Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:23 GMT+7

Việt Nam đóng góp tích cực trong ứng phó với biến đổi khí hậu

Biên phòng - Phát biểu tại hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (BĐKH) tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (COP26), ngày 1-11-2021, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã cho biết, Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng 0. Lời khẳng định này thể hiện sự đóng góp tích cực và trách nhiệm của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH.

Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH, trong đó có việc đẩy mạnh trồng rừng và xây dựng kè chắn sóng ven biển. Ảnh: Bích Nguyên

Nỗ lực ứng phó của Việt Nam

Là quốc gia có đường bờ biển dài và 2 vùng đồng bằng rộng lớn, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia được đánh giá bị tổn thương lớn nhất do tác động của BĐKH với biểu hiện rõ rệt là nước biển dâng và xâm nhập mặn.

Theo các kịch bản BĐKH, nếu nước biển dâng cao thêm 1m sẽ có 10,8 triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng chịu ảnh hưởng. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH. Theo tính toán kịch bản BĐKH, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ tăng khoảng 3,4 độ C, mực nước biển tăng thêm 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích đất Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập vĩnh viễn, khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp do mất đất. Thêm vào đó, BĐKH diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long kéo theo hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở và nhiều hệ lụy đi kèm như đã từng diễn ra những năm gần đây.

Trong khi đó, với kịch bản nước biển dâng cao 1m vào cuối thế kỷ 21, Đồng bằng sông Hồng sẽ có 240.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Đối với vùng ven biển, ảnh hưởng của BĐKH lớn nhất là bão, áp thấp nhiệt đới và tình trạng hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất diễn ra mạnh mẽ hơn.

Thực tế, trong những năm gần đây, do tác động của BĐKH, tính chất cực đoan và tính dị thường của các hình thái thiên tai ngày càng phổ biến. Việt Nam thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, với những diễn biến hết sức bất thường. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, suốt hơn 30 năm qua, trung bình mỗi năm, thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP.

Việt Nam xác định 3 nhóm giải pháp cần ưu tiên hàng đầu để ứng phó với BĐKH là: Nâng cao năng lực dự báo, giám sát khí hậu; giảm thiểu thiệt hại thiên tai và cắt giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động trọng tâm ứng phó với BĐKH như: Quyết định số 2139/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về BĐKH, Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH; đề án quản lý phát thải khí nhà kính; Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng luật hóa các vấn đề ứng phó với BĐKH như: Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bảo vệ Môi trường. Việt Nam cũng phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH dựa trên hệ sinh thái, dựa vào cộng đồng và dựa vào tự nhiên.

Quyết tâm giảm phát thải ròng bằng 0

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các tác động tiêu cực của BĐKH đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí, đe doạ sự tồn vong của không chỉ Việt Nam mà cả nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư. Điều đó, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải hành động mạnh mẽ hơn nữa, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. “Đây là vấn đề toàn cầu, nên cần có cách tiếp cận toàn cầu” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực tế, với tư cách là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tham gia ký Công ước khí hậu ngày 11-6-1992 và Nghị định thư Kyoto ngày 3-12-1998. Việt Nam cũng đã ký Thỏa thuận Paris về BĐKH vào ngày 22-4-2016.

Tại hội nghị Thượng đỉnh về BĐKH vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị: “Ứng phó với BĐKH, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân. Khoa học công nghệ phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, bao trùm và nhân văn”. Thủ tướng cũng cho rằng: “Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể và là động lực phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Thủ tướng đề nghị tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ hơn nữa về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về BĐKH.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”.

“Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do BĐKH, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để vừa ứng phó với BĐKH, vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với cộng đồng quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững trong thời gian tới”- Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO