Biên phòng - Xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng có 74% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thời gian qua, Viên Bình thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, người dân được tham gia vay vốn ưu đãi từ những chương trình, dự án của Chính phủ, từ đó phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở từng phum, sóc. Đời sống của đồng bào dân tộc Khmer từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc.

Ông Nguyễn Văn Tánh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Viên Bình cho biết: Là xã thuần nông, vùng đồng bào dân tộc, điều kiện kinh tế ở Viên Bình còn nhiều khó khăn. Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã chỉ đạt 7/19 tiêu chí. Nhưng nhờ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con, với cách làm phù hợp, lồng ghép chương trình mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội với các chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, dạy nghề và giải quyết việc làm, xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp điện, nước sinh hoạt... nên đời sống vật chất vùng đồng bào dân tộc ngày càng được nâng cao.
Trong những năm qua, Viên Bình đã thực hiện được 22 công trình cơ sở hạ tầng, với kinh phí trên 45 tỉ đồng (trong đó, nhân dân đóng góp trên 3 tỉ đồng). Người dân địa phương còn hiến đất xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn, trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia...
“Đến nay, Viên Bình đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; có trên 96% hộ dân tộc Khmer có điện lưới quốc gia, nước sạch sinh hoạt; hộ nghèo giảm xuống còn 100 hộ (chiếm 3,97%), giảm 23,46% so với năm 2011; thu nhập bình quân đầu người đạt 37 triệu đồng/người/năm. Xã có 14 sân thể thao (bi sắt, bóng đá, bóng chuyền), đời sống văn hóa ngày càng được nâng cao; trong đó, 93,7% hộ gia đình trong xã đạt danh hiệu Gia đình văn hóa” – ông Tánh chia sẻ.
Ông Tăng Suôl ở ấp Lao Dên (xã Viên Bình), người thoát nghèo thành công nhờ vốn vay xóa đói, giảm nghèo do địa phương hỗ trợ kể: Trước kia, khi Chương trình 135 chưa “phủ sóng”, cuộc sống của cộng đồng người Khmer ở đây rất cơ cực. Bà con nơi đây quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” theo từng mùa lúa, trồng màu, nhưng cuộc sống vẫn khổ, vẫn khó khăn; nhiều người phải rời bỏ quê hương để tìm kế mưu sinh. “Sau khi “cơn gió lành” mang tên Chương trình 135 thổi vào những vùng dân tộc thiểu số nghèo khó của xã Viên Bình, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi nội đồng được cải thiện, cùng với sự vận động của chính quyền địa phương, vốn xóa nghèo của Nhà nước, đồng bào Khmer ở ấp Trà Ông đã bắt tay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thêm thu nhập” – ông Suôl nói.
Chúng tôi đến ấp Trà Ông (xã Viên Bình), nơi có 100% đồng bào Khmer sinh sống, mới thấy được sự đổi mới của vùng quê này. Trà Ông bây giờ có đường bê tông thẳng tắp, thuận tiện cho nhân dân đi lại, những cột điện kéo đến từng nhà để thắp sáng, nước sạch đã đến từng hộ dân.
Anh Thạch Sỏi, ở ấp Trà Ông cho biết: “Từ một hộ nghèo, chỉ có một công đất (1.000m2), sau nhiều năm phấn đấu, được hỗ trợ vốn vay làm kinh tế, nay tôi đã trở thành hộ khá của ấp”. Không chỉ làm giàu cho mình, anh Thạch Sỏi còn chia sẻ cách làm giàu cho bà con Khmer trong ấp và tích cực tham gia vận động bà con đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Ông Kim Rông, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Nhân dân ấp Trà Ông cho biết: Trà Ông đổi mới, tiến bộ như ngày hôm nay đều nhờ vào chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc. Đặc biệt, tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo để phát triển kinh tế, giao cho các đảng viên giám sát, hướng dẫn bà con sản xuất, tuyên truyền bà con áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Nhờ vậy, bà con nắm bắt nhanh khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhất là trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản có giá trị, chăn nuôi bò sữa, bò sind, trồng màu... đạt hiệu quả kinh tế cao.
“Hiện trong ấp, hộ nghèo chỉ còn 4,2%, hộ cận nghèo còn 3,6%. Ấp có 4 sân bi sắt, bóng đá, bóng chuyền để người dân tham gia hoạt động thể thao, 97,5% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa... Cuộc sống của cộng đồng người Khmer ngày càng khởi sắc. Thành quả ấy đều bắt nguồn từ chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm giúp đỡ đồng bào dân tộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân” – ông Kim Rông khoe.
Xã Viên Bình với những đổi thay như hôm nay đã minh chứng cho sự quan tâm, chăm lo của Ðảng và Nhà nước đối với đồng bào Khmer. Ở chiều ngược lại, đồng bào Khmer đã cùng chung tay góp sức với chính quyền xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng phát triển, theo đúng mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phương Nghi