Biên phòng - 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, từ ngày 20/1 đến hết ngày 26/1/2023, toàn quốc xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 89 người và bị thương 111 người. Một tín hiệu khả quan là so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số vụ tai nạn liên quan đến vi phạm nồng độ cồn đã giảm một cách rõ rệt, giảm cả về số vụ TNGT và số người chết.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm an toàn giao thông đã và đang gia tăng rất đáng lo ngại. Trong kỳ nghỉ Tết vừa qua, Cảnh sát giao thông (CSGT) các đơn vị, địa phương đã xử lý 21.990 trường hợp vi phạm; phạt tiền 50,428 tỷ đồng; tạm giữ 10.599 phương tiện; tước 4.950 giấy phép lái xe các loại. Trong đó, xử lý 7.726 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn và 17 trường hợp vi phạm về ma túy.
Vấn nạn lái xe tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia vẫn đang diễn ra phổ biến từ nông thôn đến thành thị. Trước đó, trong 2 tháng thực hiện cao điểm tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (từ ngày 15/11/2022 đến ngày 12/1/2023), lực lượng CSGT đã xử lý chuyên đề vi phạm về nồng độ cồn đối với 80.672 trường hợp, phạt tiền gần 400 tỷ đồng.
Dư luận cho rằng, mặc dù các lực lượng chức năng đã ra quân quyết liệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật giao thông, tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về an toàn giao thông nhưng con số gần 1.000 người chết do TNGT từ đầu năm đến nay vẫn là nỗi ám ảnh đối với mỗi người tham gia giao thông.
Theo các chuyên gia, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT như: vi phạm tốc độ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh vượt sai quy định; không chấp hành tín hiệu giao thông, đi vào đường ngược chiều... Bởi, với mức nồng độ cồn cao hơn 0,4 mg/1 lít khí thở, thì tinh thần, hành vi của người điều khiển phương tiện sẽ không còn tỉnh táo để nhận biết và xử lý chính xác các tình huống giao thông kéo theo nhiều vi phạm khác.
Những vụ TNGT thương tâm xảy ra trong thời gian qua phần lớn đều xuất phát từ việc uống rượu bia không làm chủ được tay lái, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội.
Cho dù chúng ta đã có quy định mức xử phạt khá cao so với thu nhập của người dân, nhưng tình trạng lái xe sau khi uống rượu bia vẫn chưa chuyển biến đáng kể. Nguyên nhân xuất phát từ thói quen sử dụng rượu, bia trong giao tiếp, sinh hoạt vẫn đang diễn ra phổ biến, nhất là trong các dịp lễ, Tết, hiếu hỉ, liên hoan...
Vấn nạn này lại càng trở lên nhức nhối khi ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn chưa cao, dẫn đến tình trạng vi phạm điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Thậm chí, dù đã biết được tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện, nếu bị kiểm tra sẽ bị phạt rất nặng song không ít người vẫn bất chấp, cố tình vi phạm. Thế nên, việc ra quân tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông mới chỉ giải quyết được phần ngọn.
Thiết nghĩ, ngoài việc ra quân tăng cường xử lý vi phạm, chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật giao thông, chú trọng đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, ứng dụng công nghệ số, truyền thông qua mạng xã hội (Zalo, Viber, Facebook, Youtube...) để các quy định của pháp luật, thông tin về an toàn giao thông đến được với đông đảo người dân, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành an toàn giao thông của người dân, hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia - không lái xe”.
Đảm bảo an toàn giao thông là trách nhiệm của toàn xã hội và mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Chỉ khi việc chấp hành tuyệt đối pháp luật về an toàn giao thông, nói không với tất cả những hành vi tiêu cực trong hoạt động giao thông ngấm sâu vào suy nghĩ, hành động của mỗi người dân thì mới có thể mang đến sự an toàn cho mỗi người và cả cộng đồng.
Thanh Thảo