Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Việc làm bền vững cho thanh niên

Biên phòng - Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã ở mức 5,35%, gấp 2,3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung năm 2020 và tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm 2021. Những con số vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra về thực trạng việc làm cho lao động thanh niên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thực sự rất đáng lo ngại.

Đào tạo nghề sẽ giúp thanh niên có việc làm ổn định. Ảnh: Sơn Hà

Cả nước hiện có khoảng 170.000 lao động thanh niên bị mất việc làm (chiếm 10,7% lực lượng lao động thanh niên); 525.000 người bị tạm ngưng công việc (chiếm 33%); 721.000 người bị cắt giảm giờ làm (chiếm 45,3%); có 1,2 triệu người bị thay đổi thu nhập (chiếm 74,5%)...

Cũng chính trong bối cảnh đại dịch, một vấn đề không mới nhưng đã được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết, là chất lượng lao động thanh niên còn thấp. Thống kê mới nhất cho thấy, trên 70% lực lượng lao động thanh niên chưa qua đào tạo, không có bằng cấp, không chứng chỉ. Phần lớn bạn trẻ hiện đang làm các công việc có thu nhập thấp, các điều kiện làm việc nghèo nàn và rất ít cơ hội được đào tạo.

Theo các chuyên gia, đây là nguyên nhân gốc rễ cản trở thanh niên nâng cao trình độ kỹ năng, có cơ hội việc làm bền vững, có thể chuyển từ lao động khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức.

Trong xu thế hiện nay, nếu không trang bị kỹ năng số, không tham gia đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp thì lực lượng lao động thanh niên sẽ khó chủ động tham gia, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao giai đoạn sắp tới.

Do vậy, việc hỗ trợ đào tạo, chuẩn bị các điều kiện về chất lượng lao động thanh niên càng trở nên cấp bách hơn khi sự thiếu hụt nguồn cung lao động ở các tỉnh, thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hiện hữu. Nếu không chủ động kết nối, hỗ trợ lao động thanh niên, chúng ta sẽ thiếu đi nguồn nhân lực quan trọng để phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Tuy nhiên, phản ánh từ nhiều doanh nghiệp cho thấy các chính sách liên quan đào tạo nghề cho người lao động chưa sát với nhu cầu thực tế. Từ khi thực hiện Luật Việc làm năm 2013 đến nay, chỉ có số ít doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký nhận hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động. Nguyên nhân vì các điều kiện tiếp cận quá khắt khe, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng và không quá 6 tháng là quá thấp, nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư cơ sở vật chất đào tạo nghề để không bị giảm doanh thu, lợi nhuận.

Mặt khác, về phía người lao động, khi đang thất nghiệp, họ chỉ muốn tìm việc ngay để có tiền trang trải cuộc sống nên không mặn mà với việc học nghề mới.

Để cải thiện tình trạng thất nghiệp trong lao động thanh niên, trước hết, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 của Chính phủ. Theo đó, trong khoảng 1 triệu người lao động dự kiến được hỗ trợ với tổng số tiền là 4.500 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, các cơ quan triển khai cần chú trọng, ưu tiên cho đối tượng lao động thanh niên.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng phương án và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới.

Đồng thời, hệ thống dịch vụ việc làm, trung tâm dạy nghề của địa phương và Đoàn thanh niên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tìm kiếm giải pháp thu hút thanh niên và lao động trẻ, nhất là những người đang thất nghiệp vì đại dịch tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng.

Các cơ quan chức năng cũng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về hỗ trợ đào tạo nghề, tăng mức hỗ trợ dạy nghề; tiếp tục hoàn thiện thể chế và phát triển thị trường lao động có khả năng kết nối cung - cầu lao động mở ra cơ hội cho lao động thanh niên sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi môi trường làm việc.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO