Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 04:26 GMT+7

Vị thế Việt Nam trên “bàn cờ” quốc tế

Biên phòng - Năm 2020, Việt Nam giữ vai trò trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN. Vị thế của Việt Nam đang ngày càng được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế.

kb8y_10
Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải và Thứ trưởng phụ trách ngoại thương, Bộ Kinh tế Mexico Luz María de la Mora ký Biên bản Kỳ họp lần II Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Mexico về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, diễn ra ngày 9 và 10-7-2019. Ảnh: CTV

Bước ra “chợ toàn cầu” 

Năm 2019, tăng trưởng của Việt Nam xấp xỉ 7%, nằm trong tốp những quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới, dự trữ ngoại hối đạt 73 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt 500 tỉ USD. 

Quay ngược lại thời gian đất nước phải mò mẫm đi ra từ nền kinh tế bao cấp để thấy việc huy động sức dân vào công cuộc phát triển đất nước tạo nên bức tranh kinh tế đầy sinh động. Luật Doanh nghiệp ra đời tạo nên một cú hích và luồng gió mới thúc đẩy nền kinh tế nước nhà. “Người dân có thể làm bất kể việc gì mà pháp luật không cấm”, thay cho “công thức” trước đã tồn tại một thời gian rất dài: “Người dân chỉ có thể làm những gì Nhà nước cho phép”. Thông qua được các quan điểm mới như vậy đã khó, nhưng thực hiện nó còn khó khăn hơn gấp bội” - Tiến sĩ Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lướt qua thời kỳ khởi đầu kinh tế tư nhân bùng phát. 

Luật Doanh nghiệp năm 1999, có hiện lực thi hành vào năm 2000, Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó đã ký lệnh bãi bỏ 268 giấy phép con của các bộ, loại bỏ gần một nửa tổng số giấy phép tồn tại thời điểm đó.

Mở đường cho kinh tế tư nhân phát triển ở mọi ngõ ngách cuộc sống, tạo nên môi trường cạnh tranh kinh doanh lành mạnh. Đến hôm nay Việt Nam có trên 700 nghìn doanh nghiệp tư nhân, trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế tầm cỡ thế giới.

Khi nội lực trong nước đã phát triển mạnh mẽ, chúng ta phải tìm cách mở thị trường, vừa thu hút vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến của nước ngoài vào, vừa tìm “chợ mới” để bán hàng với giá lợi nhuận cao. Có lẽ, ấn tượng nhất với các nhà ngoại giao của nước ta là tham gia đàm phán về Hiệp định thương mại song phương với Mỹ, một hiệp định theo chuẩn quốc tế mà nước ta chưa hề đàm phán và ký với bất cứ nước nào. 

Sau hành trình 5 năm đàm phán, tháng 7-2000, Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ được ký kết, mở ra thị trường rộng lớn bậc nhất thế giới, đưa Mỹ thành bạn hàng xuất khẩu số 1 của nước ta và Tổng thống Mỹ lần đầu tiên tới thăm Việt Nam. Kim ngạch thương mại Việt - Mỹ năm 2000 chưa đạt 1 tỉ USD đến năm 2018 tăng lên 60 tỉ USD. 

Việt Nam “chơi” và “chịu được” với nền kinh tế Mỹ, có nghĩa nước ta có thể “chơi được” với tất cả các nước trên thế giới. Chứng minh điều này, nước ta đã trải qua 11 năm đàm phán và “cân đo đong đếm” với các nước, để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào ngày 7-11-2006. 

Xử lý những vấn đề quốc tế 

Ấn tượng nhất trong hoạt động đối ngoại những năm gần đây là Việt Nam đăng cai tổ chức thành công “Năm APEC 2017”, ở đó, chúng ta đã khéo léo xử lý nhiều vấn đề ở tầm thế giới, thể hiện được vai trò của nước chủ nhà với các nền kinh tế thành viên và tổ chức quốc tế. Chẳng hạn, tại thành phố Đà Nẵng, khi thảo luận và có thể đi đến ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 nước, nhiều mâu thuẫn và xung đột đã xảy ra, lãnh đạo một số nước bỏ không đến dự cuộc họp chốt vấn đề, vì nhiều lý do. Là nước chủ nhà, chúng ta đã tìm mọi phương án tốt nhất đưa ra để “níu kéo” tránh bị đổ vỡ hiệp định, khi mà trước đó, Mỹ đã rút ra không tham gia hiệp định. Đầu năm 2018, Chính phủ các quốc gia đã đặt bút ký Hiệp định CPTPP. 

d8fq_3b
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển tăng trưởng cao sau khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ảnh: Hải Luận

Gần đây, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu gần như tuyệt đối (192/193 phiếu) bầu Việt Nam vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2010-2021, điều đó đã nói lên rằng, các quốc gia trên thế giới coi trọng Việt Nam, một quốc gia có trách nhiệm. Liên tiếp nhiều năm nước ta đã gửi cán bộ, chiến sĩ tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại châu Phi. Cộng đồng thế giới hy vọng, với kinh nghiệm của Việt Nam sẽ tham gia giải quyết nhiều vấn đề khó khăn trên toàn thế giới. 

Sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 được Quốc hội thông qua, tính đến tháng 5-2019, các bộ, ngành đã trình Chính phủ cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, bao nhiêu vấn đề nghị sự của khu vực và quốc tế đang đặt ra, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn. Tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; bảo hộ thương mại gia tăng; cạnh tranh giữa các nước lớn và xung đột ở nhiều nơi gay gắt. Các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an toàn thông tin, an ninh mạng và tội phạm ngày càng gia tăng; tình hình Biển Đông diễn biến khó lường... Tất cả những vấn đề “nóng” đó đang đòi hỏi Chủ tịch ASEAN phải điều hành, xử lý với ASEAN. 

Việt Nam sẽ tạo dấu ấn đỉnh cao 35 năm đổi mới và hội nhập. Tất cả vì những lợi ích quốc gia rộng lớn, yêu cầu giữ vững hòa bình, ổn định, cũng như sự hợp tác với các nước láng giềng và thể hiện vị thế đất nước trên “bàn cờ” quốc tế. 

Hải Luận

Bình luận

ZALO