Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:14 GMT+7

Viết ca khúc từ trái tim yêu thương

Biên phòng - Sau khi được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải B ca khúc “Hành trình tuổi trẻ” trong khuôn khổ cuộc thi sáng tác ca khúc về Đại hội Đoàn lần thứ XII (tổ chức vào ngày 22/6/2022), Trung úy Bùi Huy Toàn đã có thêm nguồn cảm hứng để tiếp tục viết thêm nhiều ca khúc về người lính quân hàm xanh.

Trung úy Bùi Huy Toàn với cây đàn ghi ta và niềm say mê sáng tác ca khúc về người lính. Ảnh: Văn Chương

Ngồi trên boong chiếc tàu Grif mang số hiệu BP 27-01-02 sơn màu xám nhà binh nhìn ra phía biển, Trung úy Bùi Huy Toàn, cán bộ Hải đoàn 18 BĐBP (đóng quân tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) gẩy nhẹ phím cây đàn ghi ta để khớp với nhịp điệu vừa viết ra trang giấy. Người lính trẻ, quê ở huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng dừng tay và chia sẻ về bài hát đã kết nối các bạn trẻ với nhau.

Toàn kể, đã mấy lần biểu diễn bài này tại các chi đoàn kết nghĩa tại địa bàn đóng quân như: Đoàn phường 12, thành phố Vũng Tàu, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, các đoàn viên, thanh niên trẻ và những người lính quân hàm xanh vừa ngồi bên nhau, nắm tay, lòng rộn ràng khi khán phòng vang lên tiếng hát.

Bài hát “Hành trình tuổi trẻ” do Trung úy Toàn sáng tác pha trộn giữa điệu disco và ballad, có tone thấp, nên ai cũng có thể dễ dàng bắt nhịp và lợi thế với những người có giọng trầm. Người hát lấy hơi sâu từ lồng ngực nên lời bài hát phát ra là cả khán phòng trở nên ấm áp, nhưng cũng lan tỏa nguồn sinh lực của tuổi trẻ.

Vào đoạn đầu bài hát được viết ở giọng rê trưởng: “cùng nhiệt huyết trong trái tim… hồng/Tuổi trẻ đi… và gieo hy vọng”. Ở đoạn điệp khúc được nâng thành cung si thứ: “xua đi hết, nỗi đau, con người/ Và điểm tô trên môi… thêm những nụ cười”.

Từ “xua đi hết nỗi đau” được chính người bạn đời của Trung úy Toàn là cô giáo mầm non Nguyễn Tú Minh Tâm góp ý. Và câu chuyện sáng tác bài hát này cũng được Toàn lấy nguồn cảm hứng từ người vợ, quê gốc Ninh Bình. Toàn kể rằng, dấu ấn mà người bạn đời thường kể là lần đồng hành cùng Đoàn Thanh niên đi khắp 3 miền để tham gia, kêu gọi phong trào hiến máu tình nguyện. Hình ảnh và câu chuyện vì cộng đồng tốt đẹp đó đã kết nối 2 người gắn bó với nhau, đồng thời nhen lên trong trái tim người lính những giai điệu du dương, chờ đến khi được viết ra thành lời.

Việc nhận được giải thưởng âm nhạc của Trung úy Toàn không phải tình cờ, mà đó là một quá trình từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường ở Hải Phòng. Toàn kể, năm cấp 3 đã đạt giải Vàng tiếng hát thành phố Hải Phòng dành cho thanh thiếu niên. Niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ đã lấn át tất cả và Toàn định lựa chọn con đường ca hát. Nhưng lần nào cũng vậy, bố Toàn là ông Bùi Văn Huy luôn nheo mắt nhìn cậu con trai có dáng mảnh khảnh, rồi nói giọng rất cứng rắn: “Con phải đi bộ đội và chọn con đường binh nghiệp, làm người đàn ông là phải mạnh mẽ”.

Ông bố không ngớt nhắc nhở khi thấy cậu con trai đi theo một nhóm nhạc trẻ do ông bác ruột dẫn dắt. Tâm hồn của Toàn có sự hòa điệu mạnh mẽ với âm nhạc, vì cứ nghe tiếng nhạc là cậu học trò lại cảm thấy say lòng, vương vấn mãi không nguôi.

Thời còn đi học, bài hát “Dòng máu Lạc Hồng” được cậu học trò biểu diễn khá thành công, nên cậu đã nhiều lần hát tại các điểm ca nhạc. Bài hát có giọng cao, người hát phải thể hiện sự máu lửa, nhiệt thành trong tình yêu đất nước, mỗi lần cậu học sinh cất giọng “Dòng máu Lạc Hồng, bốn nghìn năm/ Dòng máu đỏ tươi, chảy trong tim mình”, người bác lại cảm thấu được nỗi lòng yêu âm nhạc sâu thẳm của người cháu nên dốc sức truyền nghề.

Học hết cấp 3, Toàn đứng giữa ngã ba đường của sự lựa chọn - “theo nguyện vọng của bố hoặc niềm đam mê ca nhạc của chính mình?”. Cuối cùng, Toàn đã chiều lòng bố và thi vào Học viện Hải quân ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào năm 2013. Đến năm 2018, Toàn ra trường và được điều động về công tác tại Hải đoàn 18 BĐBP, đóng quân tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ thành phố biển Hải Phòng, giờ vào phố biển Bà Rịa-Vũng Tàu ở tận phương Nam, bắt đầu những ngày sống xa gia đình, Toàn nhủ thầm về việc “con đã thực hiện đúng yêu cầu của bố và bây giờ đi tìm niềm yêu thích của con”.

Cứ vào ngày nghỉ, Toàn lại tìm đến giao lưu với các nhóm nhạc ở thành phố Vũng Tàu để “âm nhạc ngấm sâu hơn”. Vậy rồi, khi nghe Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động sáng tác ca khúc về Đại hội Đoàn lần thứ XII, những dòng suối cảm hứng trong tâm tưởng của Toàn lập tức hội tụ như một con sông lớn để Toàn viết ra thành lời ngay trên boong tàu.

Có những đồng đội chia sẻ thêm niềm cảm hứng cho Toàn là Trung tá Bùi Văn Sỹ, Phó Chính ủy Hải đoàn 18 BĐBP và Đại tá Triệu Quang Thể, Chính ủy Hải đoàn 18 BĐBP. Cả 2 người chỉ huy đều là những người lính chơi ghi ta, yêu ca hát, luôn động viên Toàn “cố gắng sáng tác được ca khúc hay”.

Sau khi được Ban tổ chức trao giải tại Hà Nội, Trung úy Toàn được lãnh đạo đơn vị gợi ý đề tài sáng tác ca khúc về Hải đoàn 18 BĐBP và đẩy mạnh chương trình ca hát tại đơn vị. Vậy là, cứ vào những ngày cuối tuần, hội trường của đơn vị lại vang lên tiếng đàn ghi ta, tiếng cười nói rộn ràng của nhiều đoàn viên, thanh niên Hải đoàn 18 BĐBP và đơn vị kết nghĩa. Niềm cảm hứng ca nhạc đang cao trào, nên chỉ huy Hải đoàn 18 BĐBP đã có chủ trương thành lập Câu lạc bộ âm nhạc và sẽ ra mắt vào đầu tháng 11 để góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bộ đội.

Ngồi cạnh con tàu đang thả neo, tay buông nhẹ phím đàn, Trung úy Toàn chia sẻ, những trải nghiệm trong quân đội sẽ cho mình suy nghĩ sâu hơn, hiểu thêm ý nghĩa của cuộc sống để viết ra những ca từ mang đầy hơi thở cuộc sống, tiếp thêm sinh lực cho tuổi trẻ và lan tỏa tình yêu thương con người.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO