Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 06/06/2023 06:49 GMT+7

Việt Nam luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển

Biên phòng - Là một đất nước phải trải qua nhiều đau thương mất mát, bị những thế lực ngoại bang chà đạp lên quyền cơ bản của con người, dân tộc Việt Nam đã vùng lên bằng các cuộc đấu tranh bất khuất, kiên cường qua nhiều thế kỷ, dân tộc Việt Nam đã khẳng định rằng, quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình.

a2k59cwvyu-8876_f_jq3dfsoc1_51
Cán bộ Đồn Biên phòng Ea H'leo (BĐBP Đắk Lắk) hướng dẫn các học viên lớp học xóa mù chữ do đơn vị tổ chức năm 2018. ảnh Bích Nguyên

Đây cũng chính là nguyên tắc có tính nền tảng về quyền tự quyết dân tộc đã được khẳng định trong Hiến chương Liên hiệp quốc và tại Điều 1 của cả 2 Công ước quốc tế cơ bản nhất của Liên hợp quốc về quyền con người: Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội, Văn hoá và Công ước quốc tế về các quyền Dân sự, Chính trị.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, cụ thể: Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) năm 1966, gia nhập ngày 24-9-1982; Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa năm 1966, gia nhập ngày 24-9-1982; Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1979, ký kết ngày 29-7-1980, phê chuẩn ngày 17-2-1982; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc năm 1969, gia nhập ngày 9-6-1982; Công ước về Quyền Trẻ em năm 1989, ký kết ngày 26-1-1990, phê chuẩn ngày 28-2-1990 và hai Nghị định thư bổ sung về trẻ em trong xung đột vũ trang (ký kết ngày 8-9-2000, phê chuẩn ngày 20-12-2001) và chống sử dụng trẻ em trong các hoạt động mại dâm và tranh ảnh khiêu dâm (ký kết ngày 8-9-2000, phê chuẩn ngày 20-12-2001); Công ước về Quyền của Người khuyết tật năm 2006, ký ngày 22-11-2007 và phê chuẩn ngày 5-2-2015; Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, ký ngày 7-11-2013 và phê chuẩn ngày 5-2-2015.

Hệ thống luật pháp không ngừng hoàn thiện là tiền đề và điều kiện để Việt Nam từng bước thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về quyền con người, tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Những thành tựu về bảo đảm và cải thiện các quyền cơ bản của người dân Việt Nam được thể hiện rất rõ trong việc thực hiện các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Đặc biệt ở Việt Nam, các quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội của người dân luôn được bảo đảm. Nhà nước Việt Nam chủ trương mở rộng dân chủ, thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; nhân dân là người quyết định mọi công việc của Nhà nước. Công dân Việt Nam có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện do mình tin tưởng bầu ra. Quyền con người càng được trú trọng hơn tại các vùng khó khăn như vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiếu số.

Tất cả các dân tộc, tin ngưỡng tôn giáo đều được hưởng quyền con người một cách đầy đủ nhất, công bằng nhất. Cùng với các tổ chức công đoàn cấp quốc gia, ở Việt Nam còn có hơn 6.000 tổ chức công đoàn cơ sở. Ngoài ra ở Việt Nam còn có hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ… hoạt động trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Các tổ chức và hiệp hội hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, độc lập và tuân thủ pháp luật… Sự tăng nhanh của các tổ chức, hiệp hội, câu lạc bộ, chứng tỏ quyền tự do hội họp và lập hội của người dân được tôn trọng và bảo đảm.

Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu tinh thần chính đáng của con người. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam; được bảo đảm tôn trọng trên thực tế.

Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền của các tín đồ được tự do thờ cúng và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách này đã được thể chế hóa bằng pháp luật. Số chức sắc, nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp không ngừng tăng qua từng năm nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tâm linh của nhân dân.

Các chức sắc tôn giáo cũng có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, có quyền ứng cử vào Quốc hội và hội đồng nhân dân như mọi công dân khác. Các tôn giáo có quyền và được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện mở trường, cơ sở đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, tham gia các hoạt động xã hội…

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao những thành tựu quan trọng trong bảo đảm các quyền cơ bản của con người mà Việt Nam đạt được và đã dành cho Việt Nam số phiếu ủng hộ cao nhất trong cuộc bầu chọn thành viên tham gia Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016. Những thành tựu cơ bản trong bảo đảm và phát triển quyền con người ở Việt Nam nêu trên là kết quả từ chính sách nhất quán luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực và nghĩa vụ quốc tế.

Kim Nhượng

 

 

Bình luận

ZALO