các cấp chính quyền đoàn thể thực hiện phòng thủ khu vực, trật tự an ninh an toàn ở Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc.

Đồng chí Phùng Quang Thanh đã triển khai nghị quyết của Đảng một cách sáng tạo. Quốc phòng đi đôi với làm kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích nhân dân làm giàu trên quê hương mình. Đây cũng chính là chiến lược xây dựng thế trận lòng dân. Những tập đoàn kinh tế quốc phòng là đơn vị kinh doanh hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho nhân dân, có tích lũy vốn để nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thăm và làm việc tại BĐBP Nghệ An (tháng 4-2008). Ảnh: Lê Thạch

Đại tướng Phùng Quang Thanh chỉ đạo công tác đối ngoại, chiến lược bảo vệ Tổ quốc và an ninh khu vực linh hoạt, thực hiện đường lối chủ trương của Đảng đa phương hóa nhưng kiên quyết giữ vững chủ quyền, tự chủ. Đồng chí trực tiếp hội đàm, thỏa thuận với quân đội các nước về cứu trợ thiên tai, hàng hải, diễn đàn đa phương, hợp tác về hải quân, củng cố quân đội, công nghệ thông tin, công nghiệp quốc phòng. Đồng chí luôn khẳng định đường lối quân sự của Việt Nam là tự chủ, không đi theo nước này, chống nước khác.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã cùng Quân ủy Trung ương dự báo tham mưu xử lý đúng các tình huống phức tạo, vừa bảo vệ chủ quyền, vừa giữ hoà bình hữu nghị với các nước láng giềng. Đồng chí và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tổ chức Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Đồng chí cũng trực tiếp giao nhiệm vụ, nhấn mạnh trách nhiệm, danh dự QĐND Việt Nam khi cử lực lượng đi làm nhiệm vụ quốc tế, tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Đại tướng Phùng Quang Thanh quan tâm đến đổi mới công tác chính trị, cơ chế chính sách, xây dựng Đảng; Quân đội có phẩm chất chính trị, phát huy nhân tố con người. Toàn quân đã phấn đấu thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng chí cũng quan tâm đến văn nghệ sĩ, hiện đại hóa báo chí, thay đổi quân trang, quân phục phù hợp với văn hóa Việt Nam, xây dựng bệnh viện, chăm sóc sức khỏe, đời sống quân nhân.

Những năm qua, nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố, tiềm lực quốc phòng được tăng cường, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc nâng cao lên một bước. Thành quả này có sự đóng góp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có công của Đại tướng Phùng Quang Thanh.

Thụy Văn

Bình luận

ZALO