Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:21 GMT+7

Việt - Pháp chia sẻ kinh nghiệm quản lý ô nhiễm biển

Biên phòng - Nhằm thúc đẩy hợp tác Việt - Pháp về an ninh môi trường biển, chiều 30-11, Học viện Ngoại giao và Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến Việt - Pháp về Quản lý ô nhiễm biển, tập trung vào vấn đề rác thải nhựa.

Ảnh minh họa: Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh các giải pháp bảo tồn môi trường biển, giữ cho vùng biển, đảo mãi xanh tươi. Ảnh: Bích Nguyên

Tọa đàm có sự tham gia của Đại diện Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành liên quan, Sở Ngoại vụ và các chuyên gia Việt Nam; Chuẩn đô đốc Thái Bình Dương Pháp Jean-Mathieu Rey, Trung tá Hải quân Pháp Raphael Fachinetti và các chuyên gia Pháp…

Tại tọa đàm, các đại biểu đã trình bày các chính sách của Pháp và Việt Nam về quản lý rủi ro môi trường trên biển; thực tiễn giảm thiểu rác thải nhựa trên biển của hai nước và các quốc gia trong khu vực; hợp tác Việt - Pháp về môi trường biển.

Chuẩn đô đốc Jean-Mathieu Rey đã chia sẻ kinh nghiệm xử lý cụ thể một sự cố môi trường biển trên vùng biển của Pháp diễn ra trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2021. Theo đó, các bước xử lý sự cố được tiến hành rất bài bản, khoa học trên cơ sở khảo sát, đánh giá đúng hiện trạng, các nguy cơ ô nhiễm của con tàu này.

Ông Jean-Mathieu Rey cho biết, việc cứu hộ diễn ra trong nhiều giai đoạn khác nhau. Lực lượng chức năng đã sử dụng các đê nổi để thấm thấu toàn bộ dầu tràn ra từ con tàu.

Chia sẻ về chính sách và quy định của Việt Nam trong bảo vệ môi trường biển, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Cục trưởng Cục kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo cho biết, Việt Nam có hệ thống chính sách khá đầy đủ về bảo vệ môi trưởng biển, trong đó quan trọng nhất là Nghị quyết số 36 ngày 22-10-2018 về Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường biển của Việt Nam gồm có các công cụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường biển gồm nhóm mệnh lệnh kiểm soát, công cụ kinh tế, công cụ kỹ thuật; truyền thông và giáo dục.

“Qua 5 năm thực hiện nhìn chung các văn bản đã phát huy hiệu lực, hiệu quả nhất định, ít nhiều được xây dựng theo hướng quản lý tổng hợp đa ngành. Tuy nhiên, hệ thống văn bản vẫn chưa hoàn thiện, một số văn bản chưa điều chỉnh kịp thời.…” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, hiện có 4 vấn đề lớn trong bảo vệ môi trường biển Việt Nam. Thứ nhất là vấn đề rác thải nhựa đại dương. Việt Nam là một trong những nước có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất thế giới với khối lượng rác thải nhựa xả ra biển khoảng 0,28 đến 0,37 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển trên toàn thế giới.

Thứ hai là sự cố tràn dầu. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1989 đến nay, tại Việt Nam đã xảy ra hơn 100 vụ tràn dầu do tai nạn hàng hải, tràn ra biển hàng chục đến hàng trăm tấn dầu.

Thứ ba là khó khăn trong kiểm soát các nguồn thải và vấn đề thứ 4 Việt Nam phải đối mặt là biến đổi khí hậu và nước biển dâng dẫn đến tình trạng xói lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng. Theo kịch bản biến đổi khí hậu năm 2016, nếu mực nước biển dâng 100cm, khoảng 16,8% diện tích đồng bằng sông Hồng và hơn 38% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập trong nước.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý môi trường biển cũng như các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, xử lý rác thải nhựa…

Vấn đề các địa biểu chia sẻ tại tọa đàm cho thấy vấn đề môi trường biển thực sự là mối quan tâm của Việt Nam, vì cho dù số liệu thống kế từ bất kỳ nguồn nào thì ô nhiễm môi trường biển vẫn là vấn đề nghiêm trọng mà các quốc gia ven biển như Việt Nam cần phải chú ý cho thế hệ mai sau.

Tiến sĩ Nguyễn Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao nhấn mạnh, qua những chia sẻ về thực tiễn hợp tác trong thời gian qua, những mô hình và kinh nghiệm quản lý, chúng ta thấy rõ ràng Pháp không chỉ là một đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường biển này vì Pháp có thế mạnh về khoa học công nghệ, có kinh nghiệm trong việc quản lý và bảo vệ môi trường biển.

Trao đổi của các diễn giả tại tọa đàm cho thấy, có 5 lĩnh vực được nhấn mạnh trong ưu tiên hợp tác Việt - Pháp là hợp tác quản lý rác thải nhựa; ứng phó sự cố tràn dầu; hợp tác về năng lực quản lý nguồn thải; về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hợp tác về nghiên cứu khoa học môi trường biển.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO