Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 24/09/2023 08:35 GMT+7

Việt Nam sẽ làm được điều kỳ diệu, nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế

Biên phòng - Chiều 15-6, sau khi đại biểu thảo luận về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020 Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình một số nội dung có liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình những ý kiến của đại biểu. Ảnh: Đức Nghĩa

“Việt Nam đã làm được điều kỳ diệu về kiểm soát đại dịch Covid-19 với sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục làm được một điều kỳ diệu nữa đó là nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những giải pháp trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như các giải pháp duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh để góp phần phục hồi nền kinh tế; thu hút có chọn lọc nguồn đầu tư từ nước ngoài; giải ngân vốn đầu tư công; giải quyết việc làm trong tình hình mới...

Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, Việt Nam đã có đối sách phù hợp, tập trung chỉ đạo liên tục, hành động quyết liệt, hiệu quả trong việc khống chế dịch bệnh và không để dịch lây lan rộng trong cộng đồng và góp phần duy trì ổn định chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an ninh trật tự an toàn xã hội. Việt Nam đã thực hiện khá thành công nhiệm vụ “kép” là vừa đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, vừa duy trì được sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo an sinh xã hội.

Về một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, về định hướng, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ năm 2020. Trước những khó khăn, thách thức, tồn tại và diễn biến khó lường của dịch, quán triệt ý kiến Kết luận của Bộ Chính trị tại Kết luận số 777 ngày 5-6-2020, Chính phủ chưa điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2020. Chủ động điều hành các chính sách để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống, nhất là đối với người lao động, đối tượng chính sách, người nghèo, người yếu thế chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, là chủ động điều hành và điều chỉnh các chỉ tiêu về ngân sách Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn. Chủ động điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm trong tổng mức vốn ngân sách trung ương năm 2020 đã được Quốc hội quyết định. Phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Về kế hoạch cho thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi hoàn thiện các quy định, thực hiện quyết liệt cải cách, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực cho phát triển. Tập trung nâng cao hơn nữa năng lực quản trị quốc gia, hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Giải quyết những vướng mắc trong thủ tục hành chính; đẩy nhanh các thủ tục phê duyệt, điều chỉnh các chính sách mới, giải quyết các bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển nhất là khu vực kinh tế tư nhân.

Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế trong từng ngành, từng lĩnh vực theo hướng mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, trong đó coi trọng thúc đẩy nội nhu và tăng cường năng lực của nền kinh tế hỗ trợ cho phát triển từng ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, khơi dậy nội lực, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.

Sớm hoàn thiện khung chính sách pháp luật đối với xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính phủ số và mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; thực hiện mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm, giao dịch, quản lý các tài sản kỹ thuật số, đầu tư mạo hiểm, các phương thức thanh toán mới, hệ thống xác thực và định danh điện tử...

Đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, phát huy lợi thế và thúc đẩy nội lực liên kết vùng, nhất là phát huy vai trò của các đô thị lớn. Liên kết nội vùng, liên kết vùng và quốc tế tạo cơ sở phát triển các mô hình tổ chức lãnh thổ, tổ chức sản xuất kinh doanh mới, hình thành các cụm, ngành, chuỗi giá trị sản xuất cung ứng liên thông, không gian phát triển mới. Ưu tiên bố trí các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và có cơ chế chính sách đặc thù thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án giao thông, phòng, chống thiên tai thích ứng biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực trong trạng thái mới. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm các quy định của pháp luật, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ và không đáp ứng yêu cầu.

Việt Nam sẽ chủ động đóng góp các nội lực chung toàn cầu trong xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là những lĩnh vực ta có thế mạnh và là nhu cầu như an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu và chủ động tham gia các luật chơi mới, quy chuẩn, thông lệ ứng xử chung mà chúng ta có lợi ích trên thế giới.

Viết Hà

Bình luận

ZALO