Biên phòng - Ngày 29-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020. Phát biểu thảo luận một số đại biểu đồng tình với nhận định của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đó là Chính phủ chưa đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 26/QH14 đặt ra, nhiều chương trình, mục tiêu kéo dài thời gian thực hiện sang giai đoạn sau; tỷ lệ giao vốn, việc phê duyệt chậm… Cụ thể hai Chương trình mục tiêu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện không đạt hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho biết, năm 2017, cử tri cả nước, đặc biệt là cử tri khu vực ĐBSCL rất vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi khảo sát khu vực sông Hậu, vùng sạt lở ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và chủ trì Hội nghị Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 ngày 17-11-2017 về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 120 còn rất chậm.
Cụ thể là sau một năm triển khai Nghị quyết, các bộ, ngành liên quan vẫn chưa tham mưu trình Chính phủ ban hành được chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết. Tại Quyết định 1670 ngày 31-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, vốn ngân sách Trung ương thực hiện cho Chương trình này là 15.866 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 15.470 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 396 tỷ đồng.
“Mặc dù thời gian triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 đã muộn, nhưng mới đây Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao vốn đầu tư triển khai thực hiện các dự án. Như vậy, từ khi có chủ trương, đến khi được giao vốn là 3 năm, liệu trong vòng 2 năm nữa việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình có thể hoàn thành được không? Có đảm bảo tiến độ và chất lượng không?” - Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đặt câu hỏi.
Trước thực trạng biến đổi khí hậu gây sạt lở ở ĐBSCL, nước biển dâng… Đại biểu Long An đề nghị, Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn chỉnh chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Trong thời gian qua, chúng ta đã huy động được nhiều nguồn hỗ trợ ODA để ứng phó với biển đổi khí hậu. Tuy nhiên, nguồn lực huy động được chủ yếu hòa chung vào ngân sách để triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo xây dựng hệ thống tiêu chí phân loại về các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và dần hình thành mục chi riêng cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trong mục lục ngân sách sự nghiệp. Vì theo báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, vào những năm tới Việt Nam là một những quốc gia chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu nên việc đầu tư kinh phí cho biến đổi khí hậu có kế hoạch là rất cần thiết” - Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cùng đồng tình với đại biểu Long An, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, việc bố trí nguồn vốn đầu tư giữa các công trình, dự án còn cục bộ, đứt đoạn, chưa tạo ra sự liên thông trong liên kết vùng. Điển hình là các dự án giao thông ở khu vực ĐBSCL.
“Đầu tư các công trình giao thông ở ĐBSCL, việc bố trí về đầu tư chưa tạo ra điểm nhấn để phát triển kinh tế - xã hội, chưa giải quyết được bài toán lưu thông của vùng, hiệu quả đầu tư của mỗi dự án chưa kết nối để làm nhân tố thúc đẩy kinh tế vùng phát triển” - Đại biểu cho biết.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, hiện tại Quốc lộ 30 và cầu Cao Lãnh đã đi vào hoạt động, cầu Vàm Cống sắp hoàn thành nhưng đường kết nối từ biên giới Việt Nam - Campuchia thông qua dự án đường vành đai ven biển, đoạn Rạch Sỏi - Lộ Tẻ gắn với cầu Vàm Cống chưa được đầu tư, đoạn từ cầu Cao Lãnh đến Quốc lộ 1A cũng gián đoạn. Như vậy, hiệu quả đầu tư của Quốc lộ 30 và cầu Cao Lãnh chỉ giải quyết được cục bộ.
“Đề nguồn vốn đầu tư cho ĐBSCL thực sự hiệu quả, tạo ra động lực kinh tế phát triển của vùng, kiến nghị Chính phủ sớm đưa vào đầu tư các đoạn đường như trên để giao thông trở thành huyết mạch kết nối, mở đường phát triển kinh tế của vùng ĐBSCL, bắt nhịp cùng đà phát triển chung của cả nước” - Đại biểu Kiên Giang đề nghị.
Viết Hà