Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 12:05 GMT+7

Vị tướng “trí - dũng - nhân - tín - liêm - trung”

Biên phòng - Ngày 7/2/2020, tại lễ trao Huy hiệu 80 tuổi Đảng cho Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Đại tướng Ngô Xuân Lịch (thời điểm đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) nhấn mạnh: “Đại tướng Nguyễn Quyết là nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội. Ở đồng chí hội tụ đầy đủ nhân cách “Trí-dũng-nhân-tín-liêm-trung” của một vị tướng tiêu biểu trong thời đại Hồ Chí Minh. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó”.

Dù đã ở tuổi 100, nhưng Đại tướng Nguyễn Quyết vẫn luôn theo dõi, cập nhật thông tin trên báo chí. Ảnh: Song Thanh

Khởi nghĩa giành chính quyền

“Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” - Đại tướng Nguyễn Quyết vẫn đọc rành rọt từng lời hiệu triệu của Bác Hồ năm 1945. Thật vô cùng ý nghĩa khi ngày 20/8/2022, người thanh niên ưu tú sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kim Động, Hưng Yên ấy sẽ đón ngày sinh lần thứ 100 của đời mình, cùng những ký ức đầy tự hào của những ngày thu lịch sử gắn với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của quân dân Thủ đô.

Năm 1943, đồng chí Nguyễn Quyết được Trung ương Đảng điều động từ Hưng Yên về Hà Nội để thành lập Thành ủy Hà Nội. Tình hình lúc ấy vô cùng nguy khốn vì từ năm 1930 đến 1944, đã có tới 17 lần Thành ủy Hà Nội được thành lập, nhưng hoặc cơ sở bị bại lộ, hoặc Bí thư Thành ủy bị địch bắt. Vượt qua nhiều khó khăn, đồng chí đã cùng với Thành ủy Hà Nội quyết định phải xây dựng cơ sở vững chắc, an toàn, vững từ ngoại thành, tiến dần vào nội thành. Để rồi sau đó, chỉ với mấy chục đảng viên tuổi đời còn rất trẻ, đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết mới 23 tuổi, song, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo quần chúng cách mạng hiện thực hóa giấc mơ đánh đuổi thực dân, phát xít, giành chính quyền về tay nhân dân.

Ngày 13/8/1945, nhận thấy thời cơ đã đến, với vai trò là Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Quyết đã triệu tập Hội nghị Thành ủy mở rộng tối 17/8/1945, nhằm phân tích, đánh giá tình hình và cùng thống nhất quyết định khởi nghĩa. Ngày 19/8/1945, đồng chí Nguyễn Quyết cùng với các đồng chí Trần Tử Bình, Nguyễn Khang, Lê Trọng Nghĩa đại diện cho Ủy ban khởi nghĩa phát đi lời hiệu triệu đồng bào ủng hộ Việt Minh đứng lên cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật. Vào lúc 10 giờ sáng ngày 19/8/1945, tự vệ nội, ngoại thành giương cao cờ đỏ sao vàng đi đầu đoàn quân khởi nghĩa, hát vang bài “Tiến quân ca”. Cuộc mít tinh lớn diễn ra lúc 11 giờ, tại Quảng trường Nhà hát Lớn, với sự tham gia của khoảng 20 vạn người, nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình thị uy vang dội và chia lực lượng đánh chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát và Trại Bảo an binh...

Khi đánh chiếm các vị trí trọng yếu của Hà Nội, đồng chí Nguyễn Quyết chủ trương mềm dẻo thuyết phục quân Nhật và tay sai để chúng hiểu rằng, ta chỉ đứng lên giành lại đất nước mình. Đồng thời, cử các cán bộ của Thành ủy chia thành nhiều hướng, trực tiếp chỉ đạo các mũi tiến công và vận dụng sức mạnh của quần chúng nhân dân trong đấu tranh giành chính quyền. Chính nhờ điều đó, chỉ trong ngày 19/8/1945, ta đã kết thúc nhanh chóng việc chiếm các cơ quan đầu não chính trị, quân sự của chính quyền Khâm sai ở Thủ đô, cùng toàn bộ ngoại thành Hà Nội mà không phải nổ một phát súng và thuyết phục được quân đội Nhật thừa nhận chính quyền cách mạng của chúng ta. Kinh nghiệm khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội với vai trò hết sức quan trọng của Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết đã được áp dụng cho nhiều tỉnh, thành phố, những nơi có quân Nhật chiếm đóng.

Đại tướng chính sách

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã tác động, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các thuộc địa; làm cho các thế lực đế quốc và bọn phản động quốc tế hết sức lo sợ, tìm mọi cách chống phá hòng thủ tiêu Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, ngày 23/9/1945, được sự giúp đỡ của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Rồi chúng mở rộng đánh chiếm Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tìm cách đưa quân ra Bắc Bộ, đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương, gây nhiều vụ xung đột, khiêu khích ở Hà Nội.

Một lần nữa, lịch sử đã lựa chọn Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết trở thành người chỉ huy đội quân Nam tiến, vào Liên khu V tiến hành kháng chiến chống Pháp. Phát huy bản lĩnh của người cộng sản cùng tính tỉ mỉ, sâu sắc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí Nguyễn Quyết đã cùng với quân dân Liên khu V lập nhiều chiến công vang dội. Ông là người trực tiếp chỉ đạo nhiều trận đánh quan trọng, đánh bại cuộc hành quân Atlante của Pháp và chiến đấu phối hợp để “chia lửa” cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, trên cương vị Tư lệnh, Chính ủy Quân khu 3, đồng chí Nguyễn Quyết luôn nắm chắc tình hình, quyết đoán, sáng tạo, góp phần quan trọng để Quân khu 3 trở thành hậu phương lớn, là “kho người, kho của” chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 1972, ông cùng Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức cho nhân dân Hải Phòng sơ tán triệt để trước khi máy bay B-52 Mỹ đánh phá, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Ông còn có tầm nhìn chiến lược về phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển đảo với phát động phong trào “Vươn ra Biển Đông, làm giàu, đánh thắng”, tạo tiền đề để quân dân Quân khu 3 phát triển mạnh mẽ cả về tiềm năng kinh tế lẫn quân sự, quốc phòng.

Khi trở thành Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Quyết là một người sâu sát với cơ sở, quan tâm đến cán bộ, chiến sĩ và đặc biệt chú trọng công tác hậu phương quân đội. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân kính trọng, yêu quý và đặt cho ông tên gọi “Đại tướng chính sách”. Điều đó cho thấy, ở Đại tướng Nguyễn Quyết hội tụ đầy đủ những phẩm chất, đức tính cao đẹp của người cộng sản kiên trung. Ông là vị tướng tài năng, mưu lược, giỏi quân sự, vững vàng, sắc sảo về chính trị, là người cán bộ cộng sản đức độ, luôn hết lòng vì dân, vì nước, rất mực yêu thương đồng chí, đồng đội.

Năm 1987, Đại tướng Nguyễn Quyết được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đây là giai đoạn cách mạng thế giới có nhiều biến động, CNXH ở Liên Xô và Đông Âu tan rã, song, Đại tướng Nguyễn Quyết đã phát huy cao độ phẩm chất của người cộng sản, luôn kiên định, vững vàng tham mưu cho Trung ương Đảng nhiều vấn đề nhằm ổn định chính trị, bảo vệ thành quả cách mạng của đất nước ta. Từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, Đại tướng khẳng định nguyên lý: “Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo phải dựa vào quần chúng, sức mạnh của cách mạng là ở nhân dân”.

Với những đóng góp to lớn cho cách mạng Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Quyết được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, cùng nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Tuệ Lâm

Bình luận

ZALO