Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 21/09/2023 06:53 GMT+7

Việt Nam tiêu thụ rượu, bia thứ 3 châu Á

Biên phòng - Sáng 8-6, tại Hà Nội, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo “Cung cấp thông tin về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2018”, thu hút sự tham gia của đông đảo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

5b1a2540455714fc22000454
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thùy Trang

Tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Nam, đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, ở nước ta, mỗi người dân (trên 15 tuổi) tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất vào năm 2016. Con số này trong giai đoạn 2003-2005 là 3,8 lít; giai đoạn 2008-2010 là 6,6 lít.

Qua 13 năm, mức độ tiêu thụ cồn nguyên chất bình quân/người ở nước ta tăng 118%, tăng 30 bậc theo xếp loại của WHO, từ vị trí 94 lên vị trí 64/194 quốc gia và đứng thứ 3 châu Á sau Lào và Hàn Quốc. Trong đó, tỷ trọng tiêu thụ cồn nguyên chất từ bia đang tăng nhanh hơn rượu nên tác hại do sử dụng bia cũng ngày càng gia tăng.

Việt Nam cũng thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao nhất thế giới và tỷ lệ uống rượu, bia ở cả hai giới đang ngày càng gia tăng. Năm 2015, tỷ lệ nam giới sử dụng rượu, bia đã tăng lên 80,3%, trong đó có 44,2% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại; 46% gia đình có 1 người uống rượu, bia ở mức nguy hại.

Trước thực trạng báo động này, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia với 6 chương và 22 điều xoay quanh một số nội dung chính như: Về quảng cáo, khuyến mại rượu, bia; quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công; địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia; huy động nguồn kinh phí cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Ngoài ra, tại hội thảo, các đại biểu còn thảo luận về thành công của Thái Lan và một số quốc gia trên thế giới trong xây dựng chính sách pháp luật kiểm soát đồ uống có cồn.

Thùy Trang

Bình luận

ZALO