Biên phòng - Đúng ngày này cách đây 23 năm (28-7-1995), Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Một khoảng thời gian tương đối dài đủ để khẳng định Việt Nam là một đối tác đáng tin cậy của các nước thành viên ASEAN.

Dấu ấn Việt Nam
Ngày 8-8-1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Bangkok (Thái Lan) với sự tham gia của 5 quốc gia thành viên sáng lập, gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines.
Sau nhiều nỗ lực đàm phán, ngày 28-7-1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Brunei Darussalam, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức này. Đây là một dấu ấn quan trọng, một bước ngoặt lớn đối với Việt Nam cũng như ASEAN.
Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN. Việt Nam đã đóng góp vào việc mở rộng ASEAN, đưa ASEAN từ tập hợp 6 nước trở thành Cộng đồng ngày nay gồm 10 nước ASEAN.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua các sáng kiến, các đề xuất, như Chương trình Hành động Hà Nội 2010. Ngoài ra, Việt Nam đã giữ vai trò điều phối các cơ chế hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, gần đây nhất là với Trung Quốc, EU và Ấn Độ.
Việt Nam cũng đã đưa ra những sáng kiến như mở rộng thành viên của Hội nghị Cấp cao Đông Á, bằng cách thúc đẩy kết nạp Nga và Mỹ tham gia Cấp cao Đông Á; tổ chức lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+) trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010. Đây là những cơ chế hết sức quan trọng trong việc kết nối không chỉ trong ASEAN, mà giữa ASEAN với các nước, góp phần tạo ra vị thế của ASEAN với các nước.
Nhiều chuyên gia quốc tế khi nói tới ASEAN đã đánh giá cao vai trò của tổ chức này - một khu vực gồm 10 nước có trình độ phát triển khác nhau nhưng lại tập hợp thành một khối, cùng phát triển về chính trị, kinh tế, an ninh. “So với khu vực Nam Á và châu Phi, trong khối ASEAN không tồn tại các xung đột quân sự”, Tiến sĩ Gehard Will, chuyên gia về Đông Nam Á, Đại học Hamburg của Đức nhận xét.
Trong khi đó, nhìn nhận vai trò của Việt Nam trong ASEAN, Tiến sĩ Thomas Engelbert thuộc Viện Á - Phi, Đại học Hamburg cho rằng, Việt Nam tham gia rất tích cực vào ASEAN, thể hiện qua 2 giai đoạn.
“Ở giai đoạn thứ nhất, Việt Nam thoát khỏi thế bị cô lập và hòa nhập vào khu vực Đông Nam Á cũng như khu vực Đông Á nói chung, cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, các nước đầu tư vào Việt Nam như Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong giai đoạn thứ 2, Việt Nam thực hiện một chính sách tích cực hơn, tham gia sâu rộng vào hoạt động của ASEAN”, Tiến sĩ Thomas Engelbert nhấn mạnh.
Ngọn hải đăng của hòa bình và ổn định trên thế giới
Trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển với nhiều thăng trầm, ASEAN đã khẳng định vị thế của một tổ chức vững mạnh, liên kết sâu rộng và là đối tác không thể thiếu của các nước trên thế giới với những thành tựu đáng tự hào. Từ những quốc gia nhỏ còn nghi kỵ lẫn nhau, bây giờ ASEAN đã trở thành một tổ chức thống nhất gồm cả 10 nước trong khu vực Đông Nam Á. Với tổng dân số 635 triệu dân, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và thứ 3 châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Dự đoán ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới trong năm 2025. Quan trọng hơn nữa, ASEAN đã hình thành một khuôn khổ hợp tác ở trong khu vực tương đối ổn định. Sự phối hợp chính sách và đối thoại trong ASEAN cho phép tổ chức này trở thành một ngọn hải đăng của hòa bình và ổn định trên thế giới, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của từng quốc gia thành viên cũng như chính ASEAN.
Với việc được tất cả các nước lớn công nhận vai trò trung tâm trong việc định hình các cơ chế hợp tác trong khu vực, Cộng đồng ASEAN đang trở thành một mô hình hội nhập khu vực thành công trên cả 3 lĩnh vực chủ chốt là chính trị và an ninh khu vực, hội nhập kinh tế và xây dựng thể chế.
Tuy nhiên, Cộng đồng ASEAN cũng đang đứng trước những thử thách không nhỏ trước tình hình quốc tế và khu vực đang biến chuyển nhanh chóng và trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, đòi hỏi ASEAN phải không ngừng đổi mới. ASEAN cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh liên kết nội khối, tăng cường sức mạnh của mình thông qua việc triển khai hiệu quả các kế hoạch tổng thể của Tầm nhìn 2025 về chính trị - an ninh, về kinh tế, về văn hóa xã hội; triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể về kết nối 2025 (MPAC 2025); Kế hoạch công tác III về Sáng kiến liên kết ASEAN, trong đó cần đặc biệt chú trọng hơn đến vai trò và sự tham gia của người dân...
Bên cạnh đó, ASEAN cần tiếp tục cải tiến bộ máy, thể chế, quy trình hoạt động, nâng cao hơn nữa tính hiệu quả, tính phản ứng trong bối cảnh tình hình diễn ra nhanh chóng như hiện nay.
Về đối ngoại, ASEAN cần có cách tiếp cận mới để tăng cường quan hệ đối ngoại với các nước, đặc biệt là các nước lớn, với các tổ chức; tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong các cấu trúc khu vực; thúc đẩy tự do hóa, hội nhập kinh tế, trong đó có việc sớm hoàn tất một số thỏa thuận về khu vực tự do hóa thương mại với một số đối tác…
Đối với Việt Nam, dù gia nhập muộn nhưng những gì mà chúng ta đã đóng góp cho ASEAN là hết sức đáng tự hào. Trong thời gian tới, chắc chắn mối quan hệ của Việt Nam và ASEAN sẽ ngày càng được củng cố thêm. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng đất nước văn minh, giàu đẹp, phát triển và có vị thế cao trong khu vực cũng như trên thế giới.
Thu Uyên