Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 06:48 GMT+7

Vị tướng Biên phòng uy danh một thủa

Biên phòng - Trong lịch sử Đại Việt có nhiều vị tướng cầm quân kiệt xuất với chiến công hiển hách, uy danh lẫy lừng, khiến quân thù nghe tên đã kinh hồn, bạt vía. Vị tướng Biên phòng Lê Khôi là một trong những người như vậy. Người đời đã từng ca ngợi ông: "Đức dày tiếng thơm ghi sử sách/ Phúc yên lưu dấu thấm nhân dân".

zcvh_18a
Đền thờ tướng quân Lê Khôi nhìn từ phía Cửa Sót. Ảnh: Đình Hùng

Lê Khôi người làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên (Thanh Hóa), là con anh thứ hai của vua Lê Thái Tổ. Theo Đại Nam nhất thống chí: "Ông là người độ lượng, nhân hậu và nhã nhặn, ít nói, ít cười, từng theo vua Thái Tổ đi đánh giặc, lập được nhiều chiến công". Còn theo Lịch triều Hiến chương loại chí, "Lê Khôi là một trong những người đầu tiên đứng dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Lê Lợi", ông tham gia nhiều trận đánh lớn và lập được rất nhiều chiến công "mình đeo bên tả túi tên, bên hữu túi cung, theo vua hàng trận, công lao rực rỡ".

Theo các thư tịch cổ, năm thứ ba Thuận Thiên (1430), vua thấy thế nước mới ổn định, đất Châu Hóa thường bị quân Chiêm quấy rối, bèn sai Lê Khôi cầm quân đến trấn thủ biên cương. Khi vừa tới, ông bãi trạm gác, bỏ xét hỏi nghiêm ngặt, chiêu mộ những dân lưu tán, dạy cách làm ruộng, trồng dâu, huấn luyện quân sỹ, giữ yên bờ cõi. Đường biên ngày một yên ổn, đức vọng của ông vang lừng, vượt ra khỏi biên giới. Biên thùy yên ổn được hai năm thì vua Chiêm là Bí Cai đốc quân đến cướp thành Châu Hóa. Năm thứ ba lại vào cướp thành An Dương. Nhận được tin cấp báo, Lê Nhân Tông sai Tư đồ Lê Thận, Đô đốc Lê Xí đem binh đi đánh, đồng thời sai Lê Khôi đưa quân trấn đi tăng viện, chỉ một ngày đánh tan quân giặc.

Năm 1433, biên thùy vẫn chưa hết nạn binh đao do giặc Chiêm ngày đêm quấy phá. Vua bèn sai Đô đốc Lê Khả đi đánh dẹp, lệnh cho Lê Khôi đem binh bản bộ tiến trước. Ông cầm quân đánh tan quân địch trấn ở trên ải, rồi vượt biển đến đất giặc. Quân của ông đi tới đâu, giặc thua đau đến đấy. Thừa thắng, ông đánh thẳng vào Đồ Bàn, bắt được Bí Cai rồi rửa giáp thu quân đi về. Đang ca khúc khải hoàn dọc đường, ông lâm bệnh nặng, chết ở chân núi Long Ngâm, cửa biển Nam Giới (tức Cửa Sót, Hà Tĩnh ngày nay). Nghe tin buồn, nhà vua lập tức bãi triều 3 ngày, tăng phong ông lên chức Nhập nội Đô đốc, sau truy tặng Nhập nội kiêm hiệu Tư không bình chương sự, tên thụy là Vũ Mục Công. Sau khi chôn cất ông, dân Châu Hoan vô cùng thương xót, lập đền thờ ngay nơi mất. Do được vua tiến phong tước vương nên đền thờ ông thường được gọi là đền Chiêu Trưng Đại vương.

Ở xứ Nghệ xưa nay có có câu: "Cờn, Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng". Đó là bốn ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, quy mô to lớn và có giá trị nghệ thuật nhất vùng. Ngự ở sườn phía Nam ngọn Long Ngâm, đền tướng quân Lê Khôi được người xưa dựng theo lối tiền miếu, hậu lăng, trước là đền thờ, sau là lăng mộ. Ngay sát bến đá nơi cửa sông là tam quan với 2 cột nanh đường bệ, phía trên có nghê chầu. Qua tam quan, men theo thế núi 23 bậc đá là vọng lâu. Mặt tiền tầng trên của vọng lâu có bức đại tự: "Chiêu Trưng Đại vương" bằng chữ Hán. Trên các cột trụ của vọng lâu khắc nhiều câu đối ca ngợi công lao và uy danh của tướng quân Lê Khôi: Nguyệt chiếu thử thời trang vũ trụ/ Địa lưu phục uy tác sơn hà (Trăng sáng chiếu soi khắp vũ trụ/ Đất lưu uy phục cùng núi sông). Và: Đức vĩnh lưu phương thùy tín sử/ Phúc tuy quyết hậu nhuận tân dân (Đức dày tiếng thơm ghi sử sách/ Phúc yên lưu dấu thấm nhân dân)... Gần điện thờ tướng Lê Khôi là hai nhà bia đối xứng nhau. Bia bên tả khắc bài thơ thất ngôn luật bằng chữ Nôm của vua Lê Thánh Tông ban tặng:

"Dẹp yên tám cõi mới buông tay

Rờ rỡ thai sinh một đóa mây

Tể tướng bếp tàn mai lạnh vạc

Tướng quân dinh trắng liễu chau mày...".

Bia bên hữu là bức hoành phi vua ban bốn chữ "Nam Thiên Tuấn Vọng" (Đức cả trời Nam).

Đền tướng quân Lê Khôi nằm sát bên bờ biển Cửa Sót, một vị trí rất hiểm địa, nơi có Đồn BP Cửa Sót đóng quân. Đền gồm ba tòa: Thượng, Trung, Hạ, được dựng hoàn toàn bằng gỗ với nghệ thuật chạm trổ đạt đến mức điêu luyện. Bên cạnh các bức chạm lộng các đề tài truyền thống như tứ linh, bát bảo, lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng long tranh châu... là các đề tài mang đậm phong cách dân gian như vũ nữ, tiên, hạc, đánh cờ, mục tử... Những đường nét tinh tế, uyển chuyển và bố cục phóng khoáng, gợi mở làm cho các bức chạm sống động và có hồn. Ở thượng điện có pho tượng tướng quân tạc bằng gỗ trầm hương rất đẹp, đường nét tinh tế, trang nhã, người chiêm ngưỡng có thể hình dung ra ông vừa uy nghiêm, vừa phúc hậu.

Lăng mộ của tướng quân Lê Khôi ở phía sau thượng điện, đã yên vị ở đây ngót 600 năm. Sau hương án là lối vào, có lưỡng hổ chầu hai bên tả hữu, hai bên cột có hai câu đối: Yên chức hào kiệt/ Chiến tích anh hùng. Tuy nhiên, cái đẹp của đền thờ tướng quân Lê Khôi không chỉ ở các đường nét kiến trúc, mà còn ở sự hài hòa giữa các công trình kiến trúc, không gian kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên.

Theo thế núi, không gian kiến trúc của ngôi đền cao dần, dẫn khách thập phương đến với sự chiêm nghiệm về công lao và sự thiêng liêng của Chiêu Trưng Đại vương. Ngọn Long ngâm có dáng đầu rồng đang cúi xuống uống nước biển Đông, mặc cho quanh năm bạc đầu sóng vỗ. Sông Hoàng Hà (sông Sót) bốn mùa cần mẫn đưa nước về với biển cả. Ở chốn non nước hữu tình ấy, đền tướng quân Lê Khôi trầm mặc, thấp thoáng trong rừng xanh để quanh năm ngắm non trông bể, lắng nghe âm thanh của tạo hóa, hòa âm cùng sóng biển với gió rừng. Trải qua đạn bom của chiến tranh, khắc nghiệt của thời tiết, ngôi đền thờ vị tướng Biên phòng Lê Khôi uy danh một thủa đã hư hỏng quá nhiều, phải xây đi, sửa lại mấy bận, nhưng niềm tin thần thánh và sự tri ân của người đời với bậc anh hùng cứu quốc, chăm dân thì còn mãi mãi.

Nguyễn Đình Hùng

Bình luận

ZALO