Biên phòng - Ngang qua xã Krong Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, có một khu vực lăng mộ hoang hóa, cỏ gai mọc lúc đầu người. Khách du lịch trên hành trình đi vào Trung tâm Du lịch Buôn Đôn đều qua đây, nhưng ít người dám dừng lại thăm viếng vì e ngại khác biệt về văn hóa.
Mộ của vua voi, tức là mộ dũng sĩ thuần voi được cộng đồng người dân tộc Mnông rất vị nể, kính trọng. Người Mnông cũng là một trong những dân tộc cư trú lâu đời nhất trên mảnh đất Tây Nguyên. Khác biệt lớn nhất với các dân tộc khác là họ có quan hệ tinh thần với rừng và có nghề thuần dưỡng voi rừng. Nhiều thế hệ người Mnông theo sự truyền thụ tự nhiên nối tiếp bí thuật săn voi, thuần voi để làm phương tiện vận chuyển, phục vụ vận tải, sản xuất và gần nhất là để làm dịch vụ du lịch, cho khách du lịch cưỡi voi, chụp ảnh với voi lấy tiền.
Ông Ma Kiên, một người họ hàng, hậu duệ của vua voi Ama Kông, người cuối cùng ở Buôn Đôn được xưng tụng là vua voi nói ngôi mộ của Ama Kông đã bỏ mả, cho nên con cháu của ông không được phép lui tới phần mộ. Đó là tục lệ lý giải vì sao ngôi mộ được xây cất, sơn phết và trang trí nhiều đồ thờ tự như một lăng mộ lại bỏ hoang không có dấu hiệu được chăm sóc.
Ông Ama Kông, thọ 103 tuổi, mất năm 2012 và hiện là biểu tượng chân thực nhất của nghề thuần dưỡng voi rừng với hào quang đã đi vào quá khứ. Ở Tây Nguyên, chỉ có những người tổ chức cuộc săn và bắt được nhiều voi rừng mới được xưng tụng là vua voi. Ama Kông cả đời bắt được 298 con voi hoang. Cuộc săn cuối cùng vào năm 1996, ông bắt cả thảy 7 con voi rừng và giải nghệ từ đó vì lệnh cấm săn voi. Con cháu của ông (gồm con của các bà vợ và những người họ hàng) phần lớn không có liên quan và không hiểu biết gì về nghề săn voi. Có người thừa hưởng và phát triển bài thuốc dân gian từ cây rừng của Ama Kông nhưng cũng không còn đặc sắc như thời ông còn sống.
Có thể nói, dân tộc Mnông gắn bó mật thiết với thuật săn voi đã trở thành nét văn hóa mang tính tinh thần. Hiện nay, muốn chạm tới nét văn hóa này, chỉ có thể tìm hiểu qua ngôi mộ Ama Kông, vật thể văn hóa còn hiện diện ở Buôn Đôn.
Ngôi mộ của Ama Kông thoạt nhìn được sơn phủ màu xanh lông công. Đây là màu sắc biểu tượng của thủ lĩnh rừng xanh, của người đứng đầu, người dẫn dắt. Bên ngoài mộ trang trí những con công gỗ được điêu khắc bằng nghệ thuật đẽo tượng nhà mồ. Tức là những bức tượng được đẽo bằng rìu thủ công sao cho vết rìu sắc tạo hình xù xì ấn tượng chứ không dùng máy mài và xoa bóng, mịn, kỹ như tượng hiện đại. Con công trong đời sống người Mnông là thể hiện của quyền lực, giàu sang.
Khi còn sống họ biếu tặng những người cao quý bộ lông chim công để trưng trong nhà, trên bàn thờ tổ tiên. Khi chết, tượng chim công ngồi trên ngà voi được tạc sau lễ bỏ mả, để ngay mặt chính của ngôi mộ để chim công chỉ lối cho hồn dứt nợ trần gian về với tổ tiên. Đây cũng là biểu tượng rất dễ nhận ra ngôi mộ của một người có uy tín với dân địa phương, được cộng đồng kính trọng.
Khi cúng lễ bỏ mả, những con vật tế như gà lợn phải được cắt tiết tại phần mộ và máu của chúng dùng để đánh dấu trên các bức tượng. Ý nói những cái gì thuộc về người chết thì vĩnh viễn tuyệt giao với dương gian, không còn vương vấn nữa, tâm hồn được thanh sạch và về với tổ tiên, thoát thai kiếp khác theo quan niệm của người Mnông.
Khi chúng tôi lại gần ngôi mộ vua voi Ama Kông, hầu như toàn bộ đồ tế lễ và tượng nhà mồ của ngôi mộ đặc biệt này vẫn còn nguyên dù ông mất đã gần một thập kỷ. Khác với những ngôi mộ xung quanh, mộ Ama Kông được trang trí thêm tượng voi. Vào buổi sáng, trưa, chiều tối, bóng những bức tượng voi án ngữ các cửa của tháp chính ngôi mộ như một bùa yểm bảo vệ ngôi mộ.
Khách du lịch được khuyến cáo giữ khoảng cách với ngôi mộ để không làm kinh động đến người đã khuất. Tuy vậy, chị Thúy Nga, hướng dẫn viên của Trung tâm Du lịch Buôn Đôn nói với chúng tôi: Khách du lịch có nhu cầu đi thăm viếng mộ Ama Kông rất nhiều vì tiếng tăm nghe nói đã lâu về vị “vua không ngai” này. Tuy nhiên đến tận nơi thì có quá nhiều lớp văn hóa bí hiểm và linh thiêng bao tỏa ngôi mộ. Đó cũng là một phần đời sống văn hóa bình thường của đồng bào Mnông.
Hào quang của nghề thuần dưỡng voi rừng cũng như khao khát chinh phục tự nhiên, tâm hồn hào sảng của con người sống trên dãy Trường Sơn đều thể hiện rất rõ qua nghề săn voi của dân tộc Mnông. Hiện nay, vốn văn hóa về đời sống của vua voi Ama Kông, bài thuốc của ông, ngôi nhà trước đây mà ông đã ở cùng với ngôi mộ đồ sộ như lăng tẩm của ông vẫn được du khách ưu ái thăm viếng thường xuyên. Điều đáng nói là giá trị đích thực của văn hóa Mnông dường như được truyền đi một cách méo mó qua việc khai thác du lịch.
Một số địa phương có người Mnông cư trú hiện nay như Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum đều phục dựng lại các lễ cúng voi, lễ voi nhập buôn nhằm mục đích thu hút du khách, phục dựng lại văn hóa gốc. Nhưng nghề bắt voi rừng không còn nữa, không có con voi nào từ rừng về nhập buôn làm bạn với người nữa thì phục dựng lại nghi lễ này dường như là điều vô nghĩa.
Ngoài việc khai thác voi nhà cho du lịch cưỡi voi được tiết chế dần để tiến tới bỏ hẳn, các dịch vụ du lịch liên quan đến voi Tây Nguyên hiện nay không diễn ra tự nhiên như đời sống người Mnông. Việc buôn bán đồ lưu niệm làm giả từ ngà voi, lông đuôi voi, cà phê voi... cũng đều là những việc làm chệch đi bản sắc văn hóa của người Mnông.
Vì vậy, viếng mộ vua voi vốn là thực thể đời sống văn hóa tích hợp trong đó những câu chuyện săn voi rừng, nghệ thuật điêu khắc tượng nhà mồ, tục bỏ mả, ý niệm về sự sống và cái chết của người Mnông là một hành trình trải nghiệm thú vị.
Thúy Hằng