Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:12 GMT+7

Viết sách võ dâng Quốc Tổ

Biên phòng - Dành 12 năm đi sưu tầm, ghi chép, sao chụp lại các tư liệu cổ, môn phái võ thuật trong cả nước, Tiến sĩ kiêm võ sư Phạm Đình Phong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Phát triển và Quảng bá Võ học Việt Nam đã kịp lưu giữ lại nhiều văn bản in bài thiệu cổ được ghi chép bằng chữ Hán Nôm. Ông Phong có thể dành cả ngày nói về võ, kể tên từng võ sĩ nổi danh qua các thời kỳ ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Nội, Bắc Giang… Ông tiếc nuối khi có những bài thiệu ghi bằng chữ Hán Nôm trên giấy dó bị mục, rách, đứt mất phần tên gọi, đứt vài câu chữ và phải mò mẫm để ghép nối.

6yse_22a
Võ sư Phạm Đình Phong với cuốn sách Lịch sử Võ học Việt Nam. Ảnh: Lê Văn Chương

Đi tìm bí kíp

Nhà sách Gia Lai ở Quảng Ngãi có 5 cuốn sách Lịch sử Võ học Việt Nam đặt trên kệ phủ một lớp bụi, bằng chứng của việc đã lâu rồi không có người chạm tay vào. Chủ nhà sách này cho biết, mảng đề tài này ít người tìm đọc nên nhiều cuốn sách quý bị lãng quên. Cuốn sách này dày 784 trang, gồm 2 chương, 12 mục và hơn 80 tiểu mục về quá trình hình thành, các giai đoạn phát triển, mốc son, sự kiện lịch sử oai hùng của nền võ học Việt Nam. Sách cũng có nhiều thông tin về các bậc tiên đế, anh hùng trung liệt với võ công tuyệt luân. 

Liên lạc với tác giả, Tiến sĩ, võ sư Phạm Đình Phong chia sẻ rằng, các bậc tiên tổ võ thuật đã sáng tạo ra nhiều môn phái. Võ thuật không chỉ là đấm đá mà phải có đủ bộ Võ Lý, Võ Lễ, Võ Đạo, Võ Kinh, Võ Trận, Võ Cử, Võ Thuật, Võ Y, Võ Nhạc, Võ Miếu, Võ Phục. Võ sư Phạm Phong khẳng định, công trình của mình đã làm sáng tỏ nền võ học của Việt Nam được các bậc tiên tổ từ thời vua Hùng liên tục sáng tạo ra chứ không phải được vay mượn từ phương Bắc.

Võ sư Phạm Đình Phong khởi sự đi sưu tầm kiến thức võ thuật vào năm ông 48 tuổi và hoàn thành tâm nguyện khi ở tuổi 60. Với nhiều người khác thì đây là một công việc chỉ có người được gọi là kỳ nhân mới dám đứng ra làm. Nhưng là một người bị nhập tâm về võ, luôn có cảm giác được các bậc tiên tổ võ thuật đặt sứ mệnh vào tay, sau 12 năm đi sưu tầm, đến tháng 7-2012, ông Phong đã hoàn thành công việc ban đầu. Ông mang cuốn bí kíp võ học này ra tỉnh Phú Thọ dâng lên bàn thờ Quốc Tổ; trở về Bình Định dâng lên bàn thờ vua Quang Trung. 

Tháng 9-2013, tổ chức Đại học Kỷ lục thế giới vinh danh cuốn sách của ông Phong là "Công trình văn hóa, võ học có giá trị, đóng góp vào kho tàng võ học thế giới”. Cuốn sách được chuyển ngữ sang tiếng Pháp. Năm 2015, công trình tiếp tục được Viện Hàn lâm khoa học Sáng tạo thế giới trao tặng danh hiệu “Công trình có nhiều đóng góp cho cộng đồng”. Năm 2016, tiếp tục xác lập Kỷ lục thế giới “Công trình sách lịch sử võ học Việt Nam chuyển ngữ sang tiếng nước ngoài (tiếng Pháp) đầu tiên trên thế giới” do Tổ chức liên minh Kỷ lục thế giới tôn vinh.

Binh khí 4.000 năm

Cuốn sách này ghi chép về binh khí thời nhà Trần chống quân Nguyên Mông. Quân Mông Cổ nổi tiếng ngồi trên lưng ngựa chạy như bay, nhưng vẫn bắn tên, phi lao, phi tiêu bách phát bách trúng. Lúc đó, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã cùng tướng sĩ chế ra lăn khiên hình thuẫn, kết bằng sợi mây, bên trong lót tre để chống mũi lao, phi tiêu, mũi tên. Mã tấu trang bị cho lính là loại cán ngắn, có gắn móc câu và lục lạc ở lưng mã tấu. Tiếng lục lạc đã khiến ngựa chiến Mông Cổ hoảng hốt, quân nhà Trần lập tức áp sát huơ móc giật chân ngựa, hất kẻ địch rơi xuống đất. 

Các loại binh khí, võ thuật được cuốn sách này miêu tả khá tỉ mỉ, cụ thể, nhất là từ thời Tây Sơn. Thanh ô long đao của Nguyễn Huệ được miêu tả: Đó là một thanh đao được đúc từ một thỏi thép dài ngang đầu người, lưới đao và cán được đúc liền, lưỡi đao sáng, toàn thân đao màu đen bóng, phải có sức lực hơn người mới có thể nâng được thanh đao này. Ngoài ra, còn có nhiều loại binh khí liên tục được chế tác mới như rìu, chùy, phảng, chạc ba, song nguyệt, nhung thuật, đoàn thiên mộc, côn thuật...

d7us_22b
Một bài thiệu cổ về võ thuật bị rách nhiều góc được ông Phong sưu tầm. Ảnh: Lê Văn Chương

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Nhật, các võ sĩ phải đối mặt với loại kiếm dài của lính Nhật. Các võ sư thời đó đã ngồi nghĩ ra những đòn thế để triệt tiêu đòn đánh của kiếm Nhật, viết ra bài kiếm có tên là mười hai. Võ sĩ sử dụng bài võ này dùng thân pháp và đôi chân di chuyển nhạy bén, đánh lừa đối phương rồi bất ngờ tấn công. Sau vài lần chạm trán với giới võ sĩ địa phương, lính Nhật đã phải khiếp sợ bài kiếm này.  

Đòn tư tưởng

Trong chiến lược quân sự thời hiện đại, kẻ địch thường sử dụng chiến tranh tâm lý để làm suy yếu tư tưởng đối phương, chưa đánh mà đã chùn lòng. Trong cuốn sách này, ông Phong đã đề cập đến nhiều đòn chiến tranh tâm lý trên chiến trường mà các tướng lĩnh thời trước sử dụng để uy hiếp tinh thần của quân thù qua tiếng hô, hét, tiếng lách cách ghê rợn của xích sắt buộc sau thanh đao, âm thanh thúc giục đoàn quân xung trận nhờ tiếng trống. Hay trong đêm tối, các võ sĩ thổi những điệu sáo ghê rợn như tiếng gầm gừ của rắn độc, hùm, beo khiến quân thù toát mồ hôi và không định hình được đối phương đang ở hướng nào.

Uy danh chiếc nỏ Liên Châu thời An Dương Vương được lưu truyền qua hàng nghìn năm. Nếu ra trận có những thứ vũ khí đã đi vào huyền thoại thì sẽ càng làm tăng thêm lòng quyết tâm của các binh sĩ. Mãi đến thời nhà Nguyễn (từ năm 1802), triều đình vẫn cải biên nỏ Liên Châu và trang bị cho quân đội. Mỗi phát bắn 20 mũi tên đồng, thứ vũ khí này chỉ còn đóng vai trò thứ yếu khi súng đạn đã ra đời. Tuy nhiên, quân sĩ vì có trong tay “nỏ thần” nên càng tin tưởng vào khả năng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù hung bạo. 

Trong phần Võ Trận ở cuối cuốn sách, võ sư Phạm Đình Phong đã ghi lại những bài binh pháp của tổ tông. Ví dụ: “Mai phục như xuất thần, kỳ phục như thiên sa”, có nghĩa là đánh mai phục phải giữ được cái thế bất ngờ, như quỷ thần xuất hiện. Đánh kỳ tập thì phải tạo được cái thế đột ngột, như thiên thần từ trên trời lao xuống”.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO