Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 07/09/2024 09:56 GMT+7

Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực khắc phục hậu quả bom mìn

Biên phòng - Ngày 21-4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504). Sau 10 năm thực hiện, nhiều diện tích đất đã được làm sạch bom mìn, nhiều địa phương trong nhiều năm không còn xảy ra tai nạn do bom mìn sau chiến tranh. Những kết quả tích cực trên đã mang lại cuộc sống an toàn cho người dân, đồng thời, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Bộ đội Công binh tiến hành xử lý bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Ảnh: H.Sáng

Số nạn nhân bom mìn giảm

Theo điều tra khảo sát bom mìn, trước khi ban hành Chương trình 504 thì mật độ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam là 6,1 triệu ha đất đai. Giai đoạn 2010-2020, toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ được 485.000ha (trung bình đạt gần 50.000ha, tăng 35% so với giai đoạn trước). Nhiều công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước được xây dựng trên nhiều vùng đất đã được làm sạch bom mìn, vật nổ. Tổng kinh phí huy động cho chương trình là hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó, ngân sách trong nước hơn 10.000 tỷ đồng và viện trợ không hoàn lại của nước ngoài hơn 2.000 tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD).

Mặc dù chiến tranh đã qua đi vài chục năm, nhưng hàng trăm nghìn tấn bom đạn vẫn còn sót lại và ở khắp mọi nơi, kể cả thành thị và nông thôn, đồng ruộng và sông ngòi. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1975 đến nay, đã có hơn 40.000 người bị chết và 60.000 người bị thương, do bom mìn sót lại sau chiến tranh gây ra. Trung bình mỗi năm, bom mìn sót lại sau chiến tranh đã cướp đi tính mạng của hơn 1.000 người và hơn 1.300 người phải mang thương tật suốt đời.

Theo điều tra, trước năm 2010 thì số nạn nhân bình quân hàng năm là gần 400 người, trong đó, gần 200 người bị chết. Tuy nhiên, những năm gần đây, số nạn nhân bom mìn là dưới 50 người, có nhiều địa phương trong nhiều năm nay không xảy ra tai nạn bom mìn, đặc biệt Quảng Trị là tỉnh có mật độ bom mìn cao nhất cả nước đã không có tai nạn bom mìn trong năm 2019 và 2020. Theo chức năng, nhiệm vụ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện xác nhận mức độ khuyết tật cho nạn nhân bom mìn. Đến nay, đã có 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ, bao gồm nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học.

Đến hết năm 2019, đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật, các đối tượng đã được trợ cấp hàng tháng, tặng nhà tình nghĩa, phương tiện nghe nhìn, được học nghề, được hỗ trợ sinh kế.... Hơn 5.000 trường hợp nạn nhân bom mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác đã được hỗ trợ y tế, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng để phát triển kinh tế, với số tiền hơn 50 tỷ đồng. Hàng trăm nghìn người, đặc biệt là trẻ em và người dân ở những vùng bị ô nhiễm bom mìn nặng được tiếp cận với các phương pháp phòng tránh tai nạn bom mìn. Những kết quả tích cực trên đã mang lại cuộc sống an toàn cho người dân, đồng thời, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Vẫn còn hơn 5 triệu ha đất bị ô nhiễm bom mìn

Bên cạnh kết quả quan trọng trên, công tác khắc phục hậu quả bom mìn còn những khó khăn, hạn chế, kết quả còn thấp so với yêu cầu đặt ra. Hiện nay, diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn tại Việt Nam vẫn còn rất lớn (khoảng 5 triệu ha, chiếm hơn 17% diện tích đất đai cả nước), trong khi đó, nguồn lực để thực hiện Chương trình 504 còn hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, yêu cầu nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là rất nặng nề.

Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn tới năm 2025, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam là hiểm họa hàng ngày đối với người dân, là vấn đề nhức nhối của đất nước, gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống, cản trở sự phát triển bình thường của kinh tế-xã hội trong bối cảnh khó khăn”...

Để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn bom mìn, không còn người dân vô tội bị thương vong do bom mìn sau chiến tranh gây ra, Thủ tướng lưu ý cần xác định công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, an toàn cho nhân dân, làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chế độ, chính sách, hành lang pháp lý khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh, đảm bảo tính thống nhất, toàn diện. Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh.

Ngoài ra, tăng cường triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025, không còn xảy ra các vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra trên phạm vi toàn quốc. Tổ chức cứu chữa kịp thời nạn nhân các vụ tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra, chủ động hỗ trợ sinh kế nạn nhân bom mìn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO