Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 06:05 GMT+7

Vị trà ký ức

Biên phòng - “Trà chốt” là một loại đồ uống quen thuộc có từ những năm 80, thế kỷ XX của BĐBP đóng quân trên các điểm cao mù sương ở Hà Giang. Chuyện kể về trà chốt sau này được thêm nếm rất nhiều gia vị cho có phần huyền thoại và đậm đà “chất lính”. Vì vậy mà câu chuyện về trà chốt không chỉ đơn thuần là đồ uống đỡ khát, đỡ nghiền, mà là cả vùng ký ức về đời sống tinh thần của bộ đội điểm cao ngày ấy.

Chúng tôi hành quân lên sát đường biên xa hút phía Bắc Hà Giang, “đổ bộ” vào một Tổ công tác Biên phòng có cái tên rất khó nhớ: Ma Ngán Sản của Đồn BP Tùng Vài. Bây giờ, BĐBP các tỉnh phía Bắc không còn biên chế các chốt điểm cao, mà thay bằng các Tổ công tác cắm bản. Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trong các Tổ công tác sống ở nơi heo hút nhưng lại gần các khu dân cư tiện việc quản lý địa bàn. 

Vùng này nổi tiếng với những cây trà shan tuyết cổ thụ quanh năm ẩn hiện trong sương mù mây phủ từ Tây Côn Lĩnh sang Phìn Hồ, Quản Bạ. Câu chuyện với cánh lính Biên phòng trong Tổ công tác quanh bàn trà tình cờ lại trở về chuyện trà chốt. Các anh nói chiến tranh lùi xa lâu rồi, nhưng cái danh trà chốt vẫn còn nguyên. Cũng như chúng tôi đang làm nhiệm vụ cắm bản, nhưng ký ức một thời gian khó, hào hùng của những người đi trước luôn như còn lại nơi đây. Hà Giang mùa này mưa kéo dài cả tháng, thời tiết sắp sang đông là lúc sương mù dày đặc, chén trà trong Tổ công tác quyện hơi sương mỏng, bỗng dưng thơm hơn, nồng đượm hơn.  

Và cũng chén trà nóng trên tay, bộ đội lại kể về trà chốt. Ngày trước những điểm cao đều trong tình trạng thiếu quân nhu, quân trang, lương thực, thực phẩm tiếp tế cũng khó khăn. Vào mùa mưa lại càng khó, đường rừng lầy lội mà điểm cao nào cũng ở tít trên đỉnh núi. Bộ đội ngày ấy đều xuất thân từ nông thôn, thói quen nghiện trà ấm sao khô kiểu ông bà ta xưa. Mấy cây trà shan tuyết cổ thụ ở trên chốt được bộ đội quý như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Giống shan tuyết cổ thụ mỗi năm chỉ ra búp 2 lượt, xuân và thu.

Trà xuân được nước xanh hơn, trà thu đậm vị hơn. Mỗi mùa, cây chỉ nhú búp non lác đác, đã quý lại còn ít. Bộ đội trèo cây hái từng búp một, khéo léo đến nỗi những búp non còn ngậm sương, không để giập và tiết nhựa. Búp còn tươi nguyên đã ngả ra sao. Các anh bảo có khi vừa trèo lên cây hái xong, tụt xuống đã bỏ búp trà vào chảo sao luôn. Có đơn vị không có chảo gang, anh em lấy mũ sắt cũ để sao trà. Vì thế, trà chốt giữ nguyên hương vị của rừng già, ít mà tinh, lá trà uốn cong như móc câu phủ một lớp tuyết trắng thơm lừng.

Mùa trà chính vụ, các chiến sĩ còn sao trà gửi về quê, kèm trong mỗi lá thư như là quà biên giới. Thứ trà nguyên hương, cánh phủ tuyết trắng như mốc ngày ấy với đồng bằng là quà hảo hạng, đặc sản. Phải chăng người thưởng trà ở đồng bằng uống trà, ngấm cả vị ngon từ tấm lòng nhớ nhung, nơi biên giới gửi về hậu phương cho nên khó quên, mà cảm thấy ngon hơn bội phần.

Kỳ thực, trà chốt không phải có vị ngon thần thánh hóa như huyền thoại về nó. Mấy anh bộ đội trên chốt không có nhiều thời gian sao tẩm, kỹ thuật sao chè cũng không được như bây giờ, không thể là loại đồ uống làm mê mẩn vị giác như những thứ trà hảo hạng ngày nay. Nhưng uống trà chốt phải uống bằng vị ký ức. Đến Hà Giang mùa này để ngấm sương thật dày, để uống trà trong khí lạnh tỏa ra từ trên điểm cao, trong những ngày mưa lạnh xám trời để thấy trà chốt còn sống mãi. Thời nào cũng vậy, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên chốt dù ở bất cứ địa hình nào cũng có khả năng thích nghi với môi trường, đồn là nhà, biên giới là quê hương. Anh em vốn xuất thân từ nông thôn, thói quen uống trà theo cả cuộc đời, sống đâu quen đấy mà kiểu nghiện vị trà sao khô thì vẫn chân chất một kiểu. Buổi sáng họp bàn triển khai công việc, hay đi thăm dân, trao đổi công tác với chính quyền địa phương, kiểu gì thì cũng có ấm trà là đầu câu chuyện.

Và bên chén trà, luôn là những câu chuyện đời sống, về công việc. Thỉnh thoảng như hôm nay có chúng tôi đến, tạm gọi là khách đường xa, trà bỗng nhiên ngon hơn nhiều lần. Thời chiến, có lẽ những cây trà cổ thụ còn thấm cả máu các chiến sĩ, đất đai quê hương, đất nước, nhất là những vùng biên giới như Hà Giang, chuyện đó là một phần tất yếu của lịch sử. Những lúc giao tranh ác liệt, giữa hai làn đạn, giữa khoảng lặng của các cuộc tấn công, những người lính vẫn hái trà về sao, để pha những ấm trà nồng hương buổi sớm. Chỉ nguyên điều đó thôi đã khiến trà chốt trở thành một di sản về tinh thần lạc quan, ý chí vững vàng của bộ đội. Từng tấc đất biên cương, mọi sự thừa hưởng văn hóa lối sống những năm tháng lịch sử đều là bài học quý giá truyền lại cho đời sau.

Vị trà bây giờ không còn là “trà chốt” nữa, mà vị trà của ký ức như vẫn còn đâu đây…

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO