Biên phòng - Cách đây hơn 55 năm (ngày 24/6/1967), Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện đầy ý nghĩa này đã ghi dấu trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước. Việt Nam - Campuchia Samaki là tên một bài hát ca ngợi tình đoàn kết, gắn bó keo sơn, đời đời bền vững giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Samaki dịch sang tiếng Việt nghĩa là đoàn kết. Hơn nửa thế kỷ qua, lãnh đạo và nhân dân hai nước luôn khẳng định quyết tâm cùng vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện, gắn bó cùng phát triển, đó chính là tài sản vô giá mà bao thế hệ người Việt Nam - Campuchia đã phải trải nhiều hy sinh, mất mát mới có thể giành được.
Bài 1: “Như hoa một cây, như con một nhà”
Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng gần gũi, núi liền núi, sông liền sông, có mối quan hệ gắn bó, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau từ lâu đời. Trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc trước kia cũng như xây dựng đất nước sau này, hai dân tộc luôn kề vai sát cánh bên nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu.
Dưới cánh rừng Ia Pooc
Cuối năm 2018, nhân dịp sự kiện Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Chương trình “Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất”, Đại tướng Bu Thoong (nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Vương quốc Campuchia) và Đại tá Diệp Xuân Cung (nguyên Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Kon Tum) mới lại có dịp gặp nhau.
Cuộc gặp mặt đầy xúc động này diễn ra tại nhà riêng của Đại tướng Bu Thoong ở thành phố Ban Lung, tỉnh Rattanakiri. Hai người lính già, tuổi đã “tri thiên mệnh”, lúc nói bằng tiếng Việt, lúc chen tiếng Campuchia, lúc sôi nổi, lúc trầm lắng cùng nhau hồi tưởng về một thời trai trẻ, sát cánh bên nhau chống lại kẻ thù chung. Dòng chảy lịch sử như thước phim quay chậm, dần tái hiện trong hồi ức của hai cựu chiến binh…
Năm 1975, để thoát khỏi sự cai trị của Khmer đỏ, ông Bu Thoong cùng nhiều cán bộ và trên 2.000 người ở các tỉnh Đông Bắc Campuchia lánh nạn sang khu vực Sa Thầy, tỉnh Kon Tum của Việt Nam. Ngay sau khi qua tới Việt Nam, ông Bu Thoong đã tìm đến lực lượng Công an nhân dân vũ trang Kon Tum (nay là BĐBP Kon Tum) xin được giúp đỡ. Nhận được tin báo, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP) đã chỉ đạo Công an nhân dân vũ trang Kon Tum tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức tiếp nhận người dân Campuchia, đồng thời giúp đỡ thuốc men, lương thực và ổn định cuộc sống dưới cánh rừng Ia Pooc (thuộc xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum ngày nay). Một tổ công tác đặc biệt gồm 6 người, trong đó có đồng chí Diệp Xuân Cung được thành lập, có nhiệm vụ phối hợp nắm tình hình và giúp đỡ những người lánh nạn.
Đại tá Diệp Xuân Cung nhớ lại: “Cùng với việc giúp các hộ dân Campuchia dựng nhà, nhanh chóng ổn định cuộc sống, khám, chữa bệnh theo yêu cầu của bạn, chúng tôi còn huấn luyện vũ trang, nghiệp vụ cho các thanh niên trong đoàn người lánh nạn để chờ ngày trở về chiến đấu giải phóng quê hương. Sau này, trong số hơn 2.000 người lánh nạn ở Ia Pooc ngày ấy, có hơn 100 người đã trở thành cán bộ nòng cốt của chính quyền cách mạng Campuchia. Điển hình như ông Khăm Len làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia; các ông Xô Keo, Thao Chuông, Bun Lâm và một số người khác làm Hạ nghị sĩ, Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng của 5 tỉnh Đông Bắc Campuchia…
Đại tướng Bu Thoong nay không còn nữa, nhưng câu chuyện về sự giúp đỡ, hỗ trợ chí tình, chí nghĩa của BĐBP Việt Nam và người dân biên giới Kon Tum đối với ông và đoàn người lánh nạn từ Campuchia sang Việt Nam vẫn được người dân hai bên biên giới nhớ mãi. Sự giúp đỡ trong sáng, thủy chung đó chính là nguồn suối mát lành để vun tưới trái ngọt, hoa lành cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân và lực lượng vũ trang hai nước mãi về sau này.
Lập “hàng rào sống” bảo vệ người dân Campuchia
Năm 1976, không chịu được cảnh tàn sát, độc tài của chế độ diệt chủng Pol Pot, hàng ngàn người dân Campuchia đã dắt díu nhau chạy sang Việt Nam nhờ giúp đỡ. Sau khi đất nước Campuchia được giải phóng, rất nhiều người vẫn ở lại Việt Nam, lập làng lập ấp, sống hòa thuận với người dân bản địa. Họ ở lại vì cái nghĩa, cái tình, vì chính tấm lòng và sự cưu mang, giúp đỡ của người dân và BĐBP. Hàng chục, hàng trăm hộ dân đã nhập quốc tịch, coi Việt Nam là quê hương thứ 2 của họ. Chính vì thế nên dọc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, có rất nhiều làng có nguồn gốc là dân Campuchia.
Ở huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, nhiều người biết tới làng Triel, xã Ia Pnôn vì phần lớn người dân ở đây có nguồn gốc từ Campuchia. Già làng Rơ Châm Tromr, sinh năm 1942 nhớ lại, tháng 4/1976, gia đình ông và hơn 100 người dân làng Triel (xã O Gia Tung) và làng Lâm (xã Po Nhay) thuộc huyện Ou Ya Dav, tỉnh Rattanakiri, Campuchia chạy qua Việt Nam. Điểm dừng chân của họ là xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ. Khi chạy qua được Việt Nam, một số người già và trẻ em đã lả đi vì đói và mệt. Lúc đó, mặc dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bà con các dân tộc và chính quyền xã Ia Pnôn đã dang rộng vòng tay đón nhận, chia ngọt sẻ bùi với các hộ dân từ bên Campuchia sang lánh nạn. Với tinh thần tương thân, tương ái “hạt gạo chia đôi, chén cơm nhường nửa”, chính quyền, người dân ở Ia Pnôn và bộ đội đã giúp đỡ, chăm sóc những người bạn mới rất ân cần trong khả năng có thể. “Rất nhiều người còn bắt cả những con gà đang nhảy ổ, lấy cả thóc giống ra giã để nấu cháo cho chúng tôi ăn” - già làng Rơ Châm Tromr xúc động.
Ông Rơ Châm Ét, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ia Pnôn (giai đoạn 1987-1988) nhớ lại: “Hay tin hàng trăm người dân ở 2 xã O Gia Tung và Po Nhay sang Việt Nam lánh nạn, bọn Pol Pot lồng lộn, tìm mọi cách để truy sát. Trong những năm 1976-1978, chúng liên tiếp mở các đợt lùng sục, liều mạng mò sang cả bên đất Việt Nam. Hành động của chúng đã bị bộ đội Việt Nam phát hiện, đánh trả. Để bảo đảm an toàn cho những người dân Campuchia đang lánh nạn, chính quyền và bộ đội Việt Nam đã di dời họ vào sâu trong nội địa, cách chỗ ở trước kia gần chục cây số. Cùng với đó, dọc trên biên giới, một số ngôi làng của người Việt Nam được dựng lên, mục đích là vừa tham gia bảo vệ biên giới, vừa làm lá chắn để bảo vệ cho những người bạn mới…”.
Được chính quyền, dân làng cưu mang, bộ đội bảo vệ nên người dân 2 xã O Gia Tung và Po Nhay đã nhanh chóng ổn định cuộc sống. Từ năm 1980, khi bên kia biên giới đã yên ổn, nhiều người Campuchia đã xin ở lại Việt Nam. Trước nguyện vọng của người dân, chính quyền địa phương đã tham mưu cho cấp trên làm thủ tục để Nhà nước cho họ nhập quốc tịch Việt Nam. Thể theo nguyện vọng của các hộ dân Campuchia, cái tên làng Triel vẫn được giữ lại để đặt cho làng mới thuộc xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ.
Bài 2: Chung dòng sông Mekong
Đăng Bảy