Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:13 GMT+7

Việt Nam - Myanmar: Quan hệ hợp tác kinh tế hiệu quả

Biên phòng - Quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam-Myanmar đang ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong những năm qua, Việt Nam và Myanmar đã không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt. Hai bên đã tăng cường tính hiệu quả của hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.

Hợp tác kinh tế hiệu quả

Hợp tác kinh tế được coi là một điểm sáng trong quan hệ Việt Nam và Myanmar. Hai bên tiếp tục duy trì 12 lĩnh vực hợp tác ưu tiên, gồm: Nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy sản, tài chính - ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai thác khoáng sản, sản xuất thiết bị điện, sản xuất và lắp rắp ô tô, xây dựng và đầu tư - thương mại.

Kim ngạch thương mại song phương hai nước đạt 434,7 triệu USD năm 2015 và 548,3 triệu USD năm 2016, hoàn thành mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đặt ra. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 828,3 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2016. Việt Nam đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 70 dự án và tổng vốn đăng ký đạt gần 2 tỷ USD. Một số dự án lớn như: Trung tâm phức hợp Hoàng Anh Gia Lai, chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, thăm dò dầu khí, cung cấp mạng viễn thông của Tập đoàn viễn thông quân đội…

Hai nước đã ký bản Ghi nhớ về Hợp tác thương mại giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Thương mại Myanmar; duy trì thường xuyên cơ chế họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương, Tiểu ban hỗn hợp về Thương mại.

Về thương mại, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Myanmar. Hai bên đang duy trì cơ chế họp thường niên Tiểu ban hỗn hợp về Thương mại (kỳ họp thứ 9 họp được tổ chức tại Việt Nam tháng 2-2017).

Về đầu tư, Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ 7 của Myanmar. Tính đến tháng 4-2017, Việt Nam có 59 dự án đầu tư sang Myanmar được cấp phép. Một số dự án tiêu biểu như Trung tâm phức hợp Hoàng Anh Gia Lai; Dự án thăm dò khai thác dầu khí lô L2 giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Công ty Eden Group của Myanmar đang trong giai đoạn thăm dò, Dự án khai thác đá granit của Công ty cổ phần Sông Đà; Dự án xây dựng nhà máy dây chuyền sản xuất và phân phối dược phẩm của Công ty cổ phần Dược phẩm Ánh Sao Việt; Dự án liên doanh sản xuất gạch xây dựng của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Việt Tín.

Tính đến tháng 12-2017, Việt Nam có hơn 196 hiện diện thương mại tại Myanmar dưới nhiều hình thức: văn phòng đại diện, chi nhánh công ty, công ty liên doanh và công ty 100% vốn Việt Nam (thêm các doanh nghiệp điện, Internet, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cửa kính khung nhôm, thức ăn chăn nuôi...). Mối quan hệ hợp tác này chứng tỏ hai nền kinh tế bổ sung cho nhau và mang lại lợi ích cho cả hai bên, đặc biệt khi Chính phủ Myanmar đang tiến hành cải cách kinh tế rộng rãi trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, đầu tư, chế biến thủy sản, du lịch và dịch vụ.

Myanmar khẳng định tiếp tục thu hẹp danh mục các mặt hàng phải xin giấy phép nhập khẩu (không tự động) của Myanmar (hiện còn 3.988 mặt hàng), nhất là đưa trái thanh long của Việt Nam ra ngoài danh sách này trong thời gian sớm nhất.

Về hợp tác tài chính, ngân hàng, trong năm 2016, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã triển khai các hoạt động hợp tác và mở thêm một số hoạt động mới tại Myanmar trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, trong đó nổi bật là Thành lập công ty tài chính BIDV tại Myanmar với đối tác là Mahar Bawga vào tháng 6-2015 và hoạt động đạt hiệu quả; BIDV được cấp giấy phép và thành lập chi nhánh tại Myanmar (tháng 7-2016); Hợp tác với Ngân hàng Phát triển Công nghiệp vừa và nhỏ Myanmar (SMIDB) trong việc trao đổi, hỗ trợ thông tin, đào tạo cho vay.

Về hợp tác nông nghiệp, hai bên xúc tiến chương trình hợp tác nông nghiệp và trồng lúa giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Myanmar. Qua 5 năm triển khai và thử nghiệm, công ty cổ phần xuất nhập khẩu Việt Trang (Viettranimex) đã chọn được những giống lúa phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Myanmar và đang áp dụng khoa học kỹ thuật mới cho năng suất cao (7 giống lúa).

Triển vọng khác

Về năng lượng, dầu khí, Việt Nam hiện có một số dự án liên doanh thăm dò dầu khí ngoài khơi Lô M2 (PVEP); Hợp đồng dầu khí lô MD-2 và lô MD-4 và hợp tác về lĩnh vực dịch vụ khoan dầu khí.

Trong hợp tác du lịch, hai bên đã ký Hiệp định hợp tác du lịch (tháng 5-1994), ký Kế hoạch hợp tác du lịch 2016-2018 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar (năm 2015). Lượng khách du lịch giữa hai nước còn ít, chủ yếu là khách công vụ. Từ năm 2010, cùng với việc mở đường bay thẳng, số lượng khách đi lại giữa hai nước tăng đáng kể, tuy nhiên lượng khách du lịch Myanmar đến Việt Nam còn hạn chế.

Về viễn thông và công nghệ thông tin, ngày 25-3-2016, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel trúng thầu tham gia liên doanh Myanmar National Tele & Communication Co.,Ltd với hai đối tác Myanmar và tháng 9-2016 ký hợp đồng liên doanh, với tổng vốn 1,755 tỷ USD, Viettel nắm 49% cổ phần, thực hiện dự án Mytel với thời hạn ban đầu là 15 năm.

Dự án của Công ty cổ phần viễn thông FPT cũng đã được cấp phép thành lập, công ty TNHH FPT Myanmar 100% vốn đầu tư của Việt Nam tại Myanmar, với các hoạt động, bán sản phẩm tin học và dịch vụ phần mềm về ngân hàng, viễn thông, chính phủ, quản trị doanh nghiệp. Tháng 7-2015, FPT đã được Bộ Truyền thông và Công nghệ thông tin Myanmar cấp phép triển khai hạ tầng và xây dựng dịch vụ viễn thông tại Myanmar dự kiến tổng vốn FDI đầu tư trong giai đoạn đầu là 40 triệu USD. Ngoài ra, FPT còn hợp tác đào tạo công nghệ thông tin với Đại học của Myanmar để đảm bảo nguồn lực đầu vào cho trung tâm phần mềm tại Myanmar. FPT cũng là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép dịch vụ viễn thông tại Myanmar.

Về giao thông vận tải, hai nước đã ký Hiệp định vận tải biển song phương, nhưng phía Myanmar chưa phê duyệt. Hai bên phấn đấu tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác xây dựng và khai thác các tuyến đường bộ kết nối giữa hai nước trong khuôn khổ Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và CLMV.

Hai nước đã ký hiệp định vận chuyển hàng không song phương (năm 1995), ký Hiệp định đa biên CLMV về vận tải hàng không. Hiện có hai hãng hàng không của Việt Nam đang khai thác đường bay trực tiếp giữa hai nước là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và Vietjet Air, trong đó VNA khai thác đường bay giữa Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Yangon mỗi chặng tần suất 5 chuyến/tuần và Vietjet Air thực hiện đường bay Thành phố Hồ Chí Minh - Yangon với tần suất 5 chuyến/tuần (từ tháng 10-2015). VNA và Hàng không Myanmar đã ký kết, triển khai hợp đồng chia chặng đặc biệt, hợp đồng liên doanh khung và đàm phán để lập liên doanh hàng không để khai thác chuyến bay nội địa.

Ngọc Quang (Tổng hợp)

Bình luận

ZALO