Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Việt Nam-EU: Nối vòng tay lớn

Biên phòng - Tuần qua, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã đồng chủ trì Đối thoại Quốc phòng-An ninh Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) lần thứ nhất và tham dự Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng EU tại Brussels (Vương quốc Bỉ). Đây là hoạt động vô cùng có ý nghĩa trong hợp tác quốc phòng-an ninh Việt Nam-EU, đặc biệt là sau khi hai bên ký kết Hiệp định về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA) ngày 17-10 vừa qua.

709a_26b
Toàn cảnh Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng EU tại Brussels, Bỉ, ngày 22-11-2019. Ảnh: EU

Việt Nam là đối tác có trách nhiệm của EU

Tại bàn tròn đối thoại giữa Việt Nam và EU, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến quan hệ hợp tác giữa hai bên. Đây là lần đầu tiên Việt Nam và EU có một cơ chế đối thoại riêng về lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Điều này thể hiện tinh thần hợp tác thực chất, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh giữa hai bên trong thời gian tới. Các nội dung hai bên trao đổi bao gồm việc thúc đẩy triển khai Hiệp định FPA, khả năng Việt Nam tham gia các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, hai bên cần tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực. Về lĩnh vực gìn giữ hòa bình, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đánh giá cao EU đã hỗ trợ giảng viên giảng dạy tại Trung tâm Huấn luyện thuộc Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam; đồng thời, mời đại diện EU và các quốc gia thành viên tham dự Hội nghị “Vai trò của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc” mà Việt Nam dự kiến đồng tổ chức với Liên hợp quốc trong năm 2020 với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Về phần mình, EU tái khẳng định quan điểm ủng hộ tự do, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không tại Biển Đông và cho biết, EU đánh giá cao vị trí, vai trò của Việt Nam trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định chung của mỗi khu vực và trên thế giới.

Trước đó, tại Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng EU, diễn ra ngày 21-11, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ mối quan tâm của Việt Nam đối với các nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo của EU tại các nước châu Phi. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định thiện chí hợp tác với EU với tư cách là đối tác có trách nhiệm của EU trên cơ sở quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện, đặc biệt sau khi Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định FPA.

Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng EU do Ủy ban Quân sự EU tổ chức với sự tham gia của Tư lệnh Quốc phòng 28 nước thành viên EU. Hội nghị được tổ chức 2 lần một năm với các phiên họp bàn về tình hình an ninh, quốc phòng, các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU và các đối tác của EU. Kể từ khi hai bên ký kết Hiệp định FPA vào ngày 17-10, Việt Nam tham gia hội nghị với tư cách là đối tác của EU.

Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện Việt Nam và Tư lệnh Quốc phòng 28 nước thành viên EU và các khách mời đã cùng nhau trao đổi về các vấn đề liên quan đến 3 phái bộ huấn luyện của EU tại Mali, Somali và Cộng hòa Trung Phi; trong đó, tập trung vào một số vấn đề tác động của biến đổi khí hậu đối với các nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo; vai trò của phụ nữ trong các phái bộ đào tạo và các biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tầm nhìn của EU tại Đông Nam Á

Một số chuyên gia đã nhận định rằng, khả năng biến đổi linh hoạt mà không cần sử dụng đến vũ lực phản ánh bản chất đặc biệt của EU trong đời sống chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại xem đây là điểm yếu lớn nhất của EU, bởi châu Âu đang vật lộn với một khủng hoảng địa chiến lược... Với tư cách là một khối, EU không thể phòng vệ cũng như không thể sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế vì triết lý của EU gắn liền với một công cuộc hòa bình. 

Chia sẻ quan điểm của các chuyên gia bình luận quốc tế, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phát biểu vào tháng 5-2019: “Chắc chắn châu Âu cần phải xác định lại vị trí của mình trong một thế giới đã thay đổi”. Cũng trong tháng 5-2019, Michel Barnier, cựu Cao ủy châu Âu và cũng là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, người đang phụ trách các cuộc đàm phán của EU với Anh về vấn đề Brexit, đã tuyên bố: “Châu Âu vẫn đang nắm giữ sức mạnh mềm đáng kể, tuy nhiên lại không thể sánh được với các bên khác về sức mạnh cứng... Châu Âu cần cả “hai chân” thì mới có thể đứng vững”. Và như một bài bình luận trên tờ Financial Times gần đây có viết: “Thẩm quyền quản lý thị trường lớn nhất và một trong những ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới trao cho liên minh này sức mạnh thương mại tương xứng với Mỹ mà không một bên nào khác có thể sánh bằng. Tuy vậy, châu Âu hoặc chưa nhận thức được sức mạnh của chính mình hoặc cảm thấy lo sợ khi vận dụng sức mạnh đó”.

Như bao thực thể khác, châu Âu cũng có những vấn đề nội bộ tồn tại, song tầm nhìn của EU tại Đông Nam Á là khá rõ ràng và mang tính lâu dài. Để duy trì và tăng cường ảnh hưởng, EU đã quyết đoán hơn trong chính sách ở Đông Nam Á, từ thắt chặt quy chế “Miễn thuế mọi thứ, trừ vũ khí” (EBA) đối với Campuchia và Myanmar, vấn đề trồng dầu cọ dẫn tới phá rừng ở Malaysia và Indonesia... Trong khi đó, EU tích cực mở rộng quan hệ quốc phòng. Điển hình là Pháp đã ký kết thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia năm 2011, Singapore năm 2012 và Việt Nam năm 2013. Pháp còn bán tàu ngầm và đề xuất huấn luyện cho các lực lượng vũ trang Malaysia. Tóm lại, EU đang thực hiện đi bằng “hai chân” tại khu vực này và điểm cộng là những bước đi đó cũng phù hợp với xu thế hợp tác và phát triển trên phạm vi toàn cầu.

Hồng Ngọc

Bình luận

ZALO