Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 02:58 GMT+7

Việt Nam đăng cai phiên họp đầu tiên thành lập mạng lưới ngân hàng sữa mẹ

Biên phòng - Ngày 10-4, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế phối hợp với Dự án Alive & Thrive (Nuôi dưỡng & Phát triển, A&T) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thiết lập và vận hành Ngân hàng sữa mẹ và Góp ý kiến xây dựng Hướng dẫn quốc gia về Ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam”, với sự tham gia của 40 đại biểu đến từ 13 bệnh viện của 9 tỉnh trên cả nước.

hiysnr9kpu-13098_f_jub1cnem2_2
 Hội thảo thu hút đông đảo bác sĩ chuyên ngành của các bệnh viện trên toàn quốc. Ảnh: Tuấn Khang

Hội thảo đã chia sẻ những kết quả rất đáng khích lệ từ Ngân hàng sữa mẹ (NHSM) Đà Nẵng sau hai năm hoạt động. Tới nay, NHSM Đà Nẵng đã cung cấp 4,000 lít sữa mẹ cho hơn 7,200 trẻ, trong đó 2,600 trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý. Trung bình mỗi ngày NHSM Đà Nẵng nhận 4,7 lít sữa. Mỗi bà mẹ hiến 9,3 lít sữa, thời gian hiến tặng trung bình 30 ngày.

Sau 2 năm hoạt động, việc sử dụng sữa công thức và sữa bà mẹ khác (chưa qua thanh trùng) trong 14 ngày đầu đời của các trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý đã giảm hẳn. Vào năm 2016, trước khi NHSM ra đời, khoảng 30% trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý nằm tại khoa nhi sơ sinh phải dùng đến sữa công thức trong hai ngày đầu. Từ năm 2017 tới nay, gần như 100% trẻ không phải dùng đến sữa công thức trong 2 ngày đầu sau sinh. Hoạt động của NHSM cũng làm thay đổi nhận thức của bà mẹ và cán bộ y tế về tầm quan trọng của sữa mẹ. Tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn tại thời điểm xuất viện ở khoa hậu sản tăng hơn gấp đôi sau gần 1 năm triển khai NHSM, từ 35,1% lên 78,9%.

Tại hội thảo, A&T cũng giới thiệu mô hình dịch vụ ngân hàng sữa mẹ và “Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh” (Mạng lưới NHSM) kết nối các bệnh viện có chăm sóc nhi sơ sinh đặc biệt với NHSM tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Từ Dũ.

Do đặc thù về địa lý cũng như nhu cầu sử dụng sữa mẹ, đặc biệt trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng, việc thành lập mạng lưới là hết sức cần thiết giúp giảm đáng kể số lượng trẻ phải nhập viện điều trị tích cực, giảm chi phí khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng sống cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Cụ thể, ở Việt Nam có thể chỉ cần 2 đến 3 NHSM đầy đủ (bao gồm 3 hợp phần: Sàng lọc và nhận sữa hiến tặng; xử lý, thanh trùng sữa, xét nghiệm; quản lý và sử dụng sữa sau thanh trùng và đạt chuẩn) như đã được xây dựng ở bệnh viện Từ Dũ và Phụ sản Nhi Đà Nẵng.

Các bệnh viện của các tỉnh lân cận sẽ liên kết với các NHSM này để thực hiện hợp phần 1 và 3, trong đó họ gửi sữa thô đến NHSM để xử lý, thanh trùng và xét nghiệm đảm bảo đạt chuẩn, sau đó nhận sữa đã qua xử lý về để cung cấp cho trẻ sơ sinh đủ điều kiện nhận sữa. Mô hình này sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian, nguồn lực đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực và sử dụng tối ưu công suất hiện có của các NHSM đã có ở Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Từ Dũ.

cpjxwylz0h-13098_f_jub1cnee1_1
Sản phẩm truyền thông dành cho các bà mẹ tại hội thảo. Ảnh: Tuấn Khang

Trên cơ sở kết quả triển khai thiết lập và vận hành thí điểm 2 ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng và bệnh viện Từ Dũ, Vụ SKBM-TE đang xây dựng Hướng dẫn quốc gia về thành lập ngân hàng sữa mẹ và cung cấp dịch vụ NHSM, để các đơn vị/địa phương khác căn cứ nhu cầu thực tiễn có thể thiết lập và vận hành NHSM tại địa phương.

Cũng tại hội thảo, Việt Nam được chọn là địa điểm Alive & Thrive cùng với Hiệp hội Ngân hàng sữa mẹ Philippines tổ chức hội thảo đầu tiên về việc thành lập Mạng lưới Ngân hàng sữa mẹ khu vực Đông Nam Á mở rộng. Mạng lưới này sẽ thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm hoạt động và thống nhất các tiêu chuẩn, quy trình hoạt động của NHSM theo chuẩn mực quốc tế. Hội thảo sẽ có sự tham dự của 20 đại biểu đến từ ngân hàng sữa mẹ đến từ 6 quốc gia (Trung Quốc, Myanmar, Philippines, Singapore, Việt Nam, Thái Lan).

Tuấn Khang

Bình luận

ZALO