Biên phòng - Theo báo cáo công bố hiện trạng tồn lưu ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, hiện nay, diện tích đất đai còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ ở nước ta còn trên 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích đất cả nước.
Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Đảng và Nhà nước đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thường xuyên, lâu dài. Nhà nước ta đã chỉ đạo tập trung rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng và tăng cường tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.
Ngày 21-4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2025. Chương trình đặt mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý về tổ chức, quản lý và cơ sở hạ tầng cho các quốc gia, các tổ chức trong nước và quốc tế xem xét để viện trợ, tài trợ. Việt Nam cũng kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học (gọi tắt là BCĐ 701).
Năm 2017, các bộ, ngành đã triển khai xây dựng Nghị định về quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Hội nghị lần thứ nhất nhóm đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam (tháng 3-2017). Đồng thời, triển khai công tác tuyên truyền về thực trạng và hậu quả bom mìn, vật nổ nhằm giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân.
Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, Việt Nam đã đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn và tiến hành trao đổi hợp tác với các tổ chức quốc tế, các công ty chế tạo thiết bị dò tìm và xử lý bom mìn ở một số quốc gia. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã triển khai các dự án nâng cao năng lực khắc phục hậu quả bom mìn do Chính phủ các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh... và các tổ chức quốc tế như Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Trung tâm quốc tế Geneva về khắc phục bom mìn nhân đạo (GICHD), Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA), Trung tâm quốc tế (IC)... tài trợ.
Trong đó, tháng 3-2018, Việt Nam đã khởi động dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, qua đó khẳng định sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đang đẩy mạnh hoạt động giúp đỡ nạn nhân bom mìn. Trong năm 2017, Quỹ Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã hỗ trợ cho 151 nạn nhân với số tiền hơn 1,8 tỉ đồng (trong đó, hỗ trợ sinh kế cho 140 nạn nhân) tại các tỉnh Quảng Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bình Định, Quảng Trị...
Hiện tại, Việt Nam đang thí điểm mô hình can thiệp phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn; dạy nghề gắn với tạo việc làm cho nạn nhân bom mìn; kết nối giải quyết chính sách an sinh xã hội; hỗ trợ cung cấp dịch vụ công tác xã hội khác và một số dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn tại Thanh Hóa và Đà Nẵng.
Nhằm đẩy nhanh việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh, từ những năm 1990, Việt Nam đã chú trọng hợp tác quốc tế với các Chính phủ, tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ trên thế giới.
Với mục đích tăng cường quan hệ đối tác, cập nhật thông tin về các hoạt động truyền thông, các mô hình hỗ trợ nạn nhân bom mìn, các hoạt động thu thập cơ sở dữ liệu, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, phục hồi chức năng tại cộng đồng, Việt Nam đã thiết lập quan hệ với các đối tác đa phương như: UNDP, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), các đối tác song phương Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Na Uy và các tổ chức phi Chính phủ như: IC, NPA, Peace Tree (Tổ chức Cây hòa bình), Nhóm Cố vấn bom mìn của Anh (MAG)..., các Đại sứ quán Mỹ, Anh, Đức, Ireland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.
Theo thông tin từ Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, trong thời gian tới, Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sẽ tập trung thực hiện xã hội hóa hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học và dự án nâng cao năng lực trong lĩnh vực khắc phục bom mìn cho các tổ chức và các địa phương.
Cùng với đó, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đã ký kết với Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và mở rộng hợp tác quốc tế với Nga, Đức, Cộng hòa Séc... đề xuất hỗ trợ về năng lực dò tìm, xử lý bom mìn dưới biển và chế tạo trang thiết bị dò tìm, xử lý bom mìn...
Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sẽ xây dựng đề xuất ưu tiên quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh nhằm triển khai theo thứ tự ưu tiên một cách có hệ thống và hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh công tác hỗ trợ, triển khai chính sách xã hội đối với nạn nhân bom mìn một cách toàn diện, nghiên cứu, bổ sung phương thức hỗ trợ đảm bảo tính ổn định, bền vững.
Xuân Hương