Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:02 GMT+7

Vị Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang đầu tiên

Biên phòng - Cố Phó Thủ tướng Chính phủ Phan Trọng Tuệ, sinh năm 1917, tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cũ). Ông là lớp cán bộ cách mạng trưởng thành trong cuộc vận động thành lập Đảng và cao trào cách mạng giành độc lập, tự do cho dân tộc và được Bác Hồ trực tiếp giáo dục, rèn luyện.

phan-trong-tue
Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ thăm lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh Hà Đông (cũ) năm 1959. Ảnh: Tư liệu

Đầu năm 1958, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công an và ông được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ soạn thảo Đề án “Thành lập lực lượng Công an Biên phòng và nội địa” và ông đã trở thành vị Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) nay là BĐBP.

Trong câu chuyện hằng ngày với phóng viên Báo Công an vũ trang, Tướng Tuệ thường nói: “Vạn sự khởi đầu nan”. Những ngày đầu thành lập lực lượng CANDVT khó muôn bề vừa củng cố xây dựng đồn, trạm Biên phòng, vừa tiễu phỉ, đánh gián điệp, biệt kích trên biên giới. Tướng Tuệ kể, đầu năm 1959, ở biên giới Việt - Trung, bọn đặc vụ, bọn phản cách mạng từ Trung Quốc sang cấu kết với bọn phản động trong tầng lớp trên, bọn phỉ cũ ở miền núi “xưng vua” nổi phỉ, gây bạo loạn phá hoại công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Chúng đã gây ra bạo loạn ở Hồ Thầu, Giào San (Lai Châu), A Lung, A Mú Sung (Lao Cai), Thanh Y (Hải Ninh), Đồng Văn (Hà Giang)... gây ra nhiều thiệt hại về người và của, làm cho quần chúng hoang mang.

Còn ở biên giới Việt - Lào, đế quốc Mỹ thực hiện kiểu “chiến tranh đặc biệt” bằng cách tăng cường chi viện vũ khí, tiền bạc cho bọn phản động phái hữu chống lại cuộc chiến tranh yêu nước của nhân dân Lào. Chúng lợi dụng địa bàn Lào để tung gián điệp biệt kích và bọn phản động Thái Mèo lưu vong vào các tỉnh biên giới miền Bắc để gây phỉ, gây bạo loạn phá hoại nước ta.

Được Mỹ hỗ trợ vũ khí, tiền bạc, bọn phái hữu tăng cường hoạt động vũ trang dọc biên giới, đóng thêm, từ 51 lên đến 61 đồn. Đáng chú ý, có thêm một tiểu đoàn gồm 10 đại đội lính Thái lưu vong do Đèo Văn Long và Lò Khăn Thi chỉ huy hoạt động dọc theo biên giới Việt - Lào. Ở giới tuyến quân sự tạm thời, Mỹ - ngụy tăng cường quân số trên đường số 9 và các đội gián điệp, biệt kích ở vùng núi, khu phi quân sự phía Nam, huấn luyện người nhái, hải phỉ ở Cửa Việt thường xuyên tung ra bờ Bắc hoạt động. Ở bờ biển, Mỹ - Diệm dùng tàu chiến ngoài khơi hoặc dùng thuyền bí mật tung gián điệp, biệt kích vào các vùng ven biển miền Bắc.

Ở nội địa miền Bắc sau ngày giải phóng, bọn gián điệp Pháp, Mỹ và các thế lực phản động khác đã cài cắm cơ sở lại tiếp tục lén lút hoạt động móc nối với bọn phản động đế quốc bên ngoài chống phá chế độ ta trước mắt và lâu dài. Miền Bắc thời kỳ này vẫn còn 181.821 ngụy quân, 67.834 ngụy quyền, trên 3 vạn gián điệp, chỉ điểm, phản động cùng hàng ngàn tên phản động lợi dụng đạo Thiên chúa và dân tộc ở miền núi chống phá cách mạng.

Trong khi đó, lực lượng CANDVT vừa triển khai, ngành Công an mới chuyển sang được 1.200 người, quân đội chuyển qua 12.682 người, chỉ đạt 70% quân số, vì vậy, phải dàn mỏng quân ra trên các đồn Biên phòng và các mục tiêu nội địa. Ngay lập tức, Tướng Tuệ chỉ đạo tuyển 5.000 thanh niên trẻ, khỏe, có lý lịch trong sạch vào làm nghĩa vụ trong CANDVT; đồng thời, tập huấn nghiệp vụ cho 135 cán bộ sơ cấp tăng cường về các đồn, trạm Biên phòng tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào và giới tuyến quân sự tạm thời.

Để có cán bộ phục vụ lâu dài trong CANDVT, Tướng Tuệ đã chỉ đạo cơ quan cán bộ rà soát lại số cán bộ có trình độ văn hóa cao gửi đi đào tạo tại các trường Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và 15 trường đại học bên ngoài.

Tướng Tuệ nhiều lần kể lại, cuối năm 1959, tình hình khu vực biên giới Hà Giang trở nên rất phức tạp. Bấy giờ, cuộc cải cách dân chủ ở đây đang bước vào giai đoạn mới: Giai đoạn đánh đổ uy thế và ảnh hưởng của bọn phong kiến thổ ty, xóa bỏ vĩnh viễn giai cấp bóc lột và những phần tử phản động, chỗ dựa cuối cùng của chủ nghĩa đế quốc. Vì vậy, bọn phản cách mạng đã tập hợp cấu kết với nhau gây ra bạo loạn ở 2 huyện biên giới Đồng Văn và Hoàng Su Phì.

Sau khi cùng Đảng ủy, Ban Chỉ huy CANDVT Trung ương phân tích đánh giá tình hình, Tướng Tuệ đã phái các đoàn công tác: Tham mưu, Chính trị, Trinh sát cùng với CANDVT Hà Giang xuống các địa bàn Đồng Văn, Hoàng Su Phì để nắm tình hình và đề ra phương án chiến đấu.

Trong thời gian đó, Tướng Tuệ nhiều lần trực tiếp cùng với các đồng chí Khu ủy, Tỉnh ủy Hà Giang họp phân tích đánh giá các sự kiện đang xảy ra. Quan điểm của ông và lãnh đạo địa phương là kiên quyết lãnh đạo quần chúng đẩy mạnh cải cách dân chủ, phát động nhân dân cùng với CANDVT quét sạch bọn đặc vụ, bọn tàn quân phỉ, củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng công an, dân quân, bảo vệ cuộc sống yên vui hạnh phúc của nhân dân.

Ông đến từng đồn Biên phòng ở khu vực này nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất cho đồng bào. Trước mắt, các đồn bàn với địa phương giải quyết nạn đói giáp hạt cho bà con. Các đội công tác kiên trì tuyên truyền giáo dục quần chúng, phân hóa tầng lớp trên, cô lập những phần tử xấu, trừng trị những tên chủ mưu, chủ ác chống lại chính quyền cách mạng. Đồng thời, Ban Chỉ huy CANDVT Trung ương tăng cường Tiểu đoàn 12 CANDVT, Tiểu đoàn 55 Biên phòng Cao Bằng lên Hà Giang phối hợp với Trung đoàn 246 Việt Bắc và lực lượng vũ trang của bạn để trấn áp phỉ.

Trong một cuộc họp Đảng đoàn Bộ Công an, Tướng Tuệ phân tích tình hình Đồng Văn, Hoàng Su Phì và đề nghị Bộ Chính trị cho giải quyết vấn đề phỉ Đồng Văn bằng phương pháp quân sự kết hợp với chính trị, nghiệp vụ.

Ngày 30-11-1959, bọn phản động được sự chỉ đạo của “vua Mèo” Vương Chí Sình đã đóng cửa Cổng Trời, gây bạo loạn ở 15 trong số 22 xã của huyện Đồng Văn. Chúng đuổi cán bộ CANDVT đến công tác ở các xã; đồng thời, chia lực lượng tấn công vào thị trấn Đồng Văn. Sau đó, chúng đánh vào xã Lũng Phìn, chiếm Mèo Vạc, Na Khô, Ngàn Sơn đánh xuống các xã Đông Hà, Nam Cổng Trời. Đi đến đâu bọn phỉ cũng tìm bắt cán bộ, cướp thóc gạo, hàng hóa, bắt ép nhân dân theo chúng, chống lại chính quyền. Bọn phỉ đã giết 42 cán bộ, bộ đội và ép 16 dân đi phỉ, phá kế hoạch sản xuất và kinh tế của địa phương.

Khi bọn phỉ nổi lên gây bạo loạn ở Đồng Văn thì ở miền Nam, Mỹ - Diệm đã dùng đài “Gươm thiêng ái quốc” tuyên truyền kích động và hứa hỗ trợ cho bọn phỉ. Thấy đây là thời cơ thuận lợi để “đánh” người vào nội bộ phỉ, Tướng Tuệ xin ý kiến lãnh đạo Bộ chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ đưa Trần Tuấn Nghĩa, giàu kinh nghiệm đánh địch, trong vai “Trung tướng đặc phái viên của Diệm” ra hỗ trợ cho bọn phỉ.

Trần Tuấn Nghĩa đã nhanh chóng gây được uy tín với tên chỉ huy phỉ Vàng Chúng Dình và xây dựng được một số cơ sở mật, thu thập nhiều tin tức quan trọng gửi về Ban chỉ đạo truy quét phỉ Đồng Văn. Và sau này, chính Trần Tuấn Nghĩa và phân đội CANDVT đã bắt sống Vàng Chúng Dình, Vù Mí Na và một số tên cầm đầu khác.

Tướng Phan Trọng Tuệ nói rằng, suốt trong thời kỳ mở chiến dịch truy quét phỉ ở Đồng Văn, nhiều hôm ông phải thức trắng đêm để vạch kế hoạch tác chiến, trực tiếp chỉ đạo các đơn vị CANDVT phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 2 tiêu diệt từng cụm phỉ.

Gần 3 năm (1959-1961) làm Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng CANDVT, nay là BĐBP, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đã để lại trong lòng các thế hệ người lính về chân dung một vị tướng dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu; quyết đoán, nhạy bén, khôn khéo trong xử lý các tình huống xảy ra ở biên giới, giới tuyến; chặt chẽ, lịch lãm trong đối ngoại biên phòng...

Ngày 24-12-1959, ông chỉ đạo lực lượng CANDVT, Công an nhân dân giải vây ở Đồng Văn, tiến hành truy quét phỉ ở nhiều xã trong huyện. Ngày 31-3-1960, ta bao vây Cổng Trời. Số phỉ ngoan cố chạy vào các hang trong núi, sau đó trốn sang Trung Quốc, tiếp tục chống đối.

Dưới sự chỉ đạo của Tướng Phan Trọng Tuệ, CANDVT phối hợp với các lực lượng khác tiếp tục bao vây, từ ngoài đánh vào, kết hợp với trinh sát nội tuyến từ trong đánh ra, bắt và tiêu diệt số phỉ còn lại. Trong trận đánh này, nhiều chiến sĩ CANDVT đã anh dũng vào tận hang ổ của địch để tiêu diệt chúng như: Thượng sĩ Mai Xuân Hùng, Nguyễn Văn Hướng, Giàng Mí Quả, Hầu Mí Chơ...

Vụ bạo loạn của bọn phản động ở Đồng Văn có 1.112 tên tham gia, trong đó có 65 tên trước đây là cán bộ xã bị thoái hóa, 188 tên phản động từ Trung Quốc chạy sang.

Ta tiêu diệt 91 tên, bắt sống 100 tên (có nhiều tên cầm đầu như Vàng Chúng Dình, Vàng Chỉn Cáo, Giàng Vạn Sùng, Lý Nhè Lùng, Vàng Vạn Sình...), thu 355 súng và nhiều tài liệu quan trọng khác.

Đầu năm 1961, đang chỉ đạo đánh vụ án gián điệp biệt kích Phạm Chuyên (mật danh ARES) xâm nhập bằng đường biển đầu tiên thì Tướng Tuệ nhận được quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều ông sang làm Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải.

Mạnh Vũ

Bình luận

ZALO