Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:35 GMT+7

Việt Nam “điểm sáng” toàn cầu

Biên phòng - Năm 2020 đánh dấu một cột mốc quan trọng của lịch sử thế giới khi đại dịch toàn cầu Covid-19 hoành hành và hủy hoại nhiều thành tựu phát triển của nhân loại. Trong bức tranh bị bao trùm bởi một “màu xám” ấy, quốc tế đánh giá Việt Nam là một “điểm sáng” khi đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, thiên tai; là quốc gia hình mẫu về giải quyết hiệu quả những thách thức an ninh phi truyền thống.

Các tổ chức tài chính quốc tế đều có chung khẳng định rằng, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có nền kinh tế tăng trưởng dương. Ảnh: Thanh Trúc

“Ngọn hải đăng” giữa “cơn bão” Covid-19 toàn cầu

Nhìn lại năm qua, cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam là một “điểm sáng” hiếm hoi của thế giới. Trong đó, sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã giúp Việt Nam khống chế thành công đại dịch từ rất sớm, thiệt hại về nhân mạng rất thấp, nhanh chóngthiết lập trạng thái bình thường mới và cả nước trở lại với nhịp sống ổn định.

Hầu hết các tổ chức tài chính quốc tế đều có chung dự báo rằng, với những thành tựu trong phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế, chắc chắn Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020.

Trên thực tế, trong năm qua, kinh tế Việt Nam luôn đạt được thành tích đáng kể với mức tăng trưởng ấn tượng. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng đều rơi vào tình trạng khủng hoảng tồi tệ.

Trong cả hai “làn sóng” Covid-19, chính quyền và nhân dân Việt Nam đã ngăn chặn dịch bệnh một cách rất nhân văn, bài bản có hiệu quả thực tế rất cao. Trách nhiệm đi kèm với nỗ lực có hiệu quả cao của hệ thống chính trị Việt Nam được cả thế giới công nhận là sự sáng suốt, nhất là tạo được niềm tin lớn trong toàn dân, kêu gọi được sự đại đoàn kết trước “kẻ thù” Covid-19 - đây là điều khác biệt so với nhiều quốc gia khác.

Theo Tiến sĩ Lê Hải Bình, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương, căn cứ theo các tiêu chí quản trị quốc gia tốt do Cơ quan phát triển Liên hợp quốc đưa ra, trong giai đoạn đầy thách thức vừa qua, Việt Nam không chỉ đáp ứng đầy đủ mà còn thực hiện một cách rất hiệu quả, trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Xuyên suốt quá trình chống dịch, Việt Nam đã dồn nguồn lực tối đa với khuôn khổ hành lang pháp lý và thể chế đối phó với dịch bệnh; nhấn mạnh mục tiêu bảo vệ người dân; thông tin đầy đủ, cập nhật rõ ràng, dễ tiếp cận; phản ứng với dịch bệnh rất nhanh chóng, kịp thời; toàn dân đoàn kết, đồng lòng chống dịch, lan tỏa quyết tâm sâu, rộng trong nhân dân;… Nhiều hãng truyền thông lớn của quốc tế cùng chung đánh giá rằng, Việt Nam sát gần với tâm dịch ban đầu là Trung Quốc và có hệ thống y tế kém hơn nhiều quốc gia giàu có phương Tây nhưng đã quản lý rất tốt và giữ được số ca nhiễm bệnh rất thấp.

Ngay từ khi nhen nhóm xuất hiện dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã phát động “cuộc chiến” “chống giặc” Covid-19, “Chiến đấu với dịch bệnh là chiến đấu với kẻ thù”. Việt Nam đã nghiêm túc đánh giá “đúng và trúng” mức độ của nguy cơ để triển khai những giải pháp ngăn chặn dịch bệnh kịp thời và hiệu quả.

Phản ứng của Việt Nam rất mạnh mẽ ngay từ các bước phát hiện, lần mối, khoanh vùng, cách ly và dập dịch; từ đó, virus không có cơ hội lây lan rộng trong cộng đồng. Nổi bật trong đó, việc lực lượng quân đội đã sống tạm trong các lán trại để nhường nơi ở, nơi huấn luyện phục vụ cho những người phải cách ly được quốc tế đánh giá là một hành động cao cả, thiết thực, góp phần rất quan trọng trong những nỗ lực ban đầu ứng phó với dịch bệnh.

Ngời sáng tình đoàn kết dân tộc

Sau khi dập tắt nhanh chóng “làn sóng” Covid-19 thứ 2, Việt Nam tiếp tục đối diện với thách thức an ninh khác là thiên tai bão lũ lịch sử ở miền Trung. Tình trạng "bão chồng bão", "lũ chồng lũ" xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung gây thiệt hại rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của hàng triệu người dân.

Doanh nghiệp Việt Nam chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Đánh giá về giai đoạn toàn dân đoàn kết, “dồn lực” ứng phó với thiên tai những tháng vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ cho biết, người dân đã ghi nhận những cố gắng vượt bậc của các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương và lực lượng quân đội đã tập trung toàn lực, thực hiện quyết liệt, kịp thời các biện pháp “4 tại chỗ” phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Ban chỉ đạo tiền phương, các đồng chí lãnh đạo các địa phương đã ngày đêm trực, chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang không quản ngại hiểm nguy, gian khó, ngày đêm vật lộn với bão lũ để hỗ trợ đồng bào, cứu hộ người dân bị nạn. Nhiều tấm gương trong đó có những sĩ quan cao cấp đã hy sinh quên mình; nhiều tổ chức, cá nhân đã có những nghĩa cử cao đẹp hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng bị ngập lụt.

Trong gian nan, Việt Nam đã thể hiện rõ nét sức mạnlh của đại đoàn kết dân tộc khi vừa “chống dịch như chống giặc”, vừa chung tay chống thiên tai, cứu trợ đồng bào, vừa góp sức phát triển kinh tế xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Sự thống nhất trong ý chí của người Việt Nam chính là động lực to lớn để đất nước kiên cường và hiên ngang trước các thách thức an ninh phi truyền thống.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Một lần nữa chúng ta càng thấy ngời sáng tình đồng bào - đồng chí - đồng đội nghĩa tình, thắm thiết, nhân văn, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của truyền thống văn hóa Việt Nam. Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương hỗ trợ người dân dựng lại và sửa chữa nhà cửa bị hư hại; bảo đảm lương thực, thực phẩm, thuốc men; khắc phục nhanh các công trình hạ tầng, trường học, bệnh viện bị hư hỏng, ngập lụt; sớm phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống người dân vùng bị ảnh hưởng”.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO