Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 10:25 GMT+7

Việt Nam - Campuchia Samaki (bài 3)

Biên phòng - Thực hiện quan điểm của Đảng ta về xây dựng, phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” và lời dạy của Bác về tư tưởng “lấy dân làm gốc”, ngay từ khi mới thành lập (ngày 3/3/1959), Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP) đã chỉ đạo các đơn vị trên cả nước phát huy sức mạnh toàn dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đây là “kế sách giữ nước” từ sớm, từ xa của BĐBP trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Bài 3: Giữ đất biên cương

Xây“thành lũy lòng dân”

Ở ấp Tân Hòa, xã biên giới Tân Hội, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, có một doi đất nhỏ, khá đặc biệt. Chỉ với 31 hộ dân nhưng ấp nhỏ này lại được nhiều người biết đến vì những cư dân ở đây sống rất gần gũi, hòa thuận với các hộ dân bên kia biên giới. Ranh giới để phân định lãnh thổ giữa nước này và nước kia là cột mốc biên giới số 235(1).

Đại diện chính quyền tỉnh Đắk Nông và tỉnh Mondulkiri (Campuchia) động thổ xây dựng cột mốc biên giới. Ảnh: Văn Hoàn

Ông Huỳnh Văn Dệ (Út Dệ), 68 tuổi, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh ấp Tân Hòa nói: “Có ly cà phê hay xị rượu, con tôm, con cá ngon, chúng tôi vẫn “hú” nhau. Lúc bên này gọi, lúc bên kia mời”… Hỏi chuyện đường biên, mốc giới, ông Dệ tự tin: “Cái này thì tui rành lắm, vì tui ở đây từ bé mà. Lúc hai bên cử đoàn đi khảo sát rồi đàm phán để dựng cột mốc, tôi đều được mời tham gia với tư cách người địa phương kiêm phiên dịch. Tui còn có 7 năm gắn bó, chạy xuồng đưa mấy chú Biên phòng đi tuần tra biên giới nữa… Hình lá cờ gắn trên cột mốc đó, chỉ về hướng nào là đường biên giới chạy theo hướng đó đó”. Hỏi sao ông rành vậy, ông cười rổn rảng: “Thì nghe mấy chú Biên phòng nói hoài nên biết thôi, người dân ở đây ai cũng hiểu như vậy mà…”.

Tôi đứng chưa ấm chân ở cột mốc số 235 (1) thì ông K Rét và vợ tên là Ziên (63 tuổi, ngụ bên ấp Pou Thmei, xã Kao Sampov, huyện Ream Chor, tỉnh Pray Veng, Campuchia) - hàng xóm của ông Út Dệ, cũng sang góp chuyện. Ông Út Dệ giới thiệu: “Bà này tuy là người Campuchia nhưng ngày nào cũng ra quét dọn cột mốc đó nha”. Bà Ziên xác nhận bằng tiếng Việt Nam: “Tui quét từ khi cột mốc này mới được khánh thành (năm 2009) cho tới nay”. Hỏi có ai nhờ bà làm không, bà Ziên nói, không có ai nhờ, mình ở gần thì mình quét dọn luôn thôi. Cột mốc quốc gia là của chung mà, mình phải có ý thức giữ gìn chứ.

Cùng với Đồng Tháp, những năm qua, trong quá trình quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, hiện nay, ở 133 xã, phường, thị trấn thuộc 36 huyện, thị xã, thành phố biên giới giáp với Campuchia đã xuất hiện nhiều mô hình quần chúng tự quản đường biên, mốc quốc giới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: “Tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới”; “Tổ tự quản an ninh, trật tự thôn, bản”; “Già làng, trưởng bản gương mẫu”; “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”... Qua đó, đã có hàng ngàn tổ và hàng chục ngàn cá nhân đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc quốc giới.

Am hiểu về từng tấc đất, từng khúc sông, từng đường ngang ngõ tắt, người dân biên giới chính là “tai mắt”, là những “cột mốc sống” đầu tiên trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ biên giới. Bằng tình yêu quê hương, đất nước, những người dân ấy từ đời này qua đời khác bám trụ trên biên giới, âm thầm, sát cánh cùng BĐBP chăm sóc, bảo vệ đường biên, cột mốc…

Nhiều nỗ lực trong phân giới, cắm mốc trên biên giới

Bình Phước có đường biên giới dài hơn 260km, trải dài theo địa giới hành chính 15 xã. Sau 12 năm triển khai nhiệm vụ phân giới, cắm mốc (PGCM), với nhiều nỗ lực, quyết tâm, đến năm 2018, Bình Phước là tỉnh đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia hoàn thành việc PGCM (28 cột mốc chính) và 173 cột mốc phụ.

Theo Đại tá Bùi Minh Soái, Chỉ huy trưởng BĐBP Bình Phước, quá trình PGCM gặp rất nhiều khó khăn do địa hình, địa vật đã thay đổi rất nhiều. Nội dung bản đồ không có cơ sở nhận biết ngoài thực địa. Địa hình nơi đường biên giới đa dạng (núi, rừng, sông suối xen lẫn khu dân cư). Việc xây dựng cột mốc cũng gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, xa dân cư, rừng rậm, sông, suối, đồi núi nên việc vận chuyển và tập kết vật liệu khó khăn.

Ông Út Dệ (ngoài cùng, bên phải) sang thăm, trò chuyện với người dân Campuchia. Ảnh: Đăng Bảy

Trung tá Phạm Văn Chỉnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bù Đốp, BĐBP Bình Phước (người đã có gần 10 năm gắn bó với Đội PGCM) nói: “Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình PGCM. Đó là thời tiết khắc nghiệt, địa hình phức tạp, hiểm trở, nhất là vào mùa mưa. Nhiều người tham gia PGCM bị rắn cắn, bị té ngã, có một số bạn Campuchia còn bị nước lũ cuốn trôi, may mà anh em cứu vớt kịp”. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng nên Trung tá Chỉnh và anh em trong đội PGCM vẫn quyết tâm, vượt qua gian khó hoàn thành nhiệm vụ được giao. “Trong quá trình triển khai song phương, cần làm tốt việc đàm phán và tranh thủ sự đồng thuận của lãnh đạo các tỉnh giáp biên, không ngừng củng cố, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa chính quyền và lực lượng vũ trang của nước bạn” - Đại tá Bùi Minh Soái chia sẻ.

Với đường biên giới dài khoảng 240km, tiếp giáp với 3 tỉnh là Svay Rieng, Prey Veng và Tboung Khmum thuộc Vương quốc Campuchia, Tây Ninh là tỉnh đầu tiên trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia tiến hành công tác PGCM. Ngày 27/9/2006, cột mốc 171 tại cặp cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Ba Vét được Chính phủ hai bên tổ chức khánh thành.

Theo Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng BĐBP Tây Ninh: Số mốc chính trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chiếm gần 1/3 số mốc chính của toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Để hoàn thành tiến độ, Tây Ninh đã thành lập 2 đội PGMC, làm việc với tinh thần cao nhất. Đến nay, tỉnh Tây Ninh đã triển khai xây dựng, hoàn thành 102/109 cột mốc chính (đạt 93,57%) và 370/370 cột mốc phụ, 109/109 cọc dấu. “Để có được kết quả này, chúng tôi đã làm tốt công tác đối ngoại, đẩy mạnh tuyên truyền để chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia hiểu và ủng hộ” - Đại tá Lê Hồng Vương chia sẻ.

Những kết quả trong công tác PGCM mà Bình Phước, Tây Ninh nói riêng và 10 tỉnh trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đã đạt được trong gần 20 năm qua đã góp phần thúc đẩy việc hoàn thiện, ký kết Nghị định thư, ghi nhận 84% khối lượng công tác PGCM trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia và Hiệp ước bổ sung được Thủ tướng Chính phủ hai nước Việt Nam và Campuchia ký kết tại Hà Nội vào ngày 5/10/2019.

Bài 4: Chung tay quản lý, bảo vệ biên giới

Đăng Bảy

Bình luận

ZALO