Biên phòng - Thông tin được Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ tại hội thảo “Tăng cường đầu tư giữ vững thành quả, hướng tới loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam”, do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức tại Hà Nội, ngày 24 -4.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét nhưng các kết quả đạt được là chưa bền vững, nguy cơ sốt rét gia tăng vẫn còn rất cao ở nhiều địa phương. Hiện tình hình sốt rét tại một số tỉnh thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ diễn biến phức tạp.
Một số tỉnh có nhiều người mang ký sinh trùng sốt rét như: Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình và Quảng Trị. Bệnh sốt rét có nguy cơ quay lại, gia tăng số mắc, số tử vong và có thể gây thành dịch. Bên cạnh đó, công tác phòng chống và loại trừ sốt rét hiện nay đang gặp một số khó khăn về mặt kỹ thuật và đầu tư kinh phí.
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ lo ngại tình trạng sốt rét kháng thuốc từ những người đi lao động từ Lào, Campuchia và một số nước châu Phi mang ký sinh trùng sốt rét về nước có xu hướng gia tăng. Trong tổng số 9.000 ca sốt rét mỗi năm thì có đến 50% là sốt rét ngoại lai.
Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, cần tăng cường năng lực chẩn đoán điều trị để đối phó với bệnh sốt rét ngoại lai. Cán bộ ngành y tế cần áp dụng phương thức quản lý điều trị dự phòng mới nhất để đối phó với diễn biến phức tạp của sốt rét tại các điểm nóng. Đặc biệt, cần sự phối hợp đồng bộ với các bộ, ngành để triển khai biện pháp phòng chống và loại trừ sốt rét.
Công tác phòng chống sốt rét của Việt Nam trong 10 năm qua được Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam - Tiến sĩ Kidong Park đánh giá cao. Cụ thể là số ca sốt rét đã giảm từ hơn 11.000 ca trong năm 2008 xuống còn khoảng 4.500 ca trong năm 2017. Cùng giai đoạn này, số tử vong cũng giảm 76%, từ 25 ca xuống còn 6 ca. Hơn 40 tỉnh thành hiện nay không có sốt rét lưu hành.
Các báo cáo và tham luận tại hội thảo cũng đã cho thấy, thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030”, công tác phòng chống và loại trừ sốt rét đã đạt được các kết quả đáng kể, đó là tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét liên tục giảm hằng năm. So với năm 2011, tỷ lệ mắc sốt rét trên 1.000 dân năm 2017 giảm 84%, số bệnh nhân sốt rét giảm 81%, số ký sinh trùng sốt rét giảm 72%, số trường hợp tử vong do sốt rét giảm 57%, không có dịch sốt rét xảy ra.
Mỗi năm có hàng triệu người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng biện pháp phun tồn lưu và tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi, hàng chục nghìn bệnh nhân được cấp thuốc điều trị sốt rét miễn phí...
Thùy Trang