Biên phòng - Sáng 5-6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân, QH tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà. Đã có 47 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó có nhiều câu hỏi liên quan đến việc xả thải của nhà máy luyện thép Formosa, vấn đề nhập khẩu rác thải công nghiệp...

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) nêu vấn đề: Vấn đề kiểm soát chặt chẽ các công nghệ, hệ thống xử lý nước thải, chất thải, nhận được sự quan tâm rất lớn của nhân dân, đặc biệt vấn đề xử lý sự cố môi trường đạt hiệu quả rất tích cực. Hiện nay, Formosa tiếp tục vận hành lò cao số 2, Bộ trưởng có tin tưởng và đảm bảo hoạt động của Formosa không gây ra sự cố môi trường tái diễn như năm 2016?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, Formosa đã thay đổi hoàn toàn phương pháp quản lý nước thải và quy trình xả thải. Sau khi xảy ra sự cố năm 2016, Chính phủ, Bộ TN&MT đã yêu cầu doanh nghiệp này đầu tư công nghệ sản xuất, bổ sung công nghệ xử lý môi trường với công suất lớn hơn và đã thực hiện 3 bước để phòng ngừa sự cố tại nơi sản xuất, trong nhà máy và ngoài phạm vi nhà máy. Đặc biệt, nước từ hồ sinh học, hoàn toàn có thể tái sử dụng. Bộ TN&MT cũng đã đầu tư công nghệ giám sát, kiểm soát môi trường trực tuyến. “Với cách làm chặt chẽ, từ khâu xem xét đánh giá công nghệ, đến giám sát, kiểm tra như hiện nay, sẽ không thể xảy ra sự cố môi trường” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Đối với việc nhập khẩu rác thải công nghiệp, phế liệu tái chế gây ô nhiễm môi trường, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nêu dẫn chứng: Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, có thời điểm trong 3 tháng, Việt Nam nhập khẩu hơn 1 triệu tấn sắt phế liệu, nếu tái diễn tình trạng này, không khéo nước ta sẽ trở thành bãi rác công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều địa phương xây dựng nhà máy chế biến sắt thép từ phế liệu gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong quân chúng nhân dân. "Để đảm bảo môi trường, Bộ trưởng có hướng xử lý vần đề này thế nào?" - đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy chất vấn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời: Trong bối cảnh Việt Nam đã đầu tư xây dựng một số nhà máy sản xuất, luyện sắt thép từ phế liệu, việc dừng nhập khẩu sắt, thép phế liệu cần có lộ trình, bởi luyện thép phế liệu không ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, các nhà máy đặt không đúng vị trí, tập trung vào khu vực đông dân cư, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do đó, cần bố trí lại phù hợp các nhà máy, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân.
Danh Anh