Biên phòng - Ngày 26-3, tại Trung tâm hội nghị quốc tế Genève, Thụy Sĩ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên minh Nghị viên Thế giới (IPU)-138 về chủ đề “Giải pháp chính sách nhằm tăng cường cơ chế toàn cầu về người di cư và tị nạn”.

Đại hội đồng IPU - 138 của diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều thay đổi, ảnh hưởng đến sự an toàn cuộc sống con người, nhất là người di cư, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Trong khi IPU đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, với tinh thần không bỏ ai lại phía sau, tạo lập khuôn khổ pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, góp phần bảo vệ phẩm giá, quyền con người, các quyền tự do cơ bản của người dân di cư, đồng thời phát huy tối đa những đóng góp của họ vào quá trình phát triển của mỗi quốc gia.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, IPU cần tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác vì phát triển giữa các quốc gia, khuyến khích sự tham gia của Nghị viện các nước thành viên nhằm thúc đẩy các xu hướng tích cực, bảo vệ quyền lợi con người, đồng thời ứng phó các thách thức, rủi ro của người di cư. “Trong tiến trình phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn có chủ trương nhất quán bảo đảm để mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật và tạo điều kiện cho người dân có quyền di cư, dịch chuyển lao động phát huy tối đa khả năng tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giao lưu, kết nối cộng đồng, bảo đảm phát huy quyền dân chủ, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Chủ trương này được ghi nhận trong Hiến pháp và trong các văn bản pháp luật liên quan và được bảo đảm thực thi trên thực tế”. – Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết thêm: “Ở cấp độ quốc tế, Việt Nam ủng hộ các hoạt động di cư hợp pháp, di cư lao động, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái pháp luật, đặc biệt là buôn bán người, tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm di cư an toàn, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư trong suốt quá trình di cư. Là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng và tích cực tham gia vào các nỗ lực toàn cầu trong giải quyết vấn đề di cư phù hợp với trình độ phát triển, luật pháp quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”.
Bày tỏ quan ngại về vấn đề người di cư bất hợp pháp, nhất là tác động tiêu cực của vấn đề này đối với phụ nữ và trẻ em, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị cộng đồng quốc tế cần tiếp tục củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển bền vững, ngăn ngừa các mầm mống xung đột, tranh chấp. Thúc đẩy khuôn khổ pháp lý quốc tế phù hợp với các cam kết nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người di cư hợp pháp, phòng chống di cư trái phép, buôn bán người và tội phạm xuyên quốc gia. Phát huy vai trò của các Nghị viện trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật, giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật của Chính phủ trong lĩnh vực này; bảo đảm đối xử công bằng, bình đẳng giữa mọi thành phần trong xã hội, giúp những người di cư được hưởng các chính sách y tế, giáo dục, an sinh xã hội và được tạo cơ hội tìm kiếm việc làm.
Cùng với đó, tăng cường giám sát việc triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững, bảo đảm tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau. IPU, Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế cần ủng hộ, hỗ trợ các nghị viện thành viên triển khai các giải pháp chính sách trên thực tế. Tạo cơ chế đối thoại, hợp tác phòng chống bạo lực cực đoan, chủ nghĩa khủng bố, nghèo đói, bất bình đẳng trong xã hội dẫn đến những cuộc khủng hoảng người di cư, hỗ trợ tối đa các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi vấn đề di cư trái phép đưa ra các giải pháp bền vững.
PV