Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 06/06/2023 10:28 GMT+7

Việt Nam cần gỡ điểm nghẽn visa để đón khách quốc tế

Biên phòng - Theo các chuyên gia du lịch, visa (thị thực) không phải là yếu tố duy nhất nhưng là cánh cửa đầu tiên để khách quốc tế cân nhắc tới Việt Nam du lịch. Vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần quyết liệt mở cánh cửa đầu tiên này để có thể đạt được các mục tiêu đón khách quốc tế trong năm 2023 đã đề ra.

Đoàn khách quốc tế tham quan tại Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Vì sao Việt Nam “đi trước về sau”?

Nhận diện những nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam “đi trước về sau”, đa số chuyên gia du lịch, doanh nghiệp lữ hành đều cho rằng, đang có vướng mắc ở chính sách visa. Bà Trần Nguyện, Phó tổng Giám đốc Khối Sun World, Tập đoàn Sun Group khẳng định: Visa là cánh cửa đầu tiên để có thể đón khách quốc tế đến Việt Nam, nhưng Việt Nam đang bị vướng ở cánh cửa này. Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam là nước đầu tiên mở cửa đón khách quốc tế (ngày 15/3/2022 bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam), tuy nhiên, sau 1 năm đón khách quốc tế, lượng khách đến Việt Nam vẫn còn khá hạn chế.

“Mặt khác, do thời gian lưu trú thông thường ở Việt Nam vẫn chỉ dừng ở khoảng 15 ngày và nhập cảnh một lần. Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thị thực điện tử cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh. Trong khi đó, Thái Lan đã áp dụng việc kéo dài thị thực du lịch lên 45 ngày thay vì 30 ngày và thị thực cấp tại sân bay lên 30 ngày thay vì 15 ngày; Đài Loan (Trung Quốc) áp dụng trở lại chính sách E-visa Quan Hồng hướng đến khách đi tour, đi theo đoàn qua các công ty lữ hành với thủ tục đơn giản, nhanh chóng…” - bà Trần Nguyện dẫn chứng.

Đồng quan điểm với bà Nguyện, Tiến sĩ Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa cao là do khó khăn về visa. Bởi visa là yếu tố rất quan trọng và đầu tiên cần được giải quyết, nhưng vấn đề này đã tồn tại lâu dài nhiều năm qua mà vẫn chưa được giải quyết. Do đó, để tháo gỡ điểm nghẽn này để đón khách quốc tế vào Việt Nam, trước tiên, các cơ quan quản lý cần phải bắt đầu từ nút thắt visa, sau đó là tiếp tục mở thêm nhiều đường bay thẳng từ các nước đến Việt Nam và ngược lại. Chính phủ cũng cần có những cuộc họp lắng nghe và thấu hiểu; các bộ, ngành cần chia sẻ và phải hành động quyết liệt hơn để tháo gỡ cho ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch đã được các sở, ngành, địa phương quan tâm và có kiến nghị nhiều chính sách, giải pháp với Chính phủ. Từ đó, ngành du lịch cũng phục hồi khá nhanh. Tuy nhiên, sự phục hồi này không đồng bộ giữa khách nội địa và quốc tế, chủ yếu là nhờ khách nội địa. Thế nhưng, khách nội địa chi tiêu chỉ bằng khoảng 40-50% so với khách quốc tế. Điều này khiến cho nhà hàng, khách sạn vẫn khó khăn.

Kéo dài thời gian lưu trú

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã có kiến nghị Chính phủ Việt Nam mở rộng danh sách được miễn visa cho tất cả quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và kéo dài thời gian miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày. Theo phân tích các chuyên gia của EuroCham, chính sách của Việt Nam hiện tại khi yêu cầu khách quốc tế phải có visa trước khi khởi hành, visa nhập cảnh hoặc visa điện tử là nghiêm ngặt, cùng với thời gian và chi phí phát sinh từ thủ tục này đang cản trở khách du lịch tự túc từ châu Âu tới - vốn là phân khúc khách hàng chi tiêu cao. Trong khi đó, các nguồn khách này là cần thiết để đa dạng hóa thị trường du lịch trong nước, khi khách Trung Quốc và khách Nga chưa trở lại.

Địa đạo Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh thu hút sự chú ý của du khách nước ngoài. Ảnh: Nguyễn Hoàng

“Cấp visa du lịch 3 tháng cho khách từ châu Âu muốn nghỉ dài, nhất là kỳ nghỉ lễ mùa Đông sẽ giúp thu hút nhiều du khách có mức chi tiêu cao. Visa du lịch dài ngày thường được sử dụng bởi những khách đã nghỉ hưu có kinh phí và thời gian để lưu trú lâu hơn bình thường. Thời gian miễn visa phổ biến ở Việt Nam thường chỉ 15 ngày, vừa hạn chế về thời gian cho du khách, vừa gây khó khăn cho công ty lữ hành trong việc thiết kế tour, trong khi các nước trong khu vực ASEAN đều 30 ngày trở lên” - EuroCham kiến nghị.

Liên quan đến việc kéo dài thời gian lưu trú để thu hút khách, ông Phạm Huy Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết, chính sách visa là một trong những vấn đề đã được cộng đồng doanh nghiệp du lịch và Saigontourist Group kiến nghị nhiều lần. Vì vậy, sau 1 năm mở cửa du lịch, các doanh nghiệp tiếp tục đặt kỳ vọng Chính phủ sớm ban hành thêm những chính sách mới, trong đó có chính sách liên quan đến visa hoặc có thể thí điểm triển khai trong thời gian nhất định nhằm góp phần thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách quốc tế đối với ngành du lịch Việt Nam.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thành phố cũng đã có những đề xuất về tháo gỡ điểm nghẽn về visa. Cụ thể, thành phố đã đề xuất mở rộng các đối tượng miễn visa và kéo dài thời gian lưu trú vì 15 ngày như hiện nay là quá ít. Thứ hai, thành phố đề xuất cấp visa cho du khách được ra vào nhiều lần vì doanh nghiệp du lịch có nhu cầu mở tour liên kết, khách có thể đi lại nhiều lần... Thứ ba, thành phố mong muốn chính sách visa cần ổn định để doanh nghiệp lên kế hoạch dài hạn, tối thiểu là 5 năm thay vì 1-3 năm như hiện nay. Thứ tư, thành phố đề xuất các đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào việc cấp visa, cụ thể là tăng cường áp dụng E-visa nhằm tạo thuận lợi cho du khách khi xin E-visa nhanh chóng nhất.

“Sau khi nhận diện vấn đề visa là nút mở đầu tiên để khuyến khích, tạo động lực cho ngành du lịch phát triển, chúng tôi mong muốn Bộ Công an, Bộ Ngoại giao quan tâm hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ để sớm tháo gỡ vấn đề visa. Đồng thời, chúng tôi cũng mong Chính phủ có giải pháp liên hoàn để đầu tư cho việc phát triển hệ sinh thái du lịch, có những chính sách cụ thể để thúc đẩy ngành du lịch phục hồi nhanh hơn trong thời gian tới” - ông Dương Anh Đức cho biết.

Nguyễn Hoàng

Bình luận

ZALO