Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 22/03/2023 04:18 GMT+7

V.I.Lê-nin với học thuyết bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

Biên phòng - Ngày 22-4, không chỉ nước Nga mà toàn bộ giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới kỷ niệm 148 năm ngày sinh của Vla-đi-mia I-lích Lê-nin (22-4-1870/22-4-2018), người đã lãnh đạo chiến thắng cuộc cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, thắp ánh sáng và mở ra con đường lớn cho giai cấp vô sản, nhân loại cần lao khi vận dụng thành công trong thực tiễn chủ nghĩa Mác-Ăng-ghen.

5ad70dec471e3cc69c0003a0
Lãnh tụ Vla-đi-mia I-lích Lê-nin . Ảnh: Tư liệu

Vla-đi-mia I-lích Lê-nin sinh ngày 22-4-1870 ở Xim-bi-rơ-xkơ (nay là U-li-a-nô-vơ-xcơ thuộc LB Nga). Ngay khi còn ít tuổi, qua gia đình và người thân, Lê-nin đã tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ của nền văn hóa Nga, căm ghét chế độ độc tài Nga hoàng. Khi 18 tuổi, Người bắt đầu tham gia cách mạng, nghiên cứu những tác phẩm của C.Mác, Ph.Ăng-ghen, G.V.Plê-kha-nốp và tuyên truyền tư tưởng mác-xít. Năm 1891, Lê-nin tốt nghiệp ngành luật Đại học Pê-téc-bua và từ năm 1893, Lê-nin trở thành người lãnh đạo nhóm mác-xít ở đó. Năm 1894, Lê-nin tham gia vào Đảng Xã hội - dân chủ Nga, từ đấy Người là một trong những nhà tổ chức và lãnh đạo cách mạng Nga.

Lê-nin là người mác-xít đầu tiên vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga, lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và lãnh đạo sự nghiệp xây dựng CNXH hiện thực ở nước Nga Xô-viết. Chính Lê-nin là người đã làm cho chủ nghĩa Mác từ lý luận trở thành hiện thực.

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Lê-nin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động toàn thế giới, đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh cho hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc. Lê-nin cũng chính là người xây dựng nên học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN. Trong học thuyết đó, Người chỉ rõ nhiều vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện đảng cộng sản cầm quyền, như tính tất yếu khách quan của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa; xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản; mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN....

Lê-nin đặc biệt coi trọng việc phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần của chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt và những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, coi đó là cơ sở trực tiếp quyết định việc nâng cao khả năng phòng thủ đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Theo Lê-nin, xây dựng và củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc là sứ mệnh của nhà nước chuyên chính vô sản, đồng thời là nghĩa vụ của toàn dân; vì vậy, mỗi người phải đem hết sức mình đóng góp cho công cuộc khôi phục và tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước.

Thực hiện quan điểm bảo vệ Tổ quốc XHCN của Lê-nin, Hội đồng Quốc phòng và Hội đồng Dân ủy đã tập trung các biện pháp phát triển nhanh chóng lực lượng Hồng quân, từ chỗ chỉ có khoảng 30 vạn người lúc mới thành lập, đến cuối năm 1918 đã nâng lên hơn một triệu người với các binh chủng: Bộ binh, Kỵ binh, Pháo binh, Thiết giáp, Công binh, Không quân. Đồng thời, hệ thống các trường quân sự cũng được phát triển mạnh mẽ; đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng nghìn cán bộ quân đội, trong đó nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc về quân sự và chính trị của các lực lượng vũ trang Xô-viết, đóng góp quan trọng vào chiến thắng vĩ đại của quân đội và nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai, góp phần to lớn cứu nhân dân nhiều nước thoát khỏi họa diệt chủng của chủ nghĩa phát-xít.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến hết sức phức tạp với những biến động bất trắc, khó lường, tiềm ẩn cả những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và nguy cơ, tích cực và tiêu cực đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Điều đó càng cho thấy, di sản của Lê-nin để lại cho nhân loại tiến bộ là vô cùng to lớn cả trên phương diện thực tiễn hoạt động cách mạng và lý luận tư tưởng.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO