Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 08/06/2023 02:26 GMT+7

Viết tiếp "chuyện Thuyền trưởng Bùi Mông"

Biên phòng - Nhiều người đã biết câu chuyện Thuyền trưởng Bùi Mông, TP Cam Ranh, Khánh Hòa đang ở nhà thuê mà vẫn được vay 12 tỉ đồng đóng chiếc tàu lớn đủ sức vươn khơi xa đánh bắt theo Nghị định 67 của Chính phủ. Sau 4 chuyến đi biển thắng đậm liên tiếp, anh đã mua được nhà gần 1 tỉ đồng. Vấn đề mấu chốt nhất của "dự án 67" đã được cọ xát thực tiễn giữa Biển Đông và nó đã vỡ ra nhiều vấn đề, trong đó đáng quan tâm nhất là mỗi ngành nghề phải chú ý để chọn kiểu tàu cho phù hợp.

km2d_11a
Sản phẩm từ lưới vây từ tàu cá của Thuyền trưởng Bùi Mông. Ảnh: Hải Luận

"Ngày chiếc "tàu mơ ước" xuất cảng đi chuyến biển đầu tiên có đại diện ngân hàng, chính quyền và nhà báo truyền hình vác cả máy to, máy nhỏ, rồi có thêm loại máy 4 cánh quạt bay lên cao quay xuống. Chu cha, họ làm rùm beng lên cả cầu cảng. Bề ngoài, tôi vẫn phải cười cười, nói nói, nhưng lòng dạ nặng trịch như đá, đêm nằm không ngủ được, lo chuyến biển này không gặp được đàn cá thì sao đây? Ai ngờ chuyến đầu tiên đánh được 40 tấn cá, trị giá 700 triệu đồng. Chiến hữu khắp nơi điện đến chúc mừng" - Thuyền trưởng Bùi Mông mở đầu câu chuyện, sau 5 tháng gặp lại tôi.

"Gom" đàn cá để đủ sức đánh cả tháng

Tàu ra khơi, Thuyền trưởng Bùi Mông chỉ huy cho 2 chiếc tàu của mình chạy song song, cách nhau khoảng 7 hải lý để quan sát đàn cá. Tàu chạy cách đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa) khoảng 80 hải lý thì gặp bó chà (bó cây tre trôi trên biển).

Thuyền trưởng Bùi Mông tường thuật: "Tôi cho tàu dừng lại và bật máy dò cá lên tìm kiếm, phát hiện có đàn cá đang ở dưới đó. Tôi cho triển khai các công việc giữ đàn cá để rạng sáng ngày mai mới buông lưới đánh trọn". Khoảng 4 giờ sáng, hai "trinh sát cá" xuống biển dò xét trước, ra tín hiệu buông lưới ngay. "Bỏ tàu composite và gắn máy mới của Mỹ, tôi nịn ga lên, chỉ trong chốc lát đã bao trọn đàn cá, 40 tấn ngập các hầm. Tàu lớn chở cá về bờ bán, tôi giao việc cho thuyền trưởng tàu nhỏ ở lại tiếp tục theo dõi, giữ cá và gom đàn thêm, chờ tàu lớn quay ra đánh tiếp".

Tàu chạy mấy ngày, mấy đêm mới về cảng Cam Ranh bán được 700 triệu đồng, ngay lập tức, ông Mông cho bơm bổ sung 10.000 lít dầu, xay 1.500 cây đá và nhiều lương thực, thực phẩm rồi cho tàu quay ra biển ngay. Lần này, Thuyền trưởng Mông để tàu lớn vẫn giữ vai trò chủ đạo đánh bắt tiếp và đạt được 20 tấn, rồi cho tàu nhỏ chở cá vào bờ bán được 240 triệu đồng. Tàu lớn tiếp tục ở lại giữ "trận địa" và giữ mồi đàn cá cho đến khi chiếc tàu nhỏ ra gần đến nơi, tàu lớn mới "hành động". Tàu lớn "ra đòn" lần thứ ba được 30 tấn, sau đó chạy vào bờ bán được 530 triệu đồng.

Thuyền trưởng Mông tỏ ra rất phấn khởi và tự hào về chuyến biển đầu tiên đạt được kết quả ngoài mong đợi: "Chỉ một đàn cá, với 2 chiếc tàu thay phiên nhau hiệp đồng chặt chẽ và đã đánh được gần 100 tấn cá, thu 1,5 tỉ đồng. Nếu tính 3 tháng đi liên tiếp được 4 chuyến, đạt gần 2 tỉ đồng, trừ phí tổn 550 triệu đồng, mỗi lao động được chia trên 30 triệu đồng. Riêng anh "trinh sát cá" thỏa thuận chia 0,25% lợi nhuận".

Nghề lưới vây thường hay đánh bắt "dòng họ cá ngừ" đi nổi trên dưới 50m nước. Đặc tính cà ngừ thường hay đi từng đàn, di cư theo dòng hải lưu quốc tế. Với kinh nghiệm của ông Mông, hai chiếc tàu đi cách nhau khoảng 20 hải lý. "Nếu cả hai tàu đều phát hiện ra đàn cá, nhưng chưa đủ "đô" đánh mẻ lưới, tùy theo dòng nước để ra lệnh tàu nào sẽ chủ động dẫn dụ đàn cá về nhập hai đàn lại với nhau. Khi cá mới nhập đàn, thường chạy toán loạn, mình tiếp tục dùng kỹ thuật giữ để nó "hòa thuận" với nhau và gom thêm về số lượng. Chờ khi nào tất cả các đàn cá tập trung lại với nhau, khi đó sẽ buông lưới hốt gọn hàng tấn cá. Khó nhất trong chiến thuật này là điều khiển tốc độ chạy tàu hợp lý để đàn cá thấy "phê" chạy theo tàu khoảng 20 hải lý" -  Thuyền trưởng Bùi Mông nêu bí quyết.

Năm 2017, phải trả 2 tỉ tiền nợ

Điều mà ông Mông tâm đắc nhất về chiếc tàu mới của mình là tăng ga cao hết cỡ, chạy liên tục 24/24 giờ, đạt vận tốc 12 hải lý/giờ, để đuổi kịp đàn cá đang cách xa hàng chục hải lý. "Chất lượng con cá tốt sẽ quyết định lợi nhuận cao - thấp, tàu mới của anh có điểm ưu việt nào so với tàu cũ?" - tôi hỏi ông Mông. Như đụng đến những điều tâm can và điểm mấu chốt nhất của nghề biển, ông Mông “rút ruột gan” bật mí: "Mỗi chuyến biển, dầu và nước đá chiếm trên 95% tổng chi phí. Thiếu dầu, thiếu lương thực có thể vào các xã đảo Trường Sa mua được, nhưng thiếu nước đá thì chấm hết chuyến đi biển. Tàu lớn chở gấp đôi lượng đá so với tàu cũ, tàu lớn có thể ở lại liên tục 45 ngày trên biển. Khi trúng cá, chợ sẽ "quyết định" mình tăng ga cho tàu chạy ở mức nào, vì mấy bà thu mua cá ở cảng sẽ điều tiết thị trường đi các tỉnh như: Đắk Lắk, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định...".

8ykd_11b
Thuyền trưởng Bùi Mông với con tàu mang tên "Ju Mông Trường Sa 2016". Ảnh: Hải Luận

- Nhưng tàu anh đang ở ngoài biển làm sao mà biết được thông tin trong bờ? - tôi tiếp tục hỏi.

- Nắm trong tay 30-40 tấn cá, mình phải liên tục điện đàm "làm giá" trước với mấy bà chủ vựa. Nếu giá cá ở cảng Quy Nhơn cao hơn, tàu mình ngoài biển vào gần thì ghé Quy Nhơn, hoặc Cam Ranh giá cao hơn Nha Trang thì ghé Cam Ranh bán. Tàu mình chạy vào cảng sớm sẽ bán giá 24.000 đồng/kg, nhưng nếu vào chậm bị "lạch" buổi chợ, cá giảm xuống 10.000-15.000 đồng/kg, thậm chí chỉ bán 7.000 đồng/kg. Tàu to, máy khỏe nó sẽ giải quyết các vấn đề giá thành con cá.

- Lâu nay chủ tàu cá luôn đau đầu về tìm lao động đi biển, tàu lớn của anh gặp khó khăn như thế nào?

- Bạn luôn đi lựa chủ tàu để đi biển.  Bây giờ chủ "lựa bạn", tàu tôi trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại, rất nhiều tay thợ giỏi tìm đến. Tôi chỉ chọn những tay thợ nào xếp hạng thiện chiến mới đầu quân xuống tàu lớn làm.

- Vì sao anh có tiền mà không trả nợ cho ngân hàng, mà đi mua nhà?

- Theo hợp đồng, khoản vay trên 10 tỉ đồng đóng tàu của tôi đến tháng 3 năm nay mới bắt đầu trả dần, 15 năm mới hoàn xong vốn. Mẹ già của tôi đã trên 90 tuổi rồi, vì vậy, bằng mọi giá tôi phải có cái nhà riêng của mình để cho mẹ ở, chứ lỡ bà đi sớm mà vẫn còn ở nhà thuê thì tôi ân hận lắm. Mục tiêu năm 2017, tôi phải làm dư ra 2 tỉ đồng trả nợ, tôi đủ tự tin để đạt được mục tiêu. Ngày mồng 10 Tết, tàu tôi sẽ xuất bến cho năm sản xuất mới.

Được biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện "dự án 67" thêm 1 năm nữa. Thời gian vừa qua, nhiều chủ đầu tư đã vay tiền đóng 2 loại tàu vỏ composite và vỏ thép. Qua hoạt động thực tiễn trên biển, Thuyền trưởng Bùi Mông nêu ý kiến để mọi người tham khảo: "Tôi chỉ nói riêng nghề lưới vây thôi, cùng hai chiếc tàu đóng theo Nghị định 67, tàu tôi vỏ composite nhẹ dễ dàng quay trở khi thả lưới và đuổi theo đàn cá, hầm đá lạnh giữ được nhiệt độ tốt. Còn tàu vỏ sắt của ông bạn tôi nó quá nặng nề, nên độ quay trở khó khăn hơn, đặc biệt hầm giữ đá không tốt. Cả hai chiếc tàu cùng đánh bắt trên vùng biển, cùng thời gian, cùng vào cảng bán cá, nhưng giá cá của tôi bán 22.000 đồng/kg. Còn tàu vỏ thép chỉ bán cá giá 8.000 đồng/kg, do hầm bảo quản quá nóng, nước đá tan nhanh, dẫn đến chất lượng cá kém, giá thấp. Chưa kể 3-5 năm sau, tàu vỏ thép xuống cấp một lần đốc lên bờ sửa chữa sẽ tốn kém gấp 2-5 lần giá trị so tàu vỏ composite, liệu ngư dân có chịu nổi không?”

Hải Luận

Bình luận

ZALO