Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 04/06/2023 08:08 GMT+7

Viết tiếp cuộc đời cho những đứa trẻ người Khùa

Biên phòng - Tổ công tác Biên phòng Y Leeng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, BĐBP Quảng Bình ở trong căn nhà gỗ 3 gian nằm dưới tán keo già, sát ngay bên đường 12 Quyết Thắng. Gần 1 năm qua, những người lính Biên phòng nơi đây đã viết nên câu chuyện cổ tích đời thường về lòng nhân ái cho 2 cậu học sinh người Khùa nghèo khó. Cuộc đời của các em đã bước sang trang mới từ chính căn nhà đơn sơ nhưng ấp áp tình thương này...

Bữa cơm gia đình của Hồ Lanh và Hồ Cu Ba. Ảnh: Trúc Hà

“Gia đình” của Hồ Lanh

Hồ Lanh năm nay 10 tuổi, học lớp 5, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Mọi người dễ nhận ra em vì dáng người nhỏ nhắn, nước da đen nhẻm và luôn 1 điều dạ, 2 điều thưa, rất lễ phép. Hồ Lanh từng có thời gian rất buồn. Bố mẹ ly hôn rồi ai nấy đi xây dựng hạnh phúc mới, 2 anh em phải về ở với bà ngoại đã ngoài 70 tuổi. Cho đến tháng 2-2020, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo nhận Hồ Lanh làm con nuôi và đưa về tổ công tác Biên phòng bản Y Leeng để thuận tiện cho việc nuôi dưỡng và học hành.

Về ở với các chú Biên phòng, Hồ Lanh có thêm 1 người em trai tên Hồ Cu Ba. Nghe người lớn bảo, sở dĩ có tên Cu Ba vì em được sinh ra tại bệnh viện Việt Nam- Cu Ba ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Bố mẹ yêu em lắm nhưng mấy năm trước, bố của Hồ Cu Ba mất vì tai nạn giao thông, mẹ là Hồ Thị Biên mới 25 tuổi phải 1 mình gồng gánh nuôi 2 con trong nghèo khó. Các cán bộ Biên phòng đã thuyết phục chị Biên đồng ý để đưa Cu Ba về nuôi. Ngày làm lễ nhận con nuôi, mẹ Hồ Thị Biên, bà ngoại Hồ Thị Thau dù rất nhớ con, thương cháu, thế nhưng ai cũng hiểu và tin tưởng rằng: Ở với các chú bộ đội, 2 đứa trẻ sẽ nên người.

Dù không phải là anh em ruột thịt, nhưng Hồ Lanh và Hồ Cu Ba rất yêu thương, nhường nhịn nhau trong cuộc sống hằng ngày. Đầu năm học, 2 anh em được mua bàn học nhưng không hiểu có nhầm lẫn gì mà cửa hàng lại gửi 1 chiếc bàn màu xanh và 1 chiếc bàn màu hồng. Nếu đổi chiếc bàn màu hồng thành màu khác thì phải gửi xe khách về lại thành phố, rất bất tiện và mất thời gian. Hồ Cu Ba đã nhận chiếc bàn màu hồng, còn nhường anh chiếc màu xanh. Nếu như những ngày đầu, 2 anh em còn mong ngóng đến ngày cuối tuần để được về thăm nhà, thì nay, biết các bố Biên phòng còn bận nhiều công việc nên 2 đến 3 tuần Hồ Lanh và Hồ Cu Ba mới về thăm mẹ, thăm bà 1 lần.

Tấm lòng của người bố Biên phòng

Khi chúng tôi đến thăm, Tổ công tác Biên phòng Y Leeng chỉ có Trung tá Lê Xuân Toàn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Dân Hóa và Thiếu tá Hoàng Đăng Tuấn, nhân viên Đội Phòng chống ma túy và tội phạm đang ở nhà, những người khác đang đi tăng cường cho các tổ phòng, chống dịch Covid-19. Thương 2 đứa trẻ từ bé đã phải chịu nhiều thiệt thòi, những người lính Biên phòng dành thời gian, tình yêu để dạy dỗ, lo lắng từ miếng ăn, giấc ngủ như cho con trai của mình. Tổ công tác Biên phòng Y Leeng từ trước đến nay chỉ có những người đàn ông mà cả cuộc đời gần như đều gắn bó với biên cương, kể từ khi có thêm 2 đứa trẻ, mọi người ai nấy đều cảm nhận được không khí gia đình dù đang công tác xa nhà.

Thường thì nhiều nơi, việc chăm sóc cho các con nuôi của đơn vị sẽ giao cho Đội Vận động quần chúng và người chịu trách nhiệm chính là đội trưởng. Nhưng ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, việc chăm sóc chính giao cho Thiếu tá Hoàng Đăng Tuấn bởi “độ tuổi phù hợp với 1 người cha thực sự cho các con”.

Thiếu tá Hoàng Đăng Tuấn tiếp khách nhưng vẫn không quên việc nấu cơm để “các con ăn đúng giờ, nghỉ ngơi rồi chiều còn vào lớp”. Sự cần mẫn của Thiếu tá Hoàng Đăng Tuấn thể hiện trong việc chăm chút bữa ăn, giấc ngủ, cả việc khâu cúc áo hay đường may sứt chỉ cho 2 cậu bé - những việc mà phải là những người cha rất đỗi yêu thương con mình mới làm được. Nhờ ăn uống đủ chất và ngủ nghỉ đúng giờ, thế nên Hồ Lanh và Hồ Cu Ba cao lớn hẳn chỉ sau 1 thời gian. Những người lính cũng dần uốn nắn những đứa trẻ vào nếp sinh hoạt. Đến bữa cơm, không cần nhắc, Hồ Lanh và Hồ Cu Ba cũng biết tự giác dọn mâm. 2 cậu bé còn biết tự tắm rửa, đến giờ vào ngồi bàn học tập... “Chúng tôi chỉ mong các cháu khỏe mạnh, đến trường học điều hay lẽ phải để sau này trở thành người có ích cho xã hội”- Thiếu tá Hoàng Đăng Tuấn chia sẻ.

Thiếu tá Hoàng Đăng Tuấn quê ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Anh bảo, xây dựng gia đình đã lâu nhưng vì điều kiện công tác xa nhà thường xuyên nên việc “làm bố” không nhiều. Nhận nuôi 2 đứa trẻ, đích thân Thiếu tá Hoàng Đăng Tuấn đi làm thủ tục, hồ sơ chuyển học cho Hồ Lanh từ bản Ka Định và Hồ Cu Ba từ bản Tà Leng về trường ở trung tâm xã. Còn Trung tá Lê Xuân Toàn dù việc ở Đảng ủy xã rất nhiều nhưng vẫn thường xuyên gặp gỡ thầy, cô giáo để hỏi thăm việc học của 2 đứa nhỏ.

Đã nhiều lần vợ của Thiếu tá Hoàng Đăng Tuấn là cô giáo Nguyễn Thị Trúc đưa con trai Hoàng Tuấn Phong lên thăm bố. Lần nào cũng thế, cô giáo Trúc cũng mang theo quần áo, giày dép hoặc quà cho 2 con nuôi của đơn vị chồng. Cô cũng tranh thủ kiểm tra bài vở rồi dặn chồng những điểm lưu ý trong việc học của 2 đứa trẻ. Còn Hoàng Tuấn Phong thì từ tò mò đến thích thú với những món đồ chơi được làm từ gỗ, đá và là “em út” nên được 2 anh nhường hết. Nhìn 3 đứa trẻ chơi với nhau dưới tán keo ở đầu hồi, ai cũng nghĩ chúng là anh em ruột thịt.

Ngoài nhận nuôi dưỡng Hồ Lanh và Hồ Cu Ba, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo còn nhận đỡ đầu cho nhiều học sinh theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Có thể kể đến như Hồ Thị Thây, ở bản Hà Nôông, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa từng nghỉ học để chăm mẹ ốm, làm nương để nuôi anh trai và em trai đi học nhưng chưa bao giờ từ bỏ ước mơ đến trường.

Năm 2019, nhờ sự giúp đỡ của những người lính Biên phòng mà cô gái nhỏ này đã được về Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Bình để tiếp tục giấc mơ con chữ. Hay trường hợp của Hồ Thị Thương, ở bản Ka Định cũng rất đáng nể phục. Bố mất, mẹ đi lấy chồng để lại 3 anh em (trong đó em út mới chỉ 2 tuổi) ở lại trong căn nhà lá siêu vẹo. Nhiều người khuyên Phương nghỉ học chăm em nhưng cô bé vẫn ngày ngày tới trường. Như vậy, có thể thấy, Hồ Thị Thây, Hồ Thị Phương hay Hồ Lanh hoặc Hồ Cu Ba ai cũng có hoàn cảnh khó khăn riêng nhưng tất cả đều có 1 điểm chung là nghị lực vượt lên trên hoàn cảnh.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO