Biên phòng - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang có chuyến thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ theo lời mời của chính quyền Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, bắt đầu từ ngày 6 đến 10/7, theo giờ địa phương. Chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa bước ngoặt đối với quan hệ song phương trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma. Ảnh: Reuters |
Từ cựu thù đến đối tác toàn diện
Bốn mươi năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, ngày 7/7, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, một hình ảnh đánh dấu một bước mới trong tiến trình xích lại gần nhau giữa hai quốc gia từng là cựu thù.
Nhìn lại 20 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Ô-ba-ma cùng bày tỏ vui mừng về sự phát triển tích cực, nhanh chóng trong quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trên tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Những kết quả đạt được cho thấy, hướng đi đó là phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Cách đây 20 năm, không ai có thể hình dung tại phòng bầu dục của Nhà Trắng diễn ra cuộc gặp thú vị giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ. Từ hai nước “cựu thù”, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành bạn, rồi đối tác toàn diện và trong tương lai mối quan hệ đó sẽ còn phát triển tốt hơn nữa, nhờ tầm nhìn chiến lược, sự nỗ lực của lãnh đạo hai nước và sự ủng hộ của nhân dân, vì quan hệ hai nước phù hợp với lợi ích của nhân dân và xu hướng phát triển hiện nay là hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển thịnh vượng.
Trong lịch sử quan hệ hai nước có chương buồn, nhưng với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, hai nước đã xây dựng được quan hệ đối tác toàn diện như hôm nay. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Quá khứ không thể thay đổi nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi và nhất trí về các định hướng lớn nhằm phát triển quan hệ song phương, làm sâu sắc và phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao, mở rộng các cơ chế tham vấn giữa hai nước về các vấn đề cùng quan tâm; đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư làm nền tảng và động lực cho quan hệ song phương; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác khoa học, giáo dục, y tế và môi trường; thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, an ninh; tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh…
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh những tiến triển tích cực đạt được trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhấn mạnh tầm quan trọng của TPP đối với sự phát triển của khu vực cũng như những đóng góp to lớn của TPP vào tăng trưởng và ổn định toàn cầu; cho rằng TPP với tiêu chuẩn cao cần tính tới trình độ phát triển của các thành viên, cần tôn trọng những khác biệt về chính trị, văn hóa của các nước tham gia, từ đó tạo xung lực mới, quan trọng cho việc thúc đẩy hợp tác giữa Hoa Kỳ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; mong muốn tiếp tục cùng với Hoa Kỳ tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước, trên tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng và hướng tới tương lai”, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Trên cơ sở những thành tựu và bài học kinh nghiệm của 20 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ tin tưởng rằng, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ được xây dựng trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng thể chế chính trị và lợi ích của nhau, sẽ tiếp tục phát triển hướng tới tầm cao mới trong tương lai.
Việt Nam kiên trì giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình
Một trong những vấn đề đều được Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, các nghị sĩ đề cấp tới trong hội đàm, buổi tiếp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là hồ sơ về Biển Đông. Trong cuộc hội đàm và buổi tiếp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma, Thượng nghị sĩ Giôn Mắc-kên và nhiều Thượng nghị sĩ và Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ khác đều bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và đe dọa làm phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định.
Về vấn đề này, trong các cuộc gặp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều khẳng định, Việt Nam kiên trì giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm cả Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Quan điểm trên được các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đồng tình ủng hộ.
Liên quan đến vấn đề này,Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ nhấn mạnh:“Hai nước nhấn mạnh sự cần thiết đề cao các quyền tự do hàng hải và hàng không được quốc tế công nhận; thương mại hợp pháp không hạn chế, an ninh và an toàn hàng hải; kiềm chế những hành động làm gia tăng căng thẳng; bảo đảm tất cả các hành động và hoạt động phải phù hợp với luật pháp quốc tế; phản đối việc ép buộc, hăm dọa, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hai nước ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, kể cả như đã được thể hiện trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển ngày 10/12/1982 (UNCLOS), và thừa nhận tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ toàn bộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời ủng hộ các nỗ lực nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)”.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng-an ninh, hai nước nhấn mạnh cam kết phối hợp trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc xử lý các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, hợp tác an ninh hàng hải, nhận thức trong lĩnh vực hàng hải, thương mại quốc phòng và chia sẻ thông tin, tìm kiếm và cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và trao đổi công nghệ quốc phòng. Hai nước hoan nghênh những nỗ lực chung nhằm xử lý các vấn đề hậu quả chiến tranh, bao gồm nhiệm vụ nhân đạo tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh (MIA), rà phá vật liệu chưa nổ, tẩy rửa chất độc đi-ô-xin và hỗ trợ hơn nữa đối với các nỗ lực nhân đạo này.
Kinh tế-Điểm sáng trong quan hệ hai nước
Có thể nói, trong tổng thể bức tranh quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, hợp tác kinh tế-thương mại là điểm sáng nhất. Hoa Kỳ trong nhiều năm qua giữ vị trí là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt khoảng 36 tỷ USD so với 94,9 triệu USD năm 1994, trong đó Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ 28 tỷ USD. Năm ngoái, Hoa Kỳ cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 vào Việt Nam với khoảng 700 dự án có tổng vốn đầu tư gần 10,7 tỷ USD. Hai nước đang cùng 10 đối tác khác đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mở ra cơ hội lớn cho cả hai.
Khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, số lượng du khách Hoa Kỳ vào Việt Nam đứng thứ 5, nhưng từ năm 2001 đã đứng thứ 2. Riêng năm ngoái đã có khoảng 443.000 lượt du khách Hoa Kỳ thăm Việt Nam, tăng 16% so với năm 2013. Từ năm 2010, Tổng thống Ô-ba-ma đã chọn Việt Nam là 1 trong 10 thị trường hàng đầu để thực hiện chủ trương tăng gấp đôi xuất khẩu của Hoa Kỳ trong giai đoạn 2010-2015...
Vì lẽ đó, thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước là nội dung thảo luận chính của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các doanh nghiệp Hoa Kỳ ngày 9-7, giờ địa phương.
Một trong những bất đồng còn tồn tại giữa hai nước hiện nay chính là vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo. Tuy nhiên, tại cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Ô-ba-ma, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi thắng thắn, cởi mở về vấn đề này. Tổng thống Ô-ba-ma bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục đối thoại và tăng cường hợp tác trên lĩnh vực này. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc bảo đảm đầy đủ các quyền con người một cách tổng thể luôn là mục tiêu và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, khẳng định Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đối thoại với phía Hoa Kỳ trên lĩnh vực này với tinh thần cởi mở và xây dựng…
Tại cuộc tiếp các lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tối 8-7, giờ địa phương (tức rạng sáng 9-7, giờ Hà Nội), thay mặt các lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ, Đại sứ tự do tôn giáo đương nhiệm Đa-vít Xa-pơ-xtên và Đại sứ tự do tôn giáo đầu tiên Rô-bớt Xếp-li cho biết, nhiều đại biểu đã có dịp đến thăm Việt Nam, được chứng kiến sự phát triển của Việt Nam cũng như đời sống tôn giáo sôi động ở nhiều nơi, người dân được tự do đến những nơi thờ tự...
Điều đó thể hiện ở sự có mặt của nhiều đại biểu tôn giáo trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần này. Các đại biểu cũng đã đề cập một số vấn đề quan tâm trong lĩnh vực tôn giáo. Các đại biểu cho rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ đang trong tiến trình hòa giải và còn nhiều việc phải làm để hướng tới hòa hợp giữa hai dân tộc, nhưng với những nền tảng đã xây dựng trong thời gian qua, hai bên hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai tốt đẹp.
Trao đổi thẳng thắn, cởi mở về vấn đề này với các lãnh đạo tôn giáo Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Việt Nam đang trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, còn nhiều quy định cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.